“thịt thú rừng” vẫn lủng lẳng ở chùa hương:

Liên ngành quyết “dẹp”, Ban tổ chức “xin” tha

ANTĐ - Đang có một mâu thuẫn trong việc chỉ đạo dẹp các vi phạm treo móc, bày bán thịt thú các loại ở chùa Hương, giữa lực lượng thực thi nhiệm vụ và Ban tổ chức lễ hội. Khi mà hàng chục CBCS Công an Hà Nội vất vả “nằm vùng” từ Tết Nguyên đán để tuyên truyền, quyết dẹp vi phạm, thì Ban tổ chức lại chủ trương chỉ nên “xử lý” ở mức nhắc nhở. Hệ quả của việc này là một bộ phận chủ cửa hàng nhờn luật, công khai thách thức lực lượng làm nhiệm vụ.

Khó dẹp bỏ hàng quán treo lủng lẳng thịt thú rừng chỉ với lời nhắc nhở nhẹ nhàng

Chủ trương nương nhẹ

Sáng 25-2, 10 ngày sau khi chùa Hương khai hội, ông Nguyễn Chí Thanh - Phó trưởng Ban thường trực Ban tổ chức (BTC) Lễ hội chùa Hương 2013 khẳng định: 90% các hộ kinh doanh hàng ăn uống trong khu di tích đã hưởng ứng tuyên truyền của BTC, không treo móc, bày bán thịt thú các loại gây phản cảm, không đảm bảo VSATTP. Thông tin thêm về việc này, Thượng tá Nguyễn Văn Quân - Phó trưởng Phòng Cảnh sát PCTP về môi trường, người trực tiếp chỉ đạo tổ công tác làm nhiệm vụ tại chùa Hương cho hay: Trước, trong và sau ngày khai hội, lực lượng Cảnh sát PCTP về môi trường đã tăng cường tuần tra, kiểm soát, nhắc nhở, ký cam kết tới 100% hộ kinh doanh ăn uống, cam kết không treo móc, bày bán thịt động vật. Tuy nhiên, quá trình trinh sát cho thấy một số cơ sở không chấp hành, cố tình vi phạm khi vắng bóng công an. Trước thực trạng đó, Cảnh sát PCTP về môi trường đã kiến nghị với BTC lễ hội, tham mưu cho UBND huyện Mỹ Đức thành lập đoàn kiểm tra liên ngành gồm 4 lực lượng: công an, kiểm lâm, thú ý và QLTT, phối hợp với các ban, ngành, UBND, CAH Mỹ Đức kiểm tra việc chấp hành các quy định VSATTP tại các quán hàng từ ngày 25-2. 

Giao nhiệm vụ cho các lực lượng trước lúc ra quân kiểm tra, xử lý vi phạm, Thượng tá Nguyễn Văn Quân đề nghị: Chi cục Thú y Hà Nội tập trung xử lý tình trạng treo móc thịt các loại, thực phẩm không qua kiểm dịch, nếu phát hiện ôi thiu sẽ xử lý; Chi cục Kiểm lâm kiểm tra các loài động vật rừng, nếu không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc sẽ tịch thu, phạt hành chính, trường hợp kinh doanh, buôn bán động vật nguy cấp quý hiếm sẽ phối hợp với CAH lập hồ sơ khởi tố; QLTT sẽ kiểm tra thủ tục, giấy tờ kinh doanh, việc chấp hành các quy định về VSATTP; Cảnh sát PCTP về môi trường tham gia hỗ trợ các lực lượng khi có đối tượng chống đối, không chấp hành. Khi được hỏi ý kiến, ông Nguyễn Chí Thanh - Phó trưởng Ban thường trực BTC Lễ hội chùa Hương cho rằng: đa số các hộ kinh doanh đã chấp hành, không treo móc thịt thú nên BTC chủ trương và đề nghị đoàn liên ngành thực thi nhiệm vụ, quá trình kiểm tra chỉ… nhắc nhở, chấn chỉnh, nâng cao trách nhiệm, ý thức người dân về công tác VSATTP. “Trường hợp cửa hàng nào bán thức ăn quá ôi thiu, không sử dụng được mới xử lý, còn vi phạm mức độ vừa phải chỉ nên nhắc nhở” - đại diện BTC đề nghị.

Nhờn luật, thách thức đoàn liên ngành

Cần phải nói thêm, trước khi đoàn kiểm tra liên ngành làm nhiệm vụ, ngày 21-2, BTC lễ hội đã gửi đi thông báo tới các tổ chức, cá nhân kinh doanh trong chùa Hương, “thông báo” thời gian, các địa điểm mà đoàn sẽ đi tới. Việc làm quá cẩn thận này khiến 100% các hộ kinh doanh ăn uống ở khu vực bến Trò, sân chùa Thiên Trù  không còn treo móc thịt thú như mọi khi, mà “bầy” cả vào tủ kính. Tuy nhiên, hàng loạt các vi phạm về bày bán rượu ngâm rắn, tắc kè trong sáng 25-2 đều được lực lượng kiểm lâm “cho qua” và nhắc nhở đúng theo tinh thần chỉ đạo của BTC. Tại tủ kính “an toàn thực phẩm” ở nhà hàng Năm Thành số 2 (Bến Trò), lực lượng chức năng phát hiện 1 con hươu bị xẻ thịt, chủ cơ sở chưa xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc. Vi phạm này tiếp tục bị kiểm lâm “rút kinh nghiệm”, bất chấp việc đốc thúc xử lý của lực lượng công an. 

Ra quân đông, song với cách làm thiếu quyết liệt của các lực lượng phối hợp, đã tạo đà cho một số chủ hộ kinh doanh ăn uống nhờn luật, đối phó, số khác có thái độ chống đối, lớn tiếng, thách thức khi bị lực lượng chức năng nhắc nhở, điển hình như cửa hàng cơm phở Như Ý; cửa hàng cơm phở Quang Khải (Bến Trò). Ghi nhận của PV ANTĐ trong ngày 25-2, ngay khi lực lượng chức năng vừa đi khỏi, tình trạng treo móc thịt thú ra ngoài tủ kính nhanh chóng tái diễn.

Tìm hiểu “mâu thuẫn” trong việc chỉ đạo dẹp các vi phạm về VSATTP; treo móc, bày bán thịt thú các loại ở chùa Hương, chúng tôi được nhiều người trong cuộc thẳng thắn cho biết rằng: “mâu thuẫn” ấy xuất phát từ lợi ích kinh tế. Những ki-ốt bán hàng ăn uống thường treo móc, bày bán thịt thú các loại đều nằm tại những vị trí đắc địa ở bến Trò và sân chùa Thiên Trù, có giá thuê sau đấu thầu và mua đi bán lại, dao động khoảng 300-400 triệu đồng/mùa lễ hội. Kinh doanh nếu không lãi, hiển nhiên các hộ “nhà giàu” này sẽ không thuê tiếp vào mùa sau, nguồn thu của lễ hội, của địa phương vì thế sẽ bị ảnh hưởng. Cho thuê giá cao, việc BTC “tạo điều kiện” tối đa cho các hộ kinh doanh này là điều dễ hiểu. Từ chỗ bán các loại thịt thông thường như: trâu, bò, lợn, gà - lợi nhuận chẳng đáng kể, chủ các cửa hàng này bắt đầu nghĩ ra việc “thẩm mỹ” cho chó sao cho giống với cầy hương; mèo nhà giống với sóc rừng để bán với giá “cắt cổ”. 

“Xóa” cảnh treo móc, bày bán thịt thú ở chùa Hương, dù lực lượng công an có căng sức, trắng đêm, không về nhà như cách làm hiện nay mà “một mình một sân” thì vẫn khó giải quyết. Những hình ảnh phản cảm này sẽ còn dai dẳng trong các mùa lễ hội tới, nếu không có sự chỉ đạo quyết liệt, mạnh tay của UBND TP Hà Nội, của UBND huyện Mỹ Đức và BTC lễ hội, sự vào cuộc có trách nhiệm hơn của các ngành liên quan.