“Liên minh tài chính” không phải là phao cứu sinh

ANTĐ - Với những cảnh báo dồn dập năm 2012 khu vực sử dụng đồng Euro (Eurozone) sẽ đối mặt với những khó khăn tài chính “lớn chưa từng có”, có thể dẫn tới một đợt suy thoái kinh tế mới, ngày 20-12, Chủ tịch Eurrozone đã lên tiếng kêu gọi thế giới cùng chung tay cứu giúp đồng Euro. Bất chấp kết quả của Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) tuần trước, khủng hoảng nợ châu Âu vẫn diễn biến xấu đi. Đồng Euro tiếp tục sụt giá, italia và Tây Ban Nha vẫn trong cảnh dầu sôi lửa bỏng.


Nguy cơ suy thoái mới

Liên minh châu Âu (EU) đã kêu gọi Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) cùng các đối tác lớn trên thế giới tăng cường cứu trợ tài chính cho khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) thông qua Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) sau khi EU không thể hiện thực mục tiêu huy động 200 tỷ Euro cho thể chế tài chính này.

Các nhà lãnh đạo EU cũng đạt thỏa thuận cung cấp cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) 200 tỷ USD để giúp châu Âu chống khủng hoảng. Nhưng chưa ai biết EU sẽ huy động số tiền đó từ đâu. Theo ông Jean-Claude Juncker, Chủ tịch Eurozone, việc Anh từ chối đóng góp tài chính khiến Eurozone không thể huy động đủ 200 tỷ Euro cho IMF theo như quyết định được đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh EU hôm 9-12 để thể chế này có thêm nguồn tài chính hỗ trợ Quỹ bình ổn tài chính châu Âu (EFSF). Do phải gồng mình chống chọi cuộc khủng hoảng nợ công có nguy cơ lan rộng, 17 nước

Eurozone chỉ đủ khả năng hỗ trợ 150 tỷ Euro cho IMF thông qua các khoản cho vay song phương để IMF có khả năng tung tiền cứu trợ một thành viên nào đó của Eurozone khi cần.

Là trụ cột của Eurozone, Đức sẽ là nước đóng góp nhiều nhất với 41,5 tỷ Euro. Kế đó là Pháp với 31,4 tỷ Euro. Các nền kinh tế lớn thứ ba và thứ tư là Italia và Tây Ban Nha được phân bổ 23,48 tỷ Euro và 14,86 tỷ euro. Các nước có trọng trách lớn khác là Hà Lan với 13,86 tỷ Euro và Bỉ với 9,99 tỷ Euro. Ba nước Eurozone đã phải nhận cứu trợ quốc tế là Hy Lạp, Ailen và Bồ Đào Nha sẽ được miễn trách nhiệm đóng góp. Ngoài ra, bốn nước EU vẫn đứng ngoài Eurozone là CH Czech, Đan Mạch, Ba Lan và Thụy Điển cũng cam kết cho IMF vay để sử dụng vào việc bình ổn liên minh tiền tệ này.

EU cũng tuyên bố sẽ thành lập Quỹ giải cứu Cơ chế ổn định châu Âu (ESM) 650 tỷ USD vào giữa năm 2012. Tuy nhiên con số đó là quá nhỏ để cứu các nền kinh tế lớn như Italia và Tây Ban Nha. Và như giới chuyên gia nhận định nước ở quá xa không thể cứu được lửa gần. Tạp chí Forbes chỉ trích ở thời điểm hiện tại, các giải pháp của EU chẳng có ý nghĩa gì đối với Italia, Tây Ban Nha và Hy Lạp - ba quốc gia đang đối mặt với nguy cơ vỡ nợ.

Tổng cộng khối đồng Euro cần huy động tới hơn 1.000 tỷ USD chỉ riêng trong năm 2012, một con số quá lớn đối với Quỹ giải cứu của EU. Hãng tin tài chính Bloomberg bình luận thỏa thuận tài chính mà các nhà lãnh đạo EU đạt được trong hội nghị tuần trước “có thể sẽ giải quyết thành công một cuộc khủng hoảng sau này, nhưng không thể ngăn cản nổi cuộc khủng hoảng hiện tại”.

Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ngày 19-12 cảnh báo trong năm 2012, khu vực Eurozone sẽ đối mặt với những khó khăn tài chính “lớn chưa từng có”, có thể dẫn tới một đợt suy thoái kinh tế mới. Tổng Giám đốc ECB Mario Draghi nhấn mạnh các ngân hàng và Chính phủ thuộc Eurozone sẽ cần phải vay thêm những khoản tiền khổng lồ trong năm 2012 để có thể cân đối tài chính, trong bối cảnh các nhà đầu tư đang rất ngần ngại bỏ tiền vào khu vực này.

Khủng hoảng không chừa ai

Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde nhận định, không có quốc gia nào miễn nhiễm với cuộc khủng hoảng nợ công tại khu vực các nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và các nước cần phải hành động ngăn ngừa nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu mới. Theo bà Lagarde, triển vọng kinh tế thế giới đang rất u ám và sự thất bại trong hành động phối hợp giữa các quốc gia có thể dẫn đến chủ nghĩa bảo hộ thương mại và gợi nhớ lại làn sóng cô lập trong cuộc suy thoái những năm 30 của thế kỷ 20. Bà Lagarde nói: "Không có quốc gia nào trên thế giới, cho dù là nước có thu nhập thấp, các nền kinh tế đang phát triển, các nước có thu nhập trung bình hay các siêu cường kinh tế, có thể miễn nhiễm đối với cuộc khủng hoảng nợ công đang có xu hướng leo thang. Đó không phải là cuộc khủng hoảng một nhóm quốc gia có thể giải quyết được, mà cần sự chung sức của tất cả các nền kinh tế và khu vực".

Để giải quyết được cuộc khủng hoảng này, bà Lagarde khuyến cáo các nhà lãnh đạo kinh tế thế giới cần giải quyết nghiêm túc các vấn đề yếu kém trong hệ thống, đưa ra những điều chỉnh phù hợp và chắc chắn sẽ phải bắt đầu từ cội rễ của khủng hoảng, đặc biệt là tại khu vực châu Âu và Eurozone.

IMF cảnh báo thể chế tài chính đa phương quốc tế này có thể hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2012, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tại châu Âu chưa hạ nhiệt, đồng thời kinh tế Mỹ vẫn tăng trưởng yếu. Bên cạnh đó, sự sụt giảm sản lượng công nghiệp tại Trung Quốc còn là tín hiệu cho thấy nhu cầu tiêu thụ toàn cầu suy giảm và các điều kiện tín dụng bị thắt chặt.

Trong khi đó, hãng xếp hạng tín dụng Fitch tiếp tục đổ thêm dầu vào lửa khi cho rằng các nước khối đồng Euro không còn khả năng giải quyết khủng hoảng nợ. “Một giải pháp toàn diện để chặn khủng hoảng nợ khối đồng Euro, xét về cả phương diện kỹ thuật và chính trị đã nằm ngoài tầm với - Reuters dẫn tuyên bố của Fitch - Khủng hoảng nợ đang tác động cực kỳ nghiêm trọng tới sự ổn định kinh tế và tài chính của toàn khu vực”.