Lên rừng “săn”... mỹ nhân

ANTĐ - Cứ mỗi lần đặt chân tới đất người đẹp Tuyên Quang là tôi lại có một thói quen không biết là có quá vô duyên và kì cục hay không đó là nhìn ngắm các cô gái.

Nhưng ai bảo người ta gán cho xứ này cái biệt danh “chè Thái, gái Tuyên”. Tất nhiên theo điều tra cá nhân của tôi với một bộ phận giới mày râu, không ít người cũng có thói quen cứ hễ đến Tuyên Quang là phải “soi gái”, tất nhiên là soi theo nghĩa tích cực của từ này.

Xoay quanh chuyện người đẹp ở Tuyên Quang có nhiều dư luận trái chiều. Người thì bảo Tuyên Quang vẫn là đất người đẹp, người thì bảo “gái Tuyên” chỉ còn là hư danh. Ở thành Tuyên, người ta bảo “con gái thị xã” là đẹp nhất nhưng nếu đi khắp các huyện ở đây thì lại thường nghe thấy câu “mận Hồng Thái, gái Thượng Lâm”. Thôi thì đã trót mang tiếng “mê” gái đẹp rồi tại sao không quyết chí một lần... Thượng Lâm? Cái suy nghĩ ấy thôi thúc buộc tôi tìm đến Thượng Lâm, vùng đất xa xôi, hẻo lánh nhất ở cái xứ mỹ nhân này để làm một chuyến khảo sát. Thượng Lâm còn có hàm nghĩa là lên rừng và chuyến “hành hương” đến “thánh địa” của người đẹp của tôi cũng chẳng khác gì một chuyến đi “săn” tìm đặc sản miền sơn cước.

Gái Tuyên hết thời?

Có một thực tế mà chính người dân Tuyên Quang cũng phải công nhận là đất này ngày càng khó tìm người đẹp. Nhưng khó tìm không có nghĩa là ít và càng không phải vì gái Tuyên Quang hết đẹp. Hình như các mỹ nhân cứ lần lượt bỏ Tuyên Quang ra đi chứ nhất định không chịu ở lại mảnh đất chôn nhau cắt rốn, nơi đã ban tặng cho họ vẻ đẹp trời phú. Có lần, được dịp tiếp xúc với một vị lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang tôi ngỏ lời muốn được đàm đạo với ông về “gái đẹp thành Tuyên”, ông thở dài: “Người đẹp bây giờ cũng giống như những cánh hoa bay khắp ngả”.

 

Nét đẹp sơn cước Thủy Hương.

Ai tin được rằng Tuyên Quang, nơi sản sinh ra những vẻ đẹp chuẩn mực với những cái tên nức tiếng như người mẫu Thủy Hương, người được nhạc sĩ Dương Thụ ca ngợi là người đàn bà đẹp nhất Việt Nam, rồi diễn viên điện ảnh Thu Hà của “Đêm hội Long Trì”, phát thanh viên Tùng Lâm của Truyền hình Quân đội Nhân dân, Á hậu năm 1994 Tô Hương Lan... giờ lại “bói” không ra người đẹp?

Dầu vậy thì những cái tên vừa liệt kê và rất nhiều cái tên khác nữa cũng chỉ là biểu tượng vẻ đẹp một thời của đất Tuyên Quang. Mấy năm gần đây, ở những cuộc thi người đẹp lớn nhỏ ít thấy các cô gái Tuyên Quang có mặt trong “top”. Lý giải cho chuyện này thì không phải không có nhiều bằng cớ thuyết phục. Nào là bây giờ người ta tôn vinh những vẻ đẹp hiện đại, những vẻ đẹp thị thành nên nhan sắc sơn cước xứ Tuyên tụt hạng là phải. Có người thì lại nhìn thẳng vào thực tế, gái Tuyên đẹp đấy nhưng “bất mãn” về chiều cao, nghĩa là chỉ có gương mặt đẹp thôi mà không có chân dài thì không đủ thuyết phục Ban giám khảo những cuộc thi nhan sắc.

Ở mảnh đất mà người ta vẫn còn phải lo nhiều đến chuyện cơm áo gạo tiền và những gánh nặng nhọc nhằn của cuộc sống như Tuyên Quang thì cũng khó nói chuyện chăm chút được cho cái đẹp. Có vị nói thẳng: “Ở Hải Phòng họ có lò luyện người đẹp, các thiếu nữ đẹp được nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa còn ở Tuyên Quang thì đừng nói đến chuyện làm đẹp, hãy nói đến chuyện đủ ăn và được đi học trước đã”. Hơn chục năm nay, Tuyên Quang không tổ chức cuộc thi truyền thống “Người đẹp thành Tuyên” nữa. Nhưng vị lãnh đạo tỉnh Tuyên vẫn quả quyết với tôi: “Tuyên Quang vẫn nhiều người đẹp lắm vì đây là đất có truyền thống người đẹp”.

Nhà Mạc từng chọn Tuyên Quang là nơi đóng đô nên cái “gen” đẹp của gái Tuyên Quang là gen trội. Nơi nào từng tồn tại những vương triều nơi đó có nhiều người đẹp cũng là điều không phải bàn cãi. Xét trên góc độ lịch sử là vậy còn trên góc độ điều kiện tự nhiên, khí hậu thì đất Tuyên Quang cũng là đất “vượng khí” người đẹp. Cuộc sống diễn ra ngày càng gấp gáp nhưng ở Tuyên Quang mọi thứ vẫn trôi đi chậm rãi, thong thả. Đất Tuyên Quang cũng là nơi sơn thủy hữu tình, khí hậu trong lành vì tỉnh Tuyên hầu như không phát triển công nghiệp. Tuyên Quang vẫn chủ yếu phát triển cây chè nên vẻ đẹp xứ Tuyên đôi khi gắn với hình ảnh sơn nữ hái chè, mộc mạc chân chất, rất gần gũi thiên nhiên trong lành. Con người nơi đây sống gần thiên nhiên phải chăng vì thế cũng cứ phơi phới, tràn đầy một sức sống mãnh liệt.

Tìm một: nụ cười sơn cước

Với tình hình “mất mùa” người đẹp và xu hướng người đẹp “bỏ xứ” ra đi nếu không kì công thì khó mà gặp được mỹ nhân sơn cước. Chính vì thế về Thượng Lâm là để mở mang tầm mắt và để không hối hận vì đã mất công săn tìm vẻ đẹp gái Tuyên. Hỏi “Thượng Lâm có xa không?”, có người nửa đùa nửa thật: “Ở đâu có nhiều người đẹp thì không có khái niệm xa xôi”. Vậy nhưng vẫn phải mất 2 tiếng rưỡi chạy xe từ thị xã Tuyên Quang mới tới được Thượng Lâm.

Cái địa thế vùng sâu, vùng xa của xứ người đẹp này không làm nản lòng những chuyên gia săn tìm cái đẹp. Người Thượng Lâm không lạ gì cảnh những lữ khách phương xa tìm đến chỉ với một mục đích giống nhau: Tìm mỹ nhân sơn cước. Nhưng nếu như không khó để được đối diện với một người đẹp chốn phố thị thì để tìm thấy những “đặc sản” ở chốn thâm sơn cùng cốc lại chẳng hề dễ dàng. Thượng Lâm là vùng lòng chảo nằm giữa hồ thủy điện Tuyên Quang. Vùng đất này không bị nhấn chìm như những xã lân cận của huyện Na Hang bởi đất này được bao bọc bởi 99 ngọn núi phượng hoàng.

Truyền thuyết gái đẹp Thượng Lâm cũng xuất phát từ câu chuyện huyền thoại đó. Ở đây có núi phượng hoàng nên con gái Thượng Lâm cũng có “dáng phượng”, đẹp kiêu sa chứ không đẹp kiểu đều đều như nhan sắc những vùng khác. Gái Thượng Lâm trong mô tả của những truyền thuyết đang tồn tại ở vùng đất này giống như những tiên nữ giáng trần. Họ không chỉ đẹp mà còn có tài dệt vải, khâu vá trời phú.

Lục tìm trong trí nhớ, cụ Bàn Văn Minh kể rằng: “Trước đây ở Thượng Lâm có cuộc thi người đẹp dành cho các cô gái ở đây và cả các vùng lân cận. Cuộc thi người đẹp được tổ chức vào mùa xuân ngay sau lễ hội xuống đồng”. Nhưng dễ đến vài chục năm rồi không hiểu sao cuộc thi người đẹp biến mất như chính sự biến mất của người đẹp ở vùng này. Trước đây, có đến 99% dân Thượng Lâm là người Tày nhưng nay người Kinh và người Tày sống đan xen. Dọc theo con đường lớn ở trung tâm xã Thượng Lâm, thỉnh thoảng mới bắt gặp những căn nhà sàn của người Tày, còn lại người ta đã xây nhà tầng bê tông cả.

 

Trong kí ức về một thời Thượng Lâm “sung túc” mỹ nhân, cụ Minh bảo: “Nhìn chung thì cô nào cũng đẹp cả nhưng trong số những người đẹp có người nổi trội hẳn lên, trở thành niềm khao khát của con trai trong vùng”. Đó có thể coi là những “hoa hậu” của núi rừng Thượng Lâm. Nhưng mỹ nhân cũng có giai đoạn và không phải lúc nào Thượng Lâm cũng là vùng lòng chảo người đẹp như lời đồn. Thế nhưng ở Thượng Lâm dù mất mùa người đẹp thì những câu chuyện đẹp về cách người ta đãi khách săn tìm cái đẹp vẫn cứ như lời mời gọi hấp dẫn. Nào là chuyện về “nghệ thuật” ủ chăn cho khách, chuyện thiếu nữ đãi khách bằng những bài dân ca Tày kết hợp với đàn tính ngất ngây lòng người.

Nhiều người đến Thượng Lâm về rồi hay nói chuyện “vỡ mộng” vì không tìm thấy mỹ nữ nhưng có lẽ tôi nằm trong số những kẻ may mắn hơn họ. Thực ra ở Thượng Lâm đang chờ một “mùa gái đẹp”, một thế hệ người đẹp hứa hẹn sẽ tỏa hương rực rỡ trong tương lai không xa. Những mầm non gái đẹp mà chúng tôi đã gặp như cô bé Hỏa Tuyết Nghi (9 tuổi), Hỏa Mộc Lan (8 tuổi) mà chúng tôi tình cờ gặp trên những con đường hun hút mịt mờ bụi đỏ ở Thượng Lâm dù còn ở tuổi nhi đồng nhưng đã mang những nét đẹp trời phú. Nước da trắng như trứng gà bóc, đôi mắt biết cười cùng với chiếc mũi dọc dừa thẳng tắp xứng đáng là vẻ đẹp tiêu biểu cho đất Thượng Lâm.

Sợ mang kiếp hồng nhan

Ở Tuyên Quang có một thầy cúng chuyên làm nghề “yểm bùa yêu”, ông này từng chứng kiến không ít câu chuyện tình ngang trái và cũng từng se duyên cho nhiều đôi lứa trong số đó có những cô gái đẹp ở chính thành Tuyên. “Chuyên gia yểm bùa yêu” này kể rằng: “Có những cô gái rất đẹp từng được nhiều chàng trai theo đuổi. Nhiều anh con trai đến đây nhờ tôi làm bùa yêu để cô gái đó phải si mê họ nhưng tôi từ chối tất cả những lời thỉnh cầu như vậy. Những cô gái đẹp mang kiếp hồng nhan thì đường đời đã lắm chuân chuyên rồi, không nên làm hại họ bằng một tình yêu mang màu sắc quỷ thần”.

Những người đẹp nổi tiếng một thời ở thành Tuyên được nhiều người thuộc tên thậm chí thuộc cả câu chuyện đời của họ cũng có đường đời rất gập ghềnh. Lưu Thị Minh Xuân, cô gái từng lọt vào những gương mặt đẹp nhất của Hoa hậu báo Tiền Phong năm 1998 và cũng là hoa khôi Tuyên Quang năm đó xuất thân trong một gia đình nghèo, bố mẹ bỏ nhau khi Xuân vừa tuổi mới lớn. Bước ra khỏi cuộc thi nhan sắc đình đám nhất nước nhưng có thời Xuân làm nghề trông xe để kiếm cơm qua ngày. Gái Tuyên Quang bây giờ đổ về Hà Nội nhiều lắm nhưng không phải lúc nào nhan sắc cũng là một lợi thế.

Cứ nhìn vào câu chuyện tìm người giúp việc của một gia đình hàng xóm nhà tôi thì thấy. Số là cách đây ít lâu vợ chồng nhà hàng xóm sung sướng phát điên khi tìm được người giúp viêc. Tuy nhiên khi cô bé giúp việc ra mắt thì chị vợ nhất định từ chối. Lý do tế nhị mà chị không tiện nói ra nhưng ai cũng biết nguyên nhân chính là vì cô bé giúp việc trẻ quá, đẹp quá. Cô bé 16 tuổi, người Tuyên Quang ấy lại phải lầm lũi đi tìm một công việc khác cũng có nghĩa là nàng thiếu nữ ấy phải bước ra dòng đời xô bồ và bơi trong cái bể đời đầy cạm bẫy, lắm chông gai với những cô gái đẹp.