Lấy xe của chính mình vẫn phạm tội trộm cắp tài sản, vì sao?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Mới đây, tại huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc đã xảy ra sự việc hi hữu. Trần Minh Thành (SN 1984) và Nguyễn Ngọc Báu (SN 1986), ở thị trấn Hương Canh, huyện Bình Xuyên đã bị tạm giữ hình sự về hành vi trộm cắp tài sản do lái xe ô tô của chính mình đang bị tạm giữ về nơi cất giấu.

Trước đó, tối 30-4, Công an huyện Bình Xuyên tiến hành kiểm tra nồng độ cồn tại đường tỉnh lộ 310B, thuộc địa phận xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, đã phát hiện Trần Minh Thành điều khiển xe ô tô nhãn hiệu Mazda 2 mang BKS 72A- 362.38 vi phạm nồng độ cồn, nên tiến hành tạm giữ xe ô tô trên.

Sáng hôm sau, Thành cùng Báu đi xe máy đến trụ sở Công an huyện Bình Xuyên để xử lý vi phạm. Khi dựng xe trước cổng nhà tạm giữ phương tiện và quan sát thấy không có người quản lí trông giữ, nên cả 2 đã lẻn vào trong.

Sau đó, Báu mở cổng để Thành điều khiển xe ô tô của mình (trị giá khoảng 250 triệu đồng) rời khỏi bãi xe về cất giấu tại đường liên thôn (giáp nhà của Thành). Hiện cơ quan CSĐT - CAH Bình Xuyên đã thu hồi xe ô tô trên và củng cố hồ sơ để khởi tố theo quy định.

Lấy xe của chính mình vẫn phạm tội trộm cắp tài sản, vì sao? ảnh 1

Hai đối tượng bị Công an huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc tạm giữ hình sự

Làm rõ việc vì sao 2 đối tượng trên lái chiếc xe thuộc quyền sở hữu của mình, nhưng vẫn bị xem xét, làm rõ về hành vi trộm cắp tài sản, Luật sư Lê Hồng Vân - Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, hành vi trộm cắp tài sản là hành vi lén lút, bí mật chiếm đoạt tài sản một cách trái pháp luật của người khác, lợi dụng sự sơ hở, mất cảnh giác của chủ sở hữu, người quản lý tài sản, hoặc lợi dụng hoàn cảnh mà người quản lý tài sản không biết.

Hậu quả của tội trộm cắp tài sản là người phạm tội chiếm đoạt được tài sản từ 2 triệu đồng trở lên, hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp luật quy định phải chịu trách nhiệm hình sự.

Đối với vụ việc nên trên, mặc dù chiếc xe ô tô thuộc quyền sở hữu của đối tượng song do người này đã vi phạm quy định về an toàn giao thông, nên bị tạm giữ phương tiện.

Trong thời gian bị tạm giữ, chiếc xe này thuộc quyền quản lý của cơ quan công an một cách hợp pháp và chủ sở hữu phương tiện tạm thời không có quyền sử dụng. Nếu để xảy ra việc mất xe, hay hư hỏng thì cơ quan công an có trách nhiệm bồi thường cho chủ sở hữu.

Do đó, việc chủ chiếc xe lợi dụng sự sơ hở, mất cảnh giác của người quản lý tài sản, tự ý đi vào nơi tạm giữ phương tiện lái chiếc xe về nhà là hành vi trái pháp luật có dấu hiệu cấu thành tội Trộm cắp tài sản.

Về mặt khách thể, hành vi này xâm phạm đến quyền sở hữu hợp pháp của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Tội phạm được thực hiện với lỗi cố ý. Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là vi phạm quy định, thấy trước hậu quả và mong muốn hậu quả xảy ra. Mục đích là nhằm chiếm đoạt được tài sản.

Cũng theo Luật sư Hồng Vân, thực tế đã có một số trường hợp chủ sở hữu xe, hay người được chủ sở hữu giao xe quản lý bị xử lý hình sự vì vi phạm tương tự. Đây là điều rất đáng tiếc, xuất phát từ việc thiếu hiểu biết ý thức xem thường pháp luật của một số cá nhân” - Luật sư Hồng Vân nhấn mạnh.