Lay lắt ở Biển Hồ

ANTĐ - Từ lâu Biển Hồ Tonle Sap được nhiều người dân Campuchia xem là “kho báu” với nhiều tài nguyên thiên nhiên phong phú. Tuy nhiên, trong đợt khô hạn lịch sử năm nay, Biển Hồ đang đứng trước nhiều mối đe dọa lớn. Đến Biển Hồ những ngày này, chúng tôi mới cảm nhận được hết cuộc sống vô cùng khó khăn của người dân nơi đây. Thậm chí, ngư cụ chuyên đánh bắt các “thủy quái” ở Biển Hồ đang được bán với giá rẻ mạt nhưng chẳng ai mua…

Khi “kho báu Biển Hồ” cạn kiệt

Vượt quãng đường gần 600km từ TP.HCM đến Phnom Penh rồi đến Xiêm Riệp (Campuchia), chúng tôi có mặt ở cửa ngõ của Biển Hồ khi trời đã gần về đêm. Theo chỉ dẫn của một người dẫn đường tên Hòa (người Việt sống ở 

Campuchia), chúng tôi phải tá túc lại ở khu vực này một đêm để chờ đến sáng mới đi tiếp xuống Biển Hồ. Biết được dự định của chúng tôi, anh Hòa cho hay: “Trước kia người dân sống ở khu vực này xem Biển Hồ là một “kho báu” vô tận với vô số tôm cá và cả những động vật quý hiếm. Tuy nhiên, năm nay “kho báu” dường như đã cạn kiệt, cuộc sống của các ngư dân Biển Hồ khốn khó vô cùng. Nguồn nước khan hiếm, ô nhiễm nên cá tôm cũng đi đâu cả không thấy. Chợ cá Kompong Chnang buồn hẳn”.

Theo lý giải của anh Hòa thì chợ cá Kompong Chnang là minh chứng lớn nhất cho sự trù phú của Biển Hồ. Chợ cá Kompong Chnang bắt đầu nhóm họp từ 10h đêm đến sáng hôm sau, là nơi tập trung sản vật được đánh bắt ở Biển Hồ, là chợ cá lớn nhất xứ Chùa Tháp. Tuy nhiên, trong những ngày tháng khô hạn này, cá tôm đánh được không dồi dào như trước nên chợ cá Kompong Chnang cũng phần nào kém nhộn nhịp.

Đúng rạng sáng hôm sau, anh Hòa đưa chúng tôi đến chợ cá Kompong Chnang. Đây là một chợ cá vô cùng tấp nập nằm ngay gần cửa ngõ Biển Hồ, chợ cá này mang một nét đặc trưng riêng của người dân bản xứ. Trời bắt đầu sáng cũng là lúc người đến chợ đông hơn, những xe chở cá vội đến và cũng rất nhiều xe chở cá đầy ắp đi nơi khác để bán. Trò chuyện với chúng tôi, bà Thư Chanh (tiểu thương ở chợ cá Kompong Chnang) cho hay: “Năm nay vào mùa cá nhưng số lượng cá giảm hơn một nửa. Vào mọi năm nếu đến chợ vào mùa này thì mọi người sẽ thấy sản vật ở Biển Hồ rất nhiều. Có những con “thủy quái” hàng trăm kilogam cũng được mang ra bán. Nhưng năm nay khô hạn nên không bắt được cá lớn”.

Sau cuộc trò chuyện với và Thư Chanh, chúng tôi rời chợ cá Kompong Chnang và bắt một chuyến xe tuk-tuk (xe máy thồ) để đến khu vực Biển Hồ nơi những người dân đánh cá đang mưu sinh. Trên một chiếc thuyền nhỏ, chúng tôi gặp ông Pol Chen (53 tuổi,  huyện Can Dieng, Pursat) đang ngồi nhâm nhi chén rượu và mắt nhìn xa xăm. Trò chuyện với chúng tôi, ông Pol Chen cho biết, mấy ngày nay đi đánh cá được rất ít nên vợ con ông đã lên bờ để tìm việc khác. Riêng ông vẫn ở lại để giữ thuyền và tranh thủ đánh bắt tạm. Ông Pol Chen cũng cho biết, do 3 ngày liên tiếp ông đi đánh cá nhưng chẳng được bao nhiêu nên ông buồn ở nhà uống rượu cho qua ngày. “Mọi năm vào mùa này mỗi ngày tôi đánh được cả trăm kilogam cá đem xuống chợ 

Kompong Chnang bán cũng đủ cho gia đình sống và có tiền để dành. Vậy mà năm nay khô hạn quá nên không có cá tôm. Ngay cả sông Pursat cũng có nhiều đoạn khô tới đáy thì làm sao chúng tôi sống nổi”, ông Pol Chen chia sẻ.

Cũng theo ông Pol Chen, trong đợt hạn hán này, đánh bắt thì không có cá, số cá người dân nuôi trong lồng cũng chết hàng loạt nên nhiều người dân địa phương đã bỏ nghề dưới nước để lên bờ tìm nghề khác sinh sống. Nhiều người còn bán lại ngư cụ với giá rẻ mạt nhưng cũng chẳng ai mua. “Mọi năm thì khoảng tháng 5 - 6 Biển Hồ mới bắt đầu cạn nước, nhưng năm nay vào đầu tháng 3 đã xảy ra tình trạng khô đến đáy. Chỗ tôi nuôi cá lồng ngày xưa giờ đây đã khô cứng như một cánh đồng, người ta còn dựng chòi để ở. Nếu tình trạng khô hạn này kéo dài vài tháng nữa thì sẽ chẳng có 1 con cá nào để mang ra chợ Kompong Chnang”, ông Pol Chen than thở.

Chỉ biết “cầu trời”

Dọc theo Biển Hồ, chúng tôi bắt gặp vô số các gia đình người dân gốc Việt đang sống vô cùng khốn khó trong những ngày Biển Hồ khô hạn. Theo chia sẻ của ông Nguyễn Văn Minh (quê gốc xã Tiên Bình, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An) thì ở khu vực Biển Hồ có đến hàng trăm gia đình người Việt đang mưu sinh bằng nghề đánh bắt cá. Hàng năm, khi vào mùa nước lên thì mọi người lại dời nhà vào trong bờ, rồi khi khô hạn họ lại làm nhà bè dời ra Biển Hồ để gần nguồn nước, tiện cho việc đánh bắt. Tuy nhiên, trong đợt khô hạn năm nay, mặc dù họ vẫn đưa nhà bè ra tìm vùng nước sâu nhưng chẳng có vùng nước sâu nào cả. Nước cạn cũng không đánh bắt được.

Ông Minh cho hay: “Mọi năm vào mùa này chúng tôi cố gắng đánh bắt thật nhiều để bán kiếm tiền dành dụm cho mùa mưa vì mùa mưa ở đây hầu như cuộc sống rất khó khăn. Tuy nhiên, năm nay chẳng đánh bắt được gì nên tôi nghĩ mùa mưa tới nhiều người sẽ đói. Có người đã bỏ nhà bè để lên bờ kiếm sống bằng nghề bán vé số hay làm nghề bốc vác. Tôi cũng dự định một vài hôm nữa sẽ lên bờ xin làm việc gì đó”.

Tại một đoạn sông gần khô đến đáy, chúng tôi bắt gặp một vài đứa trẻ vẫn đang cần mẫn mò cua, bắt ốc để kiếm thêm thu nhập. Sau một ngày lội nước, đôi chân của chúng nứt nẻ và bàn tay đen sì do nguồn nước ô nhiễm nhưng hầu như chúng chẳng kiếm được gì đáng giá.

Tiếp xúc với chúng tôi, Nguyễn Văn Tri (12 tuổi, quê gốc Long An) cho hay: “Cả tháng nay cháu chưa ăn được một bữa nào ngon, nhà cháu cũng gần hết tiền mua gạo rồi. Bạn bè của cháu đều được bố mẹ đưa lên bờ đi bán vé số kiếm tiền nhưng cháu không quen với công việc này nên bố mẹ không cho đi. Nếu tình trạng này kéo dài thì chẳng biết gia đình cháu sẽ sống ra sao”.

Tiếp xúc những ngư dân ở Biển Hồ, chúng tôi có đặt câu hỏi sao không lên bờ sống để tìm một công việc mới, thay vì cố bám trụ Biển Hồ để chịu cảnh khốn khó và dịch bệnh, thì người dân ở đây cho hay, họ đang lâm vào tình cảnh “ở chẳng được, đi chẳng đành” bởi lâu nay họ đã quen sống ở Biển Hồ và mưu sinh bằng nghề đánh bắt cá. Nay lên bờ làm quen với công việc mới sẽ rất khó khăn và không biết làm việc gì.

“Mấy chục năm sang đây chúng tôi chỉ biết làm nghề đánh cá thôi. Nay đã có tuổi, lên bờ làm nghề bốc vác làm không nổi còn nghề khác thì mình không biết làm. Trước tình cảnh này chúng tôi không biết làm gì khác ngoài “cầu trời” đừng cho hạn hán nữa. Nếu năm nào cũng thế này chắc Biển Hồ sẽ không còn con cá nào sống được, huống chi người dân chúng tôi”, ông Phạm Sanh (quê Sóc Trăng, hiện sống ở tỉnh Kampong Chnang) chia sẻ.

Theo đại diện chính quyền Campuchia thì mực nước ở khu vực Biển Hồ hiện tại là thấp nhất trong vòng 50 năm qua. Để ứng phó với tình trạng khô hạn, nhiều địa phương đã trích kinh phí phục vụ cho việc nạo vét các con sông, con suối để tìm nguồn nước.