Lầu Năm Góc phủ nhận cáo buộc đe doạ Nga

ANTĐ -  Không có sự đe doạ nào từ lời phát biểu gần đây của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Chuck Hagel, khi ông kêu gọi quân đội Mỹ cần phải “hiện đại hoá và tăng cường khả năng quân sự nhằm đối phó với Nga”, Lầu Năm Góc cho biết.

“Tuyên bố của ông Hagel không nhằm đe doạ bất cứ quốc gia nào. Tình hình bất ổn ở trong và xung quanh Ukraine khiến Mỹ không thể khinh suất và buộc phải nghĩ tới những biện pháp phản ứng nhanh cho châu Âu, khu vực mà Mỹ đã từng kí hiệp ước bảo vệ đồng minh”, Chuẩn Đô đốc John Kirby phát biểu trong một cuộc họp báo vào hôm 16-10.

Khi được hỏi về việc ông Hagel có ý gì khi gọi Nga là nước “theo chủ nghĩa xét lại”, ông Kirby giải thích rằng Mỹ chỉ đang nhận định về đường lối của Nga khi nước này đang tập trung nguồn lực để xây dựng lại đế chế Liên bang Xô-viết hùng mạnh trước đây.

Chuẩn Đô đốc quân đội Mỹ, John Kirby

Về quan hệ Nga – NATO, ông Kirby cho rằng Tổng thống Putin và các lãnh đạo NATO đang có cái nhìn khác nhau trong vấn đề hợp tác.

Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ, Jen Psaki, người cũng tham dự buổi họp báo, nói thêm rằng NATO là một liên minh phòng thủ nên không có lí do gì để nghĩ rằng những động thái mở rộng của NATO là nhằm đe doạ bất cứ ai.

Vào hôm 15-10, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đã đưa ra lời phát biểu trước Hiệp hội quân sự Mỹ rằng binh lính Mỹ cần phải chuẩn bị đối phó với Nga “bằng việc hiện đại hoá vũ khí và tăng cường khả năng quân sự trước ngưỡng cửa của NATO”.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã quan ngại sâu sắc về tuyên bố này khi cho rằng  “Lầu Năm Góc đang chuẩn bị cho các hoạt động quân sự gần biên giới Nga”. Ông Shoigu cũng nói thêm rằng việc Mỹ “ngoan cố” thôn tính các đồng minh xung quanh biên giới Nga đã kéo dài hơn 20 năm qua.

Quan hệ giữa Nga và NATO đã trở nên đặc biệt căng thẳng kể từ khi khối đồng minh cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc khủng hoảng ở Ukraine, điều mà Nga hoàn toàn phủ nhận. Sau khi bán đảo Crimea được sáp nhập vào Nga, NATO đang dần áp sát biên giới Nga với việc tăng cường sự hiện diện ở các nước láng giềng với Nga như Ba Lan, Latvia, Lithuania và Estonia.