Lật mặt bọn tội phạm giả danh công an
(ANTĐ) - Giả danh công an là một trong những thủ đoạn được bọn tội phạm sử dụng để hù dọa những người thiếu hiểu biết về pháp luật, hòng chiếm đoạt tài sản. Hành vi giả danh công an để phạm tội rất nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến uy tín của ngành công an và làm mất lòng tin của nhân dân đối với cơ quan thừa hành pháp luật.
Nhận diện tội phạm
Nắm được tâm lý của người dân thường e ngại mỗi khi gặp công an, đặc biệt là những người có án tích hoặc những người bản thân đã và đang có quá khứ không tốt, bọn tội phạm giả danh công an đã lợi dụng để đe dọa, lừa đảo cưỡng đoạt tài sản. Nguyễn Văn Hùng, SN 1981, trú tại tập thể Tân Mai, quận Hoàng Mai từng làm dân phòng, do nghiện ma túy đã bị buộc thôi việc.
Trong thời gian làm dân phòng, Hùng biết Nguyễn Thế A, SN 1990, ở phường Tương Mai, quận Hoàng Mai là đối tượng chậm tiến, thường xuyên bị chính quyền phường gọi lên răn đe, giáo dục. Đầu tháng 10-2007, biết A vừa đi Trại giáo dưỡng về, Hùng đã chặn đường ở khu vực phố Kim Đồng, phường Giáp Bát, quận Hoàng Mai tự xưng là cảnh sát hình sự để đe dọa, chiếm đoạt hơn 4 triệu đồng của A... Vũ Vân Quý, SN 1974, trú tại phường Ngọc Hà, quận Ba Đình hành nghề “xe ôm”. Biết gia đình ông T, ở phường Thành Công có người nhà bị cơ quan công an tạm giam về tội đánh bạc, Quý đã lân la làm quen với ông T và tự giới thiệu mình là Thượng tá, hiện đang công tác ở Bộ Công an nên có nhiều mối quan hệ có thể xin cho người nhà ông T được tại ngoại. Quý đã yêu cầu gia đình ông T phải đưa cho anh ta 2 triệu đồng để đi ngoại giao “chạy án”. Nhận tiền xong, Quý bỏ trốn...
“Quan trọng là ý thức cảnh giác của người dân” Muốn đề phòng có hiệu quả loại tội phạm giả danh công an để hoạt động phạm tội, mọi người dân cần phải tự nâng cao ý thức cảnh giác, chấp hành pháp luật. Đối với CBCS Công an, việc chấp hành nghiêm Điều lệnh, tác phong CAND chính là cách để giúp nhân dân phân biệt được thật, giả. Những kẻ giả danh công an để phạm tội không chỉ khiến nhiều người mất của mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh, uy tín của lực lượng CAND. Vì vậy, cơ quan công an đề nghị mọi người dân luôn nêu cao cảnh giác, phát hiện và thông báo kịp thời về những đối tượng có biểu hiện giả danh công an phạm tội. Thượng tá Nguyễn Thanh Hùng (Phó trưởng Phòng CSĐT tội phạm về TTXH - CATP Hà Nội) |
Cũng bằng thủ đoạn giả danh công an, Vũ Xuân Thành, SN 1982, trú quán tại Hà Trung, Thanh Hóa đã liên tiếp gây ra 2 vụ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của 2 cô gái ở nông thôn, ra Hà Nội học nghề và chữa bệnh. Cuối tháng 8-2007, thông qua một số mối quan hệ bạn bè, Thành quen chị M, SN 1986, quê ở Hà Tây, trọ tại xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm. Biết chị M bị bệnh hen, đang tìm thầy thuốc chạy chữa, Thành tỏ ra quan tâm động viên an ủi và tự giới thiệu mình là cảnh sát hình sự, có nhiều mối quan hệ trong Nam, ngoài Bắc, có khả năng tìm được thầy thuốc giỏi ở Bắc Ninh để chữa dứt bệnh hen cho chị M. Tin tưởng Thành, chị M đã giao xe máy cho vị “ân nhân” chở đi Bắc Ninh. Khi đưa chị M đến ngõ 105 Thụy Khuê, Thành bảo chị M xuống xe đợi để anh ta vào trong ngõ lấy giấy tờ rồi đi luôn. Với thủ đoạn tương tự, Vũ Xuân Thành tiếp tục giả danh công an để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản (xe máy và điện thoại di động) của chị T, SN 1986, ở huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang.
Cần nắm vững pháp luật
Theo thống kê của CATP Hà Nội, trong năm 2007 các lực lượng CATP đã phát hiện, bắt giữ và xử lý 10 vụ giả danh công an để hoạt động phạm tội. Theo phản ánh của một số cơ quan điều tra, phóng viên ANTĐ được biết đã có những vụ giả danh công an để đe dọa, tống tiền một số đối tượng hoạt động cờ bạc dưới hình thức “lô-đề”, hoặc liên quan đến những hoạt động vi phạm pháp luật khác. Nhưng do tâm lý sợ bị liên lụy và lộ chuyện làm ăn, nên nhiều người đã không dám khai báo với cơ quan công an. Trao đổi với lực lượng CSĐT tội phạm về TTXH - CATP Hà Nội, phóng viên ANTĐ được biết hành vi giả danh công an để hoạt động phạm tội là rất nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín của ngành công an và làm giảm lòng tin của nhân dân với những người làm công tác hành pháp. Đối với loại tội phạm này, sau khi phát hiện và đấu tranh làm rõ, cơ quan điều tra sẽ định khung hình phạt được quy định tại điều 265 Bộ luật Hình sự - Tội giả mạo chức vụ, cấp bậc để xử lý đối tượng phạm tội.
Điều 265 Bộ luật Hình sự - Tội giả mạo chức vụ, cấp bậc quy định: Người nào giả mạo chức vụ, cấp bậc thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
Hồng Tuấn - Vũ Minh