Lao động trình độ cao có nhiều cơ hội hưởng lợi từ CPTPP

ANTD.VN - Theo ông Chang-Hee Lee, Giám đốc Tổ chức lao động quốc tế tại Việt Nam, việc gia nhập CPTPP là cơ hội để Việt Nam hiện đại hoá pháp luật lao động và hệ thống quan hệ lao động, qua đó tạo ra việc làm bền vững trong tương lai.

Sau khi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), sẽ tạo thuận lợi với các quốc gia thành viên, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo thêm nhiều việc làm, từ đó nâng cao chất lượng sống của người dân tại các quốc gia thành viên.

Báo cáo Ngân hàng Thế giới vừa công bố cho rằng, đến năm 2030, CPTPP dự kiến sẽ giúp giảm 0,6 triệu người nghèo ở mức chuẩn nghèo 5,5 USD/ngày so với kịch bản cơ sở. Tất cả nhóm thu nhập dự kiến sẽ được hưởng lợi, nhưng mức lợi ích đạt được sẽ cao hơn ở nhóm lao động trình độ cao. Nghĩa là người lao động có trình độ càng cao sẽ càng có nhiều cơ hội hưởng lợi từ CPTPP.

Hay nói cách khác, người lao động tại Việt Nam sẽ có một bộ phận không nhỏ mất đi cơ hội việc làm, áp lực nâng cao tay nghề, trình độ người lao động ngày càng tăng khi Việt Nam tham gia CPTPP.

Theo ông Chang-Hee Lee, Giám đốc Tổ chức lao động quốc tế tại Việt Nam, để giải quyết các thách thức, Việt Nam cần nâng cao năng lực hoạch định và thực hiện các chính sách thị trường lao động tích cực. Cũng như, dự báo thay đổi trong thị trường việc làm, đào tạo nghề phù hợp với những yêu cầu mới, cải thiện hệ thống giáo dục và cung cấp bảo trợ xã hội trong quá trình NLĐ chuyển đổi công việc. Điều này cần được thực hiện thông qua mô hình đối tác công – tư, với sự tham gia thực chất của các ngành và doanh nghiệp.

Những năm gần đây, diện bao phủ của sự bảo vệ về pháp luật đã được mở rộng dần đến người lao động trong nền kinh tế phi chính thức.

Đồng thời, việc điều chỉnh mức lương tối thiểu đã trở thành một quá trình ba bên với sự tham gia của đại diện của Chính phủ, người lao động và người sử dụng lao động, thông qua Hội đồng Tiền lương quốc gia.

Dù vậy, trong bối cảnh mới, cơ quan quản lý Nhà nước cần phát triển khung pháp lý để bảo vệ người lao động trong những hình thức việc làm mới, chẳng hạn tài xế Uber, Grab…

Trong Bộ luật Lao động sửa đổi sắp tới, với bối cảnh CPTPP, Việt Nam cần giải quyết những thách thức về mặt điều tiết này và có cân nhắc đầy đủ tới những tác động của CM4.0.