Lao động "nhảy việc" sau Tết giảm mạnh do dịch Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN - Sau Tết là thời điểm người lao động thường "nhảy việc" để tìm kiếm những cơ hội và trải nghiệm mới. Thế nhưng, dịch Covid-19 tái bùng phát đã khiến cánh cửa tuyển dụng cũng trở nên hẹp hơn,  tỉ lệ công nhân nhảy việc, chuyển công ty giảm mạnh.

Sau tết, tỉ lệ công nhân nhảy việc, chuyển công ty giảm so với năm 2020

Sau tết, tỉ lệ công nhân nhảy việc, chuyển công ty giảm so với năm 2020

Đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi đáng kể nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp trong năm 2020. Theo Bộ LĐ-TB&XH, thị trường lao động có nhiều biến động, lực lượng lao động có xu hướng giảm, số lao động mất việc làm tiếp tục gia tăng dẫn đến tình trạng thất nghiệp diễn biến khó lường; tỷ lệ thất nghiệp của lực lượng lao động trong độ tuổi khu vực thành thị cao nhất trong 10 năm trở lại đây; tỷ lệ thiếu việc làm tăng, thu nhập của người làm công hưởng lương giảm.

Covid-19 đã ảnh hưởng đến người lao động đang làm việc trong hầu hết các ngành, trong đó một số ngành có tỷ lệ lao động bị ảnh hưởng lớn như: ngành nghệ thuật, vui chơi và giải trí (88,6%), dịch vụ lưu trú và ăn uống (81,7%), vận tải kho bãi (79,7%), hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ (72,7%), công nghiệp chế biến chế tạo (70,1%), bán buôn bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô và xe máy (68,5%), giáo dục đào tạo (68,5%), hoạt động kinh doanh bất động sản (67,8%)...

Sau Tết Nguyên đán, các doanh nghiệp đã bắt đầu hoạt động trở lại. Một số doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, điện tử, hoá chất tại các khu công nghiệp, khu chế xuất bắt đầu tuyển dụng trở lại.

Theo thống kê sơ bộ của Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội, tỷ lệ công nhân quay trở lại làm việc sau nghỉ Tết Nguyên đán 2021 là khoảng 94,5%, có những doanh nghiệp trên 98%. Công nhân có mặt đúng ngày giờ quy định, tạo ra bầu không khí lao động khẩn trương, hăng say ngay trong những ngày đầu năm mới.

Nhận định về thị trường lao động đầu năm, Trưởng ban chính sách pháp luật Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Tạ Văn Dưỡng cho biết tỉ lệ công nhân lao động trở lại làm việc sau Tết năm nay thấp hơn so với Tết Canh Tý 2020 (trên 98%).

Lý giải nguyên nhân ông Tạ Văn Dưỡng cho là do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên người lao động cân nhắc trở lại Hà Nội làm việc. Bên cạnh đó, một số lao động chuyển nghề hoặc vì lý do cá nhân nên chưa thể đi làm. Khác với các năm trước, năm nay, do dịch bệnh Covid-19 nên cơ hội tìm việc làm khó khăn hơn nên tâm lý công nhân không "nhảy" việc, chỉ lùi thời gian trở lại công ty.

Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, cơ khí… đang hoạt động tại các khu công nghiệp - chế xuất trên địa bàn không bị ảnh hưởng lớn do họ là các công ty xuyên quốc gia. Tuy vậy, các doanh nghiệp gia công da giày, dệt may sẽ gặp nhiều thách thức do đơn hàng từ nước ngoài thường "gối đầu" cuối năm ngoái đã giảm so với các năm nguyên nhân do các quốc gia trên thế giới bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Theo Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH) Vũ Trọng Bình thời gian tới cơ quan này sẽ chủ động nghiên cứu, đề xuất các giải pháp hỗ trợ tạo việc làm cho người lao động; hỗ trợ tạo việc làm cho nhóm lao động yếu thế, việc làm người cao tuổi, việc làm đối với lao động phi chính thức; nâng cao hiệu quả thị trường lao động, bảo đảm tính thống nhất và linh hoạt của thị trường lao động, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tuyển dụng và sử dụng lao động của doanh nghiệp.

Đặc biệt, Cục Việc làm sẽ tiếp tục theo dõi, nắm bắt, đánh giá tác động của dịch cúm Covid-19 đến người lao động, tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tại các địa phương và cập nhật tình hình, nhu cầu lao động nước ngoài trong bối cảnh dịch Covid-19 để tiếp tục đề xuất, tham mưu cho Chính phủ các chính sách phù hợp.