- Gốm quý biết thải độc rượu lo thất truyền
- Vẫn còn quất tứ quý Tứ Liên
- Ngần ngơ ngắm nhìn ngôi đền chênh vênh trên đỉnh núi cao gần 2.000 m
Tháng Chạp cuối năm, theo gia đình về quê thắp hương cho ông bà tổ tiên, tôi lại bồi hồi nhớ về ký ức tuổi thơ gắn liền với nơi đây, làng Đa Sĩ, Hà Đông, Hà Nội.
Những năm 1980, thời kỳ còn bao cấp, tôi thường được ông nội đèo bằng chiếc xe đạp Thống Nhất màu sơn đã bạc, nứt nẻ về quê ăn Tết. Những chuyến đi ấy ông không bao giờ quên mang theo một bao tải dao kéo đã nhận đặt hàng của người dân kẻ Mơ, nội thành Hà Nội.
Đa Sĩ mang nét đặc trưng của làng đồng bằng Bắc bộ, đường vào làng khá rộng, lát gạch nghiêng màu đỏ, đứng từ xa trông như một tấm thảm đỏ trải dài, uốn lượn. Đường làng có từ lâu đời, đôi chỗ gạch mòn vẹt đi tạo thành cái hố nhỏ, xe đạp qua chỗ lõm ấy lại nhảy lên làm ông tôi đạp xe khó hơn, còn tôi ngồi sau thì cười vang khoái trá.
Nghề rèn đòi hỏi người thợ phải có kinh nghiệm, sự tinh tế, khéo léo và sức khỏe
Góp công đánh giặc
Qua câu chuyện các cụ kể, tôi hiểu về lịch sử, truyền thống của làng. Làng Đa Sĩ trước đây có tên là làng Sẽ sau chuyển thành Đan Khê, Huyền Khê, Đan Sĩ và cuối thế kỷ 18 đổi thành Đa Sĩ. Dân làng tôi tự hào là vùng đất của danh y, danh tướng, tiến sĩ, trạng nguyên. Cái tên Đa Sĩ được dùng cho tới ngày nay mang ý nghĩa vùng đất khoa bảng với nhiều tiến sĩ.
Quả thật, làng Đa Sĩ là nơi sản sinh ra 11 tiến sĩ, 1 lưỡng quốc trạng nguyên được lưu danh trên văn bia Quốc Tử Giám. Nổi bật trong số đó là tiến sĩ Hoàng Trình Thanh, làm quan qua 4 triều vua, là người có công lập nên “Vườn học” duy nhất của nước ta dưới thời Lê. Còn lưỡng quốc trạng nguyên Hoàng Nghĩa Phú được người đời truyền tụng với Sớ 7 điều dâng vua.
Dân làng lập miếu thờ danh y Hoàng Đôn Hòa được vinh danh là “Lương y dược đại vương” dưới thời Lê, hậu duệ đời đời ghi ơn với 208 bài thuốc trị bệnh cứu người, được coi là ông tổ ngành quân y Việt Nam và tôn thờ làm Thành Hoàng làng. Có 38 đạo sắc phong vua ban cho các tiến sĩ làng Đa Sĩ được lưu giữ tới ngày nay.
Theo các bậc cao niên trong làng, nghề rèn ở Đa Sĩ có từ thời Hùng Vương thứ 18. Khi đó, người dân trong làng rèn các vũ khí thô sơ như giáo mác cung cấp cho các lạc hầu, lạc tướng, giữ yên bờ cõi và rèn các nông cụ phục vụ sản xuất lao động. Phải đến thời nhà Trần, Đa Sĩ mới chính thức trở thành làng rèn chuyên nghiệp khi hai cụ Nguyễn Thuật và Nguyễn Thuần đến từ Thanh Hoá truyền dạy cho dân làng bí quyết nghề rèn để tạo ra các sản phẩm tinh xảo.
Nghề rèn ở Đa Sĩ có từ thời Hùng Vương thứ 18. Khi đó, người dân trong làng rèn các vũ khí thô sơ, cung cấp cho các lạc hầu, lạc tướng, giữ yên bờ cõi
Sau ao làng hình vuông là con đường nhỏ dẫn tới nhà cụ Hoàng Văn Bính, anh cả của ông nội tôi. Từ những ngôi nhà hai bên đường, âm thanh “bụm, chát, chát” liên tục vang lên, ban đầu nghe đinh tai sau dần thành quen lại có vần, có điệu. Cụ Bính sống trên vuông đất 2 sào thổ cư do gia tiên để lại. Ở làng người ta hay gọi cụ là cụ Cả Bính, cụ là trưởng chi thuộc tộc Hoàng của làng Đa Sĩ.
Ngôi nhà ba gian hai chái mà cụ sống đã có đến 300 năm tuổi. Chái bên phải nhà là bếp nấu cũng chính là nơi làm xưởng sản xuất các sản phẩm nghề rèn. Đây là nơi mà tôi học được rất nhiều điều để làm ra một sản phẩm hoàn toàn thủ công không có bất cứ một thứ máy móc gì. Không gian bếp này hiện lên trong tâm trí tôi với các vật dụng được sắp xếp như trong một không gian của nghệ thuật sắp đặt, thiếu đi một vật dụng nào đó là phá hỏng toàn bộ không gian đặc trưng truyền thống của làng nghề rèn.
Quy trình rèn thủ công có từ lâu đời
Làng Đa Sĩ rèn nhiều sản phẩm như cày, bừa, cuốc xẻng, liềm gặt, dao kéo… dùng trong sinh hoạt đến các sản phẩm khó làm như dao cắt giấy, dao xắt thuốc Bắc. Cụ Cả Bính rất kỹ tính trong các khâu, ngay cả khi chọn thép làm phôi rèn, thép tốt không được pha tạp chất, thường là dùng nhíp ô tô bỏ đi. Chẳng rõ từ nguồn nào mà những năm 1980 ấy nhà nào trong làng Đa Sĩ cũng tích trữ khá nhiều nhíp xe dùng dần.
Hồi nhỏ, tôi thường giúp ông quay bễ, lửa trên bếp phụt mạnh lên, màu xanh đỏ nhảy múa thật vui mắt. Không gian bếp nóng hừng hực, cái nóng của trưa hè chẳng thấm vào đâu.
Miếng thép được vùi vào bếp than vài lần chuyển sang màu sáng trắng là đến lúc đặt lên đe để làm. Nhìn màu thép nung như thế phải là người có kinh nghiệm mới hiểu, tùy thuộc vào từng loại phôi mà ước chừng nhiệt độ. Có một kinh nghiệm khác để thử nhiệt độ thép nung mà tôi thấy ông nội tôi hay làm, lấy tay vục vào xô nước, nhỏ vài giọt lên bề mặt nếu thấy nước biến thành các hạt nhỏ li ti nhảy múa là được.
Tôi thích nhất khi nhìn thấy thép bị cháy, phôi thép nung quá lửa vừa nổ lách tách vừa bắn những tia sáng tạo thành những quả cầu nhỏ sáng rực y như lũ trẻ đốt pháo hoa mỗi dịp Tết đến. Người trong nghề gọi đây là hiện tượng “phát hoa”, thép bị nung quá lửa và có tạp chất. Tôi thích thú chứ cụ Bính thì bực mình vì phải vứt bỏ không dùng phôi ấy được nữa.
Đứng rèn với cụ Cả Bính thì ông tôi chỉ vào vai thợ phụ quai búa tạ. Cụ Bính dùng búa cả đập vào đâu là ông tôi cùng với bác Thắng, con cụ, vung búa đập vào đó nhịp nhàng. Phút chốc miếng sắt phôi dần định hình theo nhịp búa. Đôi lúc cụ dừng lại, bôi dầu lên phôi thép rồi nhúng vào xô nước, đây là cách tôi thép tránh thép tiếp xúc với nhiệt lâu rồi trở thành gang giòn, dễ gãy.
Qua khâu rèn trong lửa, dao muốn sắc phải dùng lưỡi bào bằng thép kẹp giữa hai thanh tre đặt nghiêng 45 độ đẩy mạnh, từng phôi thép xoăn tít rơi xuống đất, ngọt như thợ mộc bào gỗ. Dao lúc này cũng đã sắc lắm rồi nhưng phải qua công đoạn mài mới có thể chặt xương bò to bằng cổ tay nhẹ như chặt bẹ chuối.
Sau khi mài xong, công đoạn tiếp theo là gạt màu, đánh phớt bóng, bôi dầu, tra cán thường giao cho phụ nữ, thiếu niên đảm nhiệm. Nghề rèn đòi hỏi người thợ phải có kinh nghiệm, sự tinh tế, khéo léo, sức khoẻ. Người thợ mồ hôi ướt đầm áo quần thì mới làm ra được sản phẩm và còn phải chịu đựng hơi than độc hại.
Năm 1956, theo chủ trương của Nhà nước thành lập hợp tác xã thủ công tại các vùng dân cư, ông nội tôi đưa vợ con ra khu chợ Mơ mở xưởng rèn phục vụ bà con. Kẻ Mơ khi ấy là ngoại thành Hà Nội nhưng tập trung đông dân cư sinh sống. Ông được ủy ban hành chính xã cấp đất xây nhà và định cư tại Hà Nội từ đấy.
Sau này, biết tiếng nghề rèn của ông nội tôi, viện Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam đã đặt làm 2 chiếc kiếm Nhật đúng như phiên bản ông làm trước đây khi còn ở trại lính. Các võ đường, các trường đào tạo sĩ quan quân đội, trường đào tạo sĩ quan an ninh cũng đặt ông làm các loại đao, thương, kiếm, dao... để học viên tập luyện võ thuật. Tất cả tinh túy của nghề rèn Đa Sĩ, ông đem hết ra phục vụ dân sinh. Thương hiệu dao ông Ba Hợi chợ Mơ còn nổi tiếng đến tận ngày nay.
Cho dù cụ Cả Bính và ông tôi giờ không còn nữa nhưng những gì tốt đẹp của tổ tiên, các cụ đã truyền lại cho con cháu để Đa Sĩ luôn nổi danh là làng của truyền thống hiếu học, yêu nước, làng của những thợ rèn giỏi giang.