Lãng phí niềm tin

ANTĐ - Cầu Thăng Long nằm trên trục đường đối ngoại quan trọng bậc nhất của Thủ đô Hà Nội, nối với Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, nơi có hàng vạn lượt khách trong nước, quốc tế qua lại mỗi ngày. Từ gần 3 năm nay, câu chuyện thường trực của họ mỗi lần vượt sông Hồng vẫn là những vết nứt, “con lươn”, ổ gà trên cầu Thăng Long.

Ngoài sự khó chịu vật lý do xe bị xóc, người dân còn bức xúc vì tiếc của. Họ cho rằng, đợt sửa chữa quy mô hồi cuối năm 2009 tốn tới gần 100 tỷ đồng ngân sách nhưng kết cục chỉ được vài bữa đã hỏng, như thế khác nào đem tiền đổ xuống sông Hồng.

Không chỉ đau xót vì sự lãng phí lớn, họ còn bực tức hơn bởi những lý giải kiểu “trẻ con nghe cũng không vào” của các đơn vị có trách nhiệm. Ban đầu, người ta nói nguyên nhân làm hỏng dự án cải tạo cầu là bởi... thời tiết. Mới đây, Bộ GTVT lại cho rằng, mặt cầu xuống cấp nhanh chóng do thất bại trong... chuyển giao công nghệ! Đây có phải sự lòng vòng nhằm trốn tránh trách nhiệm của cơ quan quản lý? Những cơ quan giám sát đã ở đâu khi một dự án trị giá hàng trăm tỷ đồng tiền ngân sách bị thất bại thảm hại như thế? Có cần phải truy tới cùng trách nhiệm tổ chức, cá nhân liên quan hay cứ “tại thời tiết” hoặc “thất bại trong chuyển giao công nghệ” là xong chuyện?

Vá víu mãi mà mặt cầu vẫn hư hỏng, Tổng cục Đường bộ Việt Nam mới đây lại đề xuất vay 12 tỷ đồng từ tổ chức JICA của Nhật Bản để nghiên cứu việc sửa chữa mặt cầu. Dù vay ở đâu, từ tổ chức nào, thì cuối cùng, người dân trong nước vẫn phải trả món nợ đó. 

Từ câu chuyện sửa cầu Thăng Long, có vẻ như, chúng ta chưa có chế tài thực sự nghiêm khắc trong sử dụng tiền ngân sách, tiền vốn vay của nước ngoài. Thế nên, thay vì trân trọng từng đồng, người ta cứ vay để tiêu mà không buồn đếm xỉa tới tính hiệu quả và cũng không mấy lo lắng khi dự án bị thất bại? 

Có người cho rằng, lãng phí đáng sợ không kém tham nhũng. Với những dự án như cải tạo mặt cầu Thăng Long, sự lãng phí tiền của Nhà nước, của xã hội càng gây bức xúc trong dư luận vì cơ quan chủ quản đã không chỉ ra được một địa chỉ trách nhiệm nào. Vậy nên, nếu một lần nữa thuyết phục người dân là chi thêm vài chục tỷ đồng nữa thôi thì mặt cầu sẽ lại êm thuận, chắc sẽ chẳng có ai tin. Biết đâu, thời tiết lại không thuận lợi hoặc công nghệ mới quá, không kịp tiếp thu thì sao!?