Làm thơ để "nói chuyện" với người đã khuất

ANTĐ - Không ai nhớ chính xác cái mốc thời gian xuất hiện bài thơ đầu tiên trên mộ là từ khi nào nhưng mấy chục năm nay, hầu như ngôi mộ nào ở Nghĩa trang Cực Lạc Thái Bình (huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh) cũng đều có thơ. Nghĩa địa này còn được gọi bằng một cái tên khác: “Nghĩa địa thơ”.

Những bài thơ viết tay, ép plastic được xem là sẽ truyền hơi ấm đến người âm

Đọc thơ ở… nghĩa trang

Đến 90% các ngôi mộ ở Nghĩa trang Cực Lạc Thái Bình đều có ít nhất một bài thơ. Đa số đều là thơ ngắn, 50% là thơ tứ tuyệt, có lẽ phù hợp với cảm xúc và cách giãi bày của giới bình dân. Mỗi người một bài thơ, một giọng thơ khác nhau, nhưng hầu hết các ngôi mộ đều có đề thơ.

Duyên phận lận đận, éo le và đầy buồn tủi, hai người vợ của anh Nguyễn Văn Đức đều bị tai nạn chết khi tuổi đời còn quá trẻ. Nỗi buồn như ngày càng trĩu nặng dồn anh vào quẫn bách và chán nản, có lúc tưởng chừng như chỉ muốn thả cho mọi thứ buông xuôi. Không ít đêm trăng, anh Đức một mình ngồi uống rượu đến say mèm bên mộ hai người vợ của mình. Thế rồi, trong một đêm mưa, trúng gió, toàn thân lạnh toát, anh giật mình nhận ra mình còn đứa con nhỏ và sự sống là điều rất đáng quý. Quay về gây dựng lại cuộc sống nhưng nỗi nhớ người khuất vẫn cồn cào gan ruột nên anh đã làm thơ cho hai người vợ đã khuất.

Cũng từ việc mất đi người thân cách đây 5 năm mà đến nay Nguyễn Văn Chín ở xã Chà Lá từ một người chuyên thu gom phế liệu đã có thơ đăng báo. Chín bảo: “Ngày mẹ tôi chết, ra nghĩa trang, thấy ngôi mộ nào cũng có thơ. Tôi cũng định nhờ người khác làm hộ cho một bài nhưng như thế thì không tỏ được lòng thành kính nên tôi đã tự làm thơ. Ban đầu là giãi bày tình cảm với mẹ mình, khi nào thành vần, thành điệu thì thôi. Bài thơ ưng ý nhất tôi để bên mộ mẹ đã được một tờ báo địa phương in rồi đấy. Từ đó tôi làm nhiều thơ lắm, không phải ham gì mà để bộc bạch nỗi niềm thôi. Tôi còn tuyên truyền cho hàng chục người trong xã này làm thơ nữa đấy. Giờ ở đây nhiều người nhiễm sở thích làm thơ nên cuối tuần tụ tập nhau đọc thơ ở nghĩa trang cũng vui lắm”. 

Thơ viết tay truyền hơi ấm?

“Gần 100 năm trước, cả khu nghĩa trang này đều là rừng rậm, hoang vắng đến cô liêu. Có một ngày tôi đi qua nghĩa trang thấy người đàn ông cứ khóc tỉ tê suốt cả buổi chiều. Hóa ra người yêu anh ta tự vẫn chết. Ngay sau đó anh ta lấy cục than khắc lên tấm bia gỗ của người yêu mấy câu thơ. Thời gian trôi qua nên tấm bia gỗ đó cũng mục dần. Sau đó lại có thêm trường hợp khác cũng lấy than ghi thơ nhớ vợ vào bia gỗ. Thấy hay, nên những người sau đó mới bắt đầu bắt chước” - bà Nguyễn Thị Lụa, người sống bên nghĩa địa này cho biết. Bà Lụa cùng nhiều cao niên ở đây nhớ loáng thoáng bài thơ đầu tiên xuất hiện ở nghĩa địa này như sau: Một mảnh hồng nhan gió bụi vùi/ Đường tiên lỡ bước chạnh thương người/Trăm năm âu cũng duyên tiền định/Kiếp khác tìm nhau bắc nhịp cầu/ Nên duyên nên phận chẳng lìa nhau”. 

Bắt đầu từ sự khởi nguồn này mà giờ đây cả hàng nghìn nấm mộ ở Nghĩa trang Cực Lạc Thái Bình đều có thơ đi kèm. Nhiều năm trước, người ta thích khắc thơ lên bia đá, lên đá quý. Nhưng giờ đây nhiều người nảy ra một niềm tin tín ngưỡng khác là tự tay chép thơ ra giấy, mang đi ép plastic và gắn vào mộ. Lý gải điều này, anh Phan Công Long thổ lộ: “Cả cha và mẹ mình đều chết cùng một năm. Ban đầu mình cũng nghĩ sẽ khắc thơ lên bia đá như mọi người nhưng nhớ lại hồi còn sống, cha mẹ mình chỉ thích đọc những gì viết tay. Hơn nữa mình cũng tự cảm thấy chữ viết tay vẫn thiêng liêng và ý nghĩa hơn, cảm giác như hơi ấm của mình truyền tải được qua câu chữ để truyền đến những người thân”. 

Niềm tin này như dần thức dậy mãnh liệt với nhiều người ở huyện Dương Minh Châu, anh  Mai Tuấn Hùng đã kể về việc làm thơ của mình: “Cũng có thể do mê sảng hoặc do tôi tưởng tượng, ảo giác. Cũng có thể do mẹ tôi về báo mộng thật. Trong những ngày sốt liên miên, chìm trong mê sảng tôi thấy bà hiện về bảo dưới âm ti rất lạnh lẽo, cần có thêm hơi ấm người thân. Nếu có dâng thơ cho bà thì hãy viết bằng tay để bà luôn thấy có sự ấm áp của con cháu bên cạnh. Ngay sau đó, tôi thức liền mấy đêm làm thơ và nắn nón chép ra giấy rồi gắn vào mộ mẹ. Từ hôm đó thấy trong người rất sảng khoái”. Dẫu là chép tay hay tạc vào bia đá thì những người sống đều muốn gửi gắm tâm tư, xúc cảm của mình đến người thân. Có người sau khi chép tay còn cẩn thận bỏ vào hộp kính rồi mới gắn lên mộ.

Ông Phạm Văn Lộc, quản lý nghĩa trang cũng cho rằng: Nếu không có một niềm tin ghê gớm thì họ đã không làm thế. Thơ có thể chia sẻ được hơi ấm cho người thân mà trong lòng thấy thanh thảnh, cuộc sống thêm ý nghĩa thì cũng là điều tốt thôi. Ban quản lý nghĩa trang còn chọn lọc những bài thơ hay tuyển lại thành tập để ai đến viếng nghĩa trang đều có thể đọc như một chút lắng lại tâm hồn. 

Những vần điệu lay động 

Hàng nghìn bài thơ ở Nghĩa trang Thái Bình Cực Lạc hầu hết đều không phải những bài thơ chuyên nghiệp. Nhưng đó là cảm xúc thật nên có những bài khiến người đọc xúc động. Nghĩa trang Thái Bình Cực Lạc rộng gần 60ha, thêm mỗi ngôi mộ mới cũng có nghĩa là thêm nhiều bài thơ mới. Với không ít người, dù không có người thân chôn cất trong nghĩa trang nhưng thỉnh thoảng vẫn ghé vào không phải để nhang khói mà là để… đọc thơ. Ông Trần Thanh Linh, nhân viên quản lý Hồ Dầu Tiếng tâm sự: “Nhà tôi không ai an táng ở đây nhưng trong một lần đi đưa tang người quen tôi thấy nghĩa trang này ngập tràn thơ. Dẫu là “thơ nghĩa địa” nhưng đọc cũng rất thi vị. Thế nên thỉnh thoảng rảnh rỗi hay có việc gì qua đây tôi lại vào nghĩa trang dạo một vòng để xem thơ. Xưa chủ yếu thơ 4 câu, giờ thì nhiều thể loại lắm”. Những câu thơ chép tay mộc mạc ép dẻo gắn lên mộ mẹ mình của Mai Tuấn Hùng cũng khiến nhiều người lắng đọng. Anh viết: “Bây giờ chỉ còn mỗi vần thơ/ Tự tay con viết dâng hương hồn của mẹ/ Bàn tay run và con thì ít học/ Nhưng trái tim con gửi theo từng nét chữ/ Hơi ấm con chảy trào lên ngọn bút/ Sưởi ấm hồn mẹ đó mẹ ơi/ Mẹ không cô đơn, mẹ không buồn, mẹ nhé/ Con để hơi ấm tay con ngay bên cạnh mẹ này/ Hơi ấm nóng như những ngày thơ bé/ Mẹ ôm ru khi mỗi lúc đông về”. 

Có lẽ tình mẫu tử có sức mạnh thôi thúc nhiều nhất nên một nửa thơ ở nghĩa trang này là viết dành tặng mẹ, có ngôi mộ in ba, bốn bài thơ. Nhiều bài nói về quy luật sinh tử được Ban quản lý nghĩa trang đưa vào tuyển tập thơ hay Nghĩa trang Cực Lạc Thái Bình khiến người đọc không nghĩ đó là thơ của nông dân. Như bài “Tình mẹ”: Cát bụi bao năm một kiếp người/Thôi đừng vương vấn nữa mẹ ơi/Mẹ đi con ở lòng đau xót/Nguyện cầu hồn mẹ được thảnh thơi/Nhớ mẹ trọn đời con vẫn nhớ/Mẫu tử tình thâm cách biệt rồi/Nơi đây mẹ hãy nằm yên nghỉ/Con đắp tình thương mẹ trọn đời”.