Lạm phát giảm cũng đáng lo

ANTĐ - Nhiều mặt hàng như xăng dầu, gas, sắt thép… đang có xu hướng giảm giá do giá nhập khẩu đầu vào giảm mạnh. Đồng thời, các biện pháp kiềm chế lạm phát cũng đã phát huy tác dụng. Tuy nhiên, có những ý kiến cho rằng lạm phát giảm quá mạnh có thể tác động xấu tới tăng trưởng kinh tế.

Sức mua thấp dẫn đến nỗi lo suy giảm kinh tế

Nguy cơ tiềm ẩn

Tính đến cuối tháng 5-2012, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chỉ tăng ở mức 8,34% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là lần đầu tiên trong năm 2012 chỉ số CPI so với cùng kỳ năm trước trở về mức 1 con số. Theo Tổng cục Thống kê, CPI cả nước tháng 5 đã tăng  nhẹ trở lại so với tháng 4 nhưng chỉ số giá nhiều nhóm ngành trong rổ tính CPI vẫn đang giảm. Đây là một trong những dấu hiệu cho thấy nguy cơ giảm lạm phát đã xuất hiện. 

Trong 11 nhóm hàng hóa tính chỉ số giá, trong các mặt hàng chủ yếu, lương thực, thực phẩm, nhà ở và vật liệu xây dựng đều có chỉ số giá giảm mạnh so với tháng trước. Trong đó, nhóm lương thực giảm 0,54% và nhóm thực phẩm giảm 0,26%, nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 0,07%.... Các nhóm mặt hàng còn lại đều có mức tăng không cao, riêng nhóm hàng hoá và dịch vụ khác tăng 3,09%.

Mặc dù lạm phát giảm mạnh so với cùng kỳ nhưng theo các chuyên gia kinh tế, đây chưa hẳn là tín hiệu tốt bởi có nhiều dấu hiệu cho thấy nền kinh tế đang đi vào đà suy giảm. 

TS. Lê Đăng Doanh cho rằng, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ trong ổn định kinh tế vĩ mô, đặc biệt là sau khi Nghị quyết số 11 được ban hành và thực hiện. “Mặc dù đã được cải thiện nhưng vẫn chưa thực sự vững chắc. Ví dụ như CPI giảm mạnh một phần là do áp dụng các biện pháp kiềm chế, tuy nhiên cũng phải nhìn nhận một cách khách quan là CPI giảm có thể do sức mua giảm sút. Do đó không nên quá mừng”, TS. Lê Đăng Doanh cảnh báo.

Trong tháng 5, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), Đại học Quốc gia Hà Nội đã đề cập tới vấn đề lạm phát giảm mạnh tại Báo cáo thường niên Kinh tế Việt Nam năm 2012. Nhóm nghiên cứu của VEPR cho rằng lạm phát năm nay sẽ “thấp một cách kỳ lạ”. Và trong kịch bản bi quan nhất thì tỉ lệ lạm phát cũng chỉ ở mức 6,2%. TS. Nguyễn Đức Thành - Giám đốc VEPR đánh giá, lạm phát đang đi vào thời kỳ thiểu phát sâu, tức lạm phát ở mức rất thấp, thậm chí có khả năng âm nhẹ trong các tháng tới và đây không phải là dấu hiệu tốt.

Cân bằng các mục tiêu

Theo báo cáo mới công bố của Công ty Cổ phần Chứng Khoán Bảo Việt (BVSC), các chuyên gia cho rằng với diễn biến giá cả các nhóm hàng hoá như hiện tại, cùng kỳ vọng tiếp tục giảm giá xăng, lạm phát trong tháng 6 nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng thấp (dưới 0,2%), đưa CPI so với cùng kỳ năm ngoái về quanh mốc 7-8%. 

Việc lạm phát giảm mạnh sẽ tác động tới tăng trưởng, do đó, chuyên gia của BVSC kỳ vọng Chính phủ sẽ sớm có gói kích cầu, tập trung vào việc chi tiêu cho lĩnh vực cơ sở hạ tầng hoặc tái khởi động các công trình xây dựng dở dang. Trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp như hiện nay, sẽ khó kỳ vọng về một gói kích cầu có quy mô lớn, tuy nhiên, vai trò tiên phong và hiệu ứng lan tỏa của việc chi tiêu Chính phủ sẽ giúp cải thiện niềm tin của khu vực tư nhân và người tiêu dùng vào triển vọng kinh tế, từ đó kích thích 2 đối tượng này mạnh dạn chi tiêu hơn.

Các chuyên gia cho rằng, với những diễn biến lạm phát trong những tháng qua, lạm phát cả năm có thể xuống quá thấp, nguy cơ nền kinh tế rơi vào thiểu phát là có thể xảy ra do sản xuất bị đình trệ, sức mua giảm sút. Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên cho rằng các giải pháp kiềm chế lạm phát đã có những kết quả khả quan nhưng dường như lạm phát giảm quá mức khiến nền kinh tế đã trở nên nguội lạnh. “Việc giảm mức lạm phát xuống 7-8% thực hiện dễ dàng, nhưng giảm lạm phát như thế nào để không ảnh hưởng đến nền kinh tế mới là điều quan trọng”, ông Thiên nhấn mạnh.

Báo cáo Cập nhật Kinh tế Việt Nam của Ngân hàng Thế giới (WB) chỉ rõ, tăng trưởng GDP đã giảm từ 6,8% trong năm 2010 xuống còn 5,9% trong năm 2011 và tiếp tục giảm xuống mức 4% trong quý I năm 2012. Lạm phát (so với cùng kỳ) đã giảm trong 9 tháng liên tiếp - từ đỉnh điểm 23% hồi tháng 8-2011 xuống còn 8,3% vào tháng 5-2012. Các chuyên gia của WB cho rằng Việt Nam cần cẩn trọng cân bằng giữa mục tiêu tăng trưởng và lạm phát.