Chưa bao giờ thị trường trái phiếu Chính phủ lại trở nên “sôi động” như từ đầu năm tới nay. Đáng lưu ý, sự “sôi động” này lại từ hệ thống ngân hàng, thay vì phân bổ cho mọi nhu cầu “đói” vốn đầu tư cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Theo Ngân hàng Nhà nước, toàn bộ hệ thống tổ chức tín dụng đã mua tới 200.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ và tín phiếu kho bạc Nhà nước, tương đương 90% “miếng bánh” tăng trưởng tín dụng từ đầu năm tới nay. Có nghĩa là, đáng lẽ tìm kiếm lợi nhuận ở khu vực kinh tế tư nhân, các ngân hàng đang sống khỏe dựa vào việc trở thành chủ nợ của Chính phủ. Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ bày tỏ lo ngại khi các ngân hàng dành tới 87-90% dòng tiền của mình để đầu tư vào trái phiếu Chính phủ. Lợi tức mà hệ thống ngân hàng kiếm được phần lớn từ các công cụ nợ của Chính phủ và xu hướng này chưa dừng lại. Theo phân tích của giới chuyên gia, kể cả khi lãi suất giảm thêm thì về cơ bản, “phong trào” đổ tiền vào trái phiếu vẫn tiếp diễn. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhận định, thông thường nửa cuối năm, tốc độ tăng trưởng tín dụng gấp đôi so với nửa đầu năm, trong khi thanh khoản dồi dào, tín dụng tắc nghẽn, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, vì vậy Ngân hàng Nhà nước có thể xem xét hạ thấp lãi suất điều hành thêm 1% trong thời gian tới.
Một thách thức lớn trong điều hành của Ngân hàng Nhà nước từ nay đến cuối năm là cải thiện tăng trưởng tín dụng, góp phần cải thiện khu vực doanh nghiệp, nhất là đầu tư tư nhân bị “lép vế” trong nhiều năm nay. Khi chi phí tài chính giảm xuống, có những dự án sản xuất kinh doanh “cất trong ngăn kéo” có thể sẽ được khởi động lại. Lãi suất giảm, vừa giảm sức ép tăng trưởng của ngân hàng, vừa giảm áp lực đang đè nặng lên khu vực doanh nghiệp.