Lại bàn chuyện rác
(ANTĐ) - Không thể nhắm mắt trước rác thải khắp nơi khắp chốn, không chỉ vì mỹ quan thành phố, bộ mặt của Thủ đô sắp bước vào Đại lễ nghìn năm Thăng Long-Hà Nội, vứt rác, đổ rác ra đường phố, nơi công cộng dường như đã trở thành một thói quen “tự nhiên”, một hành vi hết sức bình thường của một bộ phận thị dân. Hà Nội vừa phát động phong trào “Vì môi trường trong sạch, phụ nữ và nhân dân Thủ đô không đổ rác, phế thải ra đường, nơi công cộng”.
Một khi chính quyền và các tổ chức xã hội đã phải phát động một phong trào nào thì tức là vấn đề đã trở nên nghiêm trọng, đáng báo động. Ví dụ như phát động Tháng trật tự, an toàn giao thông; Tháng vệ sinh an toàn thực phẩm…
Văn minh, thanh lịch như Hà Nội nghìn năm văn hiến không thể để một bộ mặt nhem nhuốc rác ngập đường, đất cát, phế thải xây dựng vương vãi trên mọi tuyến đường, con phố, mù mịt bụi bặm. Không phải ngẫu nhiên, người lãnh đạo cao nhất của thành phố đã khẳng định: “Với Thủ đô Hà Nội, văn hóa quan trọng hơn”. Văn hóa đâu chỉ là trình độ văn hóa, bằng cấp, văn hóa thể hiện ngay trong hành vi vừa phóng xe xịn, vừa vứt rác xuống đường trước mắt thiên hạ.
Không phải vô cớ, ngành giáo dục Hà Nội đã manh nha cuộc vận động “Học sinh thấy rác là nhặt”, nhằm thay đổi hành vi từ lớp trẻ một cuộc sống lâu dài thay đổi ý thức của người lớn. Tất cả mọi chuyện “thượng vàng hạ cám”, suy cho cùng đều bắt đầu từ con người. Một triết gia cổ đã từng nói: Con người chỉ thực sự là người khi được giáo dục. Mấy chục năm trước, người Hà Nội có một thói quen tuyệt vời. Cứ chiều thứ 7, nhà nhà đều đổ ra đường tổng vệ sinh sạch như ly như lau chẳng cần loa phường, tổ trưởng dân phố thúc giục từng nhà.
Thói quen tốt đẹp học được và giữ được thật là khó. Thói quen xấu thì “học” nhanh lắm. ý thức người dân là một câu chuyện dài kỳ. Rác thải tồn đọng trong thành phố, quá tải ở các bãi rác là vấn đề nan giải của Hà Nội. Riêng Hà Nội cũ đã có 5.000 nhà máy, xí nghiệp, trên 70 bệnh viện, hàng trăm khách sạn, nhà hàng cộng với rác thải sinh hoạt của hơn 3 triệu dân, mỗi ngày lượng rác thải cũng vài nghìn tấn.
Khu vực quy hoạch chứa rác thải chỉ để dùng cho Hà Nội trước ngày mở rộng đến năm 2011, trong khi toàn bộ Hà Tây cũ chưa có nhà máy xử lý rác thải nào. Ba trong năm khu xử lý rác tập trung của Hà Nội chuẩn bị đầy ứ. Hiện tại việc xử lý, tiêu hủy, tái chế chất thải rắn chủ yếu là chôn lấp, vừa mất diện tích đất, vừa gây ô nhiêm môi trường nghiêm trọng. Việc tìm kiếm đất để làm bãi chôn lấp rác sinh hoạt của Thủ đô hiện là bài toán nan giải mà thành phố đang “đau đầu”.
Đó là chuyện ở tầm vĩ mô để giải quyết “tận gốc” rác thải, trong đó có chuyện thu gom, vận chuyển, xử lý. Còn về chuyện ý thức người dân, để trị “bệnh vô ý thức” vứt đổ rác, Hà Nội sẽ mạnh tay xử phạt theo Nghị định 23 của Chính phủ. Trước đây, vứt đổ rác không đúng nơi quy định chỉ bị phạt có 10 nghìn đồng, nay sẽ mạnh tay xử phạt từ 100 nghìn đến 300 nghìn đồng.
Đặc biệt, nếu chở rác, phế thải để rơi vãi ra đường hoặc đổ bậy sẽ bị phạt 5 đến 10 triệu đồng. Nói gì thì nói, muốn “lay chuyển” được một thói quen xấu đã ăn sâu vào tiềm thức, giáo dục tuyên truyền là một việc cần thiết, song nếu không đánh mạnh vào túi tiền thì khó có thể hy vọng triệt tận gốc tình trạng vứt, đổ rác ra đường, nơi công cộng. ở Singapore, đường phố, thành phố sạch làu, “bóng loáng” như… tủ kính.
Bất kể ai vứt một mẩu rác ra đường, nơi công cộng sẽ bị phạt tới cả trăm đôla. Chưa dám mơ và mong muốn Hà Nội sẽ sạch, đẹp như quốc đảo nhỏ bé đó. Chỉ hy vọng chuyện “rác rưởi” ở Thủ đô sẽ không phải mang ra bàn thêm hoặc lại “đánh trống” phát động rồi bỏ luôn… dùi.
Đan Thanh