10 năm sau đại dịch SARS:

Ký ức kinh hoàng và bài học xương máu

ANTĐ - Những ngày cuối tháng 2-2003, đại dịch viêm đường hô hấp cấp nguy hiểm chưa từng có trong lịch sử đã lan rộng trên thế giới, gieo rắc nỗi khiếp đảm cho nhân loại. Nhớ lại giai đoạn kinh hoàng khi SARS xuất hiện 10 năm về trước là điều cần thiết để tri ân những người đã cống hiến, hy sinh trong cuộc chiến chống đại dịch này, đồng thời nâng cao cảnh giác trước hàng loạt dịch bệnh mới xuất hiện.

Ký ức kinh hoàng và bài học xương máu ảnh 1
Bác sĩ Carlo và những hồi ức về đồng nghiệp dũng cảm của ông sẽ được nhớ mãi


Khúc bi tráng của ngành y

Đầu năm 2003, chỉ trong khoảng thời gian rất ngắn, SARS đã lây lan ra 32 quốc gia và vùng lãnh thổ với 8.422 người mắc, trong đó có 916 người tử vong, gây ra nỗi khiếp đảm cho toàn nhân loại. Nhớ lại quãng thời gian này, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế Trịnh Quân Huấn chia sẻ, hơn 40 năm công tác trong lĩnh vực y tế dự phòng, đối mặt với hàng trăm dịch bệnh lớn nhỏ, song chưa thấy có dịch bệnh nào lại gây ra sự kinh hoàng như SARS. Ca bệnh SARS đầu tiên ở Việt Nam được phát hiện ngày 23-2-2003, khi một thương nhân người Hoa là ông Johnie Chun Cheng từ Hồng Kông (Trung Quốc) đến nước ta. Sau đó 3 ngày thì có hội chứng cúm và được đưa vào điều trị tại BV Việt Pháp. Thương nhân này đã mang theo dịch SARS vào Việt Nam.

Quá trình điều trị cho bệnh nhân Cheng, các bác sĩ BV Việt Pháp đã nhận diện đây là một căn bệnh lạ nguy hiểm nên lập tức báo cáo Bộ Y tế. Bộ Y tế lập tức đề nghị Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cử chuyên gia đến giúp đỡ. Bác sĩ Carlo Urbani (người Ý), chuyên viên của WHO đã được cử đến Việt Nam để hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân Cheng và nghiên cứu về căn bệnh lạ này. Chính ông là người đã tìm ra bệnh SARS với nhận định đây là một loại bệnh dịch mới với hội chứng viêm đường hô hấp cấp nguy hiểm, rất dễ lây lan.

Sau khi bệnh nhân Cheng được đưa về nước, đến ngày 5-3-2003, nhiều cán bộ y tế ở BV Việt Pháp bị nhiễm SARS với hội chứng giống bệnh nhân này. Chỉ vài ngày sau đó, SARS lây lan với tốc độ khủng khiếp, đã có 39 cán bộ y bác sĩ của BV Việt Pháp bị nhiễm bệnh, 5 người tử vong. Bác sĩ Carlo Urbani cũng đã bị lây nhiễm SARS sau những ngày miệt mài túc trực cùng các bác sĩ của BV Việt Pháp để theo dõi, chăm sóc bệnh nhân. Ngày 12-3-2003, vị bác sĩ người Ý đã ra đi mãi mãi vì SARS, ông hy sinh như một người anh hùng của Việt Nam sau khi đã cống hiến hết trí lực và sức khỏe của mình, cho cuộc chiến đẩy lùi SARS tại Việt Nam. 

Trong giai đoạn căng thẳng nhất này, ngày 9-3-2003, Bộ Y tế chỉ đạo BV Việt Pháp phải đóng cửa để khử trùng toàn bộ BV. Các y bác sĩ của BV Việt Pháp cũng phải ở lại luôn BV để cách ly, theo dõi. Viện Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới quốc gia – nay là BV Bệnh nhiệt đới Trung ương được giao nhiệm vụ thu nhận và điều trị bệnh nhân SARS trong lúc BV Việt Pháp tạm đóng cửa. GS. Lê Đăng Hà, Viện trưởng Viện Y học lâm sàng lúc bấy giờ nhớ lại: “Lúc đó, hiểu được những lo lắng của các y bác sĩ trong BV khi phải đối phó với căn bệnh lạ rất nguy hiểm, nhất là có rất nhiều đồng nghiệp đã mắc và tử vong nên tôi đã không ép nhân viên mà cho phép họ nếu không đồng ý chăm sóc điều trị bệnh nhân SARS thì có thể viết đơn. Thế nhưng không có y bác sĩ nào viết đơn, tất cả đều sẵn sàng đón nhận nhiệm vụ, sẵn sàng chung tay đối đầu với SARS. Trong số 120 nhân viên của BV lúc bấy giờ thì 70 người tập trung chiến đấu với dịch SARS”… 

Bằng sự dũng cảm, bằng tâm huyết với nghề, cái tâm với người bệnh, những người chiến sĩ áo trắng trên mặt trận điều trị cũng như những người làm công tác dịch tễ, y tế dự phòng đã nảy sinh nhiều ý tưởng đối phó với SARS và áp dụng triển khai hiệu quả, không để SARS lây ra cộng đồng. Cộng thêm sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, cuộc chiến chống SARS của Việt Nam đã đạt được những thành công vang dội. Ngày 28-4, sau 45 ngày chống chọi với dịch, Việt Nam đã được WHO công bố là nước đầu tiên trên thế giới chính thức khống chế được hoàn toàn dịch SARS.

Ký ức kinh hoàng và bài học xương máu ảnh 2
Cấp cứu thành công bệnh nhân mắc SARS tại BV Bệnh nhiệt đới Trung ương

Không được phép quên quá khứ

Trên thực tế, bệnh SARS đã xuất hiện tại Trung Quốc từ cuối tháng 11-2002 nhưng mãi đến cuối tháng 3-2003 khi bệnh bùng phát mạnh, không thể ngăn cản được thì nước này mới công bố ca mắc đầu tiên. Nhìn lại 10 năm sau đại dịch SARS, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam, ngài Takeshi Kasai đã nhắc lại câu chuyện này và nhấn mạnh đó là bài học ấu trĩ mà đến tận bây giờ các chuyên gia của WHO cũng như Trung Quốc vẫn cần phải rút kinh nghiệm. Với thành công của Việt Nam trong công cuộc đẩy lùi dịch SARS, đại diện WHO nhấn mạnh rằng: “Kinh nghiệm phòng chống SARS ở Việt Nam cho thấy, sự cam kết chính trị ngay lập tức ở cấp cao nhất đóng một vai trò quyết định. Mặt khác, Việt Nam đã chủ động công bố dịch và chia sẻ thông tin, nhờ đó nhận được sự hỗ trợ kịp thời của các tổ chức quốc tế, WHO...”.

Ngài Takeshi Kasai chỉ rõ, hiện nay nhiều dịch bệnh nguy hiểm mà chúng ta chưa thể biết hết được đang đe dọa sức khỏe người dân, chẳng hạn như chủng virus Corona mới ở Trung Đông và mới đây là virus cúm A/H7N9 ở Trung Quốc. Do đó đòi hỏi Việt Nam cũng như các quốc gia trên thế giới phải công khai, chủ động và tăng cường hơn trong công tác giám sát, phòng chống dịch bệnh, nhất là dịch bệnh mới. 

Điều này càng có giá trị trong thời đại ngày nay khi sự giao lưu giữa các nước trở nên phổ biến và dễ dàng, sự lây truyền bệnh tật là không biên giới nên việc phòng chống dịch bệnh không thể chỉ là một nước, một bộ, ngành, địa phương… mà cần có sự chung tay của cả cộng đồng, sự phối hợp đa ngành, đa lĩnh vực.

Kỷ niệm 10 năm chống dịch SARS thành công

Ngày 25-4, Bộ Y tế phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam đã tổ chức lễ kỷ niệm “Việt Nam 10 năm phòng chống SARS thành công”. Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan nhấn mạnh, thành công trong phòng chống SARS là cột mốc quan trọng đánh dấu sự trưởng thành về mọi mặt của ngành y tế nước ta, khẳng định với bạn bè thế giới rằng Việt Nam luôn là một nước có trách nhiệm cao với cộng đồng quốc tế, đã không ngần ngại chia sẻ những thông tin về tình hình dịch bệnh với các quốc gia khác và cũng nhờ đó chúng ta đã nhận được sự ủng hộ, hỗ trợ tích cực của WHO cùng bạn bè quốc tế. Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cũng cho biết, Đảng và Nhà nước luôn coi trọng công tác phòng chống dịch bệnh, coi đây là hoạt động ưu tiên hàng đầu của ngành y tế cũng như của Chính phủ.