Kỹ sư công nghệ chế máy "băm rơm"

ANTĐ - Bỏ công việc ổn định, lương cao, kỹ sư Công nghệ thông tin Nguyễn Hải Châu lao vào chế tạo máy nông nghiệp với mong muốn giảm nỗi vất vả cho người nông dân. Từ thành công đầu tiên là chiếc máy “băm rơm” tiện lợi, rất nhiều loại máy nông nghiệp hiệu quả, năng suất khác đã ra đời phục vụ sản xuất của người nông dân.

Kỹ sư công nghệ chế máy "băm rơm"  ảnh 1Anh Nguyễn Hải Châu bên chiếc máy nông nghiệp đa năng 
đang rất được bà con ưa chuộng

Bỏ việc lương cao 

Học xong tiểu học, Nguyễn Hải Châu cùng bố mẹ rời huyện Đô Lương, Nghệ An đến sống tại Hà Nội. Năm 1992, Nguyễn Hải Châu thi đỗ vào khoa Hệ thống điện, trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Nhưng được 3 năm, do gia đình khó khăn, Nguyễn Hải Châu đành rời giảng đường, nhận làm nhân viên giao hàng để phụ giúp gia đình. 2 năm sau, Nguyễn Hải Châu lại thi đỗ vào khoa Công nghệ thông tin, Viện Đại học Mở Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp, anh đã có công việc tương đối ổn định tại một tổ chức phi Chính phủ chuyên làm các dự án về phát triển nông nghiệp.

Trong một chuyến công tác tại tỉnh Hà Giang, Nguyễn Hải Châu chứng kiến cảnh người nông dân mất rất nhiều thời gian để băm bèo, thái chuối làm thức ăn gia súc mà năng suất không cao… “Tôi nghĩ tại sao không làm một chiếc máy nhỏ phục vụ bà con. Đây đâu phải chuyện quá khó. Tuy nhiên khi đó, tôi mang bản thiết kế sơ bộ của chiếc máy đi đặt hàng nhưng không xưởng nào nhận do số lượng quá ít”, anh Châu nhớ lại.

Để thực hiện ý định của mình, Châu xin nghỉ phép 15 ngày để tự tay làm chiếc máy. Nhưng thời gian đó không đủ cho một sản phẩm cần nhiều kiến thức về cơ khí. Thế là, anh Châu xin nghỉ việc để dồn toàn bộ tâm huyết cho đứa con tinh thần đầu tiên của mình. “Vừa làm vừa thử nghiệm nên tôi liên tục thất bại. Lúc đầu, tôi còn được gia đình ủng hộ động viên nhưng sau 1 năm rưỡi thất bại liên tục thì gia đình bắt đầu lo lắng và ngăn cản vì sợ rằng tôi sẽ không làm được…”, anh Châu kể.

Không bỏ cuộc, sau những đêm dài thức trắng, chiếc máy băm rơm đầu tiên của Châu đã ra đời với 3 chế độ là băm nghiền thô, băm nghiền nát và nghiền khô thành bột. Chiếc máy nghiền đa năng giúp tăng năng suất và giải phóng sức lao động cho bà con nông dân. Đặc biệt, chiếc máy chạy bằng điện, nên chi phí vận hành rẻ hơn một nửa so với chạy bằng xăng dầu trong khi hiệu suất lại cao hơn. Với ba chức năng cơ bản nhưng lại có cấu tạo khá đơn giản, có thể tháo rời từng bộ phận, trọng lượng chỉ khoảng 50kg, chiếc máy của Châu được coi như “độc nhất vô nhị” trên thị trường bấy giờ. Châu hào hứng cho biết: “Máy có thể vừa nghiền ngô hạt hay ngô quả thành hạt, lại có thể băm cỏ, chuối hay nghiền nát các loại đỗ, gạo, sắn thành bột khô… Trên thị trường khi ấy chưa có máy nào có thể thực hiện được 3 chức năng cùng một lúc, một số máy của Nhật có mặt tại Việt Nam khi đó thì tối đa cũng chỉ có hai chức năng….”.

Sau khi gửi chiếc máy tới bà con nông dân để họ dùng thử, Châu đã vay mượn thêm nhiều nơi để cải tiến sản phẩm của mình. Qua nhiều lần sửa chữa, tích hợp thêm tính năng mới, chiếc máy đã hoàn thiện, chính thức được đưa ra thị trường.

Mặc dù chiếc máy mà anh Châu chế tạo đã đạt được những tiêu chuẩn cơ bản nhưng khó khăn lúc này là làm “thương hiệu” và đăng ký tiêu chuẩn chất lượng. Thiếu những yếu tố này khiến cho việc đưa sản phẩm ra thị trường gặp rất nhiều khó khăn. Có thời điểm Châu đã phải tự mình chở những chiếc máy đến tận những vùng nông thôn để “chào hàng” và ký gửi nhưng đến đâu cũng bị từ chối vì nó “quá lạ” lại chưa có thương hiệu. Dù cho những chuyến đi đó gặp không ít khó khăn nhưng Châu không từ bỏ. Vốn ban đầu bỏ ra để đầu tư máy móc đã cạn kiệt, Châu lại vay mượn bạn bè để đầu tư duy trì sản xuất. Việc chào hàng không thành công, Châu thuê một đội ngũ tiếp thị đèo máy đến từng hộ nông dân giới thiệu. Có ngày, anh lặn lội đi hàng trăm cây số. Một vài gia đình đồng ý dùng thử, sau đó thấy hiệu quả thì bắt đầu đặt mua. Những cuộc điện thoại đầu tiên khiến anh Châu như vỡ òa trong hạnh phúc. 

Các phản hồi nhiều dần lên, sản phẩm cũng bắt đầu tiêu thụ được ở một số tỉnh thành, Châu bắt đầu mò mẫm nghiên cứu xây dựng các kênh bán hàng chuyên nghiệp để quảng bá. Tại các tỉnh thành lớn trên cả nước, Châu đều có các đại lý ký gửi, giới thiệu sản phẩm. Châu cho biết: “Tôi đẩy mạnh việc bán hàng online, mở trang web, đường dây nóng và đội ngũ tiếp thị hùng hậu… nên sản phẩm có sức tiêu thụ tốt hơn hẳn…”. Để nâng cao hiệu quả bán hàng của mình, Châu đã bỏ ra 3 năm mò mẫm tự học, tự thực hành làm website, đăng video, hình ảnh sản phẩm để quảng cáo, cũng như hướng dẫn người dân cách sử dụng. Đến nay, chiếc máy băm nghiền đa năng đã đến được tay bà con nông dân khắp 64 tỉnh, thành phố trên cả nước với giá thành hợp lý, chỉ từ 5-6 triệu đồng/chiếc. Không chỉ có vậy, chiếc máy đa năng của anh còn có mặt ở Lào và Campuchia.

Coi bà con nông dân như người thân

Với mục tiêu giúp người chăn nuôi phát triển tăng lợi nhuận, thời gian vừa qua, chỉ từ một loại sản phẩm, Nguyễn Hải Châu đã chế tạo thêm các loại máy băm nghiền đa năng dùng cho các động cơ 7,5Kw, 3A5,5kw và máy chạy động cơ Diesel/5HP, Diesel/8HP, Diesel/16HP để tăng năng suất băm nghiền thức ăn gia súc nhanh hơn. Ngoài ra, để đáp ứng phù hợp cho từng điều kiện của bà con nông dân Nguyễn Hải Châu còn sản xuất nhiều loại máy model lớn nhỏ khác nhau để phù hợp cho từng nguồn điện dân dụng và nguồn điện 3 pha. Hiện tại, ngoài xưởng chính tại Cổ Nhuế, Hà Nội, Châu đã mở được thêm 3 cơ sở vệ tinh ở các địa phương khác. Xưởng cơ khí của anh đã và đang tạo việc làm cho hơn 100 lao động có thu nhập hàng tháng từ 5-8 triệu đồng, đem về doanh thu mỗi tháng từ 1,5-2 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Châu còn chủ động mời những người khuyết tật về làm việc. Anh hướng dẫn, dạy họ công nghệ thông tin để họ trở thành những nhân viên marketing giới thiệu về sản phẩm đến khách hàng. Xưởng sản xuất của anh cũng là điểm đến của những ý tưởng chế tạo máy móc mới của các bạn trẻ.

Nhận thấy những lợi ích từ chiếc máy băm rơm và máy băm nghiền đa năng đã đem lại, anh Châu tiếp tục sáng chế ra các loại máy khác như: máy thái cá, máy tách hạt ngô, máy bóc bẹ ngô, máy băm cỏ, máy nghiền cua ốc và nhiều loại máy chăn nuôi, máy nông nghiệp khác để phục vụ cho bà con nông dân trên cả nước. Những chiếc máy này đều dễ sử dụng, dễ bảo dưỡng, có độ bền cao…   “Ai cũng có nguồn gốc từ làng quê. Phải luôn nghĩ bà con nông dân là những người thân của mình thì mới làm ra những máy móc mà thật sự bà con cần đến”, Nguyễn Hải Châu nói về bí quyết thành công.