Kỷ luật không nước mắt

ANTĐ - Bất lực trước con cái đang là câu chuyện thời sự của các bậc cha mẹ hiện nay. Và chuyện cha mẹ dạy con bằng roi vọt đã không chỉ là nỗi ám ảnh của những đứa trẻ mà còn là nỗi ám ảnh của ngay chính các bậc phụ huynh khi họ không tìm ra lối thoát cho việc dạy dỗ con cái. 

Có lẽ tất cả những người mẹ đánh con họ đều rơi nước mắt. Có khi nước mắt trào ra nhưng cũng có khi nước mắt nuốt vào trong. Nhưng tại sao vẫn có nhiều người mẹ dạy con bằng roi vọt? Hội thảo Kỷ luật không nước mắt do Thạc Sĩ Trần Thị Ái Liên diễn giả đang gây cơn sốt tại Hà Nội và TP. HCM. Với thông điệp “Con luôn luôn tốt, chỉ có hành động là xấu”, Thạc sĩ Ái Liên muốn các bậc cha mẹ tin rằng, bất kỳ đứa con nào cũng thật tuyệt vời theo cách riêng của bé mà không cần đến đòn roi...


Bất lực trong việc dạy con

Không ít bậc cha mẹ Việt Nam than phiền là không biết làm cách nào để con nghe theo ý mình. Chị Hương Loan, Cầu Giấy, Hà Nội cho biết: Dù rất yêu và thương con nhưng tôi cũng không thể kiềm chế được mỗi lần con không nghe theo ý mình. Ví dụ khi đòi không được cái gì là bé lăn ra ăn vạ. Những lần đầu thì tôi còn dỗ dành. Về sau không chịu được, tôi đã phải dùng đến đòn roi với con. Tần suất dùng đòn roi càng ngày càng tăng lên vì càng ngày bé càng tỏ ra bướng bỉnh, lỳ đòn hơn. Vợ chồng tôi gần như bất lực không biết phải làm thế nào. Chả lẽ cứ phải dùng bạo lực với con mãi. 

Giống như chị Loan, gia đình anh Nguyễn Mạnh Hà, phường Thành Công, Hà Nội cũng vô cùng bế tắc trong việc dạy dỗ con. Bé mới 4 tuổi nhưng đã rất khó bảo. Hàng ngày riêng việc ăn, ngủ của bé cũng khiến cha mẹ phải quát mắng. Nhiều lần bé bị ăn đòn vì không chịu nghe lời. Con khóc, mẹ khóc. 

Kỷ luật không nước mắt

Tuy nhiên theo Thạc sĩ Trần Thị Ái Liên, không có lý do chính đáng nào có thể biện minh cho việc sử dụng bạo lực với trẻ em, dù là thể xác hay tinh thần. Những đứa trẻ bị tổn thương về thể chất hay mang nỗi đau trong tim sẽ lớn lên trong sợ hãi và giận dữ, thiếu tự tin, cho rằng bạo lực là cách duy nhất để xử lý vấn đề. Kỷ luật tích cực (còn gọi là kỷ luật không nước mắt) là cách giáo dục không bạo lực thể xác, cũng chẳng bạo lực tinh thần, nhưng không có nghĩa là chiều chuộng mà là rèn luyện trong giới hạn và sự kiên trì. Viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ đã khuyến cáo không có bất cứ trường hợp nào được coi là chính đáng để dùng bạo lực với trẻ em. Bạo lực, thể chất hoặc tinh thần đều có hại cho sự phát triển cũng như hạnh phúc và thành công trọn đời của trẻ. Ngay cả việc chỉ đánh khẽ hay chê bai nhẹ lời cũng khiến bé căng thẳng. 

Hình phạt với trẻ như thế nào?

Trong cơ thể bé, hóc môn Cortisol sẽ tăng vọt. Lâu lâu một lần thì tốt, nhưng thường xuyên sẽ làm bé chậm phát triển toàn diện, nghĩa là tim nhỏ hơn, phổi nhỏ hơn, mạch máu nhỏ hơn, hộp sọ bé hơn, vậy thì não cũng nhỏ hơn… Mẹ đánh vì con không chịu học. Vậy thì bé sẽ học cùng Cortisol. Cha đánh vì con không ăn-bé sẽ ăn cùng Cortisol. Bà đánh vì cháu lười tắm-cháu sẽ tắm cùng Cortisol… và bé sẽ chậm phát triển toàn diện.

Nguyên tắc mà Thạc sĩ Trần Thị Ái Liên đưa ra là hình phạt con không được đau, không sợ hãi, không khó chịu. Chị đề xuất hai cách phạt. Thứ nhất là Góc bình yên, thường dành cho trẻ là từ 3-10 tuổi. Đó là một nơi yên tĩnh trong nhà, nằm trong tầm mắt của cha mẹ để tránh cho con nguy hiểm nhưng cũng không tạo cho con cảm giác bị bỏ rơi. Khi trẻ phạm lỗi, hãy yêu cầu trẻ ra Góc bình yên ngồi suy nghĩ. Trẻ cứ 1 tuổi thì ngồi 1 phút. Nếu ngồi mà trẻ la hét, không hợp tác thì có thể tăng dần lên tối đa 15 phút. Sau khi ngồi mà trẻ vẫn tái phạm thì để trẻ quay lại Góc bình yên lần 2, 3 và có thể ngồi tối đa 20 lần/ngày.

Cách thứ hai là dùng Bảng điểm để theo dõi sự tuân thủ “luật pháp” của cả gia đình. Trên đó kẻ các cột cho cha, mẹ, con… Ai làm tốt được điểm cộng, sai bị trừ. Cuối tuần, cộng điểm và khen thưởng theo nhu cầu của từng người. 

Khen cũng phải có nghệ thuật

Bên cạnh đó là nghệ thuật khen chê. Phải moi móc mà khen, khen cả những việc làm, hành động nhỏ nhất. Nhưng khi chê cần cẩn trọng để không làm tổn thương trẻ. Chủ ngữ không bao giờ là “con”. Phải cho con hiểu: con luôn tốt, chỉ hành động là xấu. Đánh thì dễ chứ khen hay chê để con tiến bộ cũng phải có nghệ thuật. Khoa học đã chứng minh, được thưởng về tinh thần hiệu quả hơn thưởng về vật chất rất nhiều. Cha mẹ nên cố gắng nhìn vào những tiểu tiết nhỏ nhất của con để khen. Chẳng  hạn, con không phạm lỗi cũng được khen. Con đi học đúng giờ-tưởng chừng đương nhiên-nhưng cũng khen động viên. Nhiều cha mẹ khen nhiều sợ con tự mãn nên cố “cài cắm” vài lời chê để nhắc nhở con. Làm vậy là phản tác dụng. Có mẹ khen: “Chà, hôm nay con dậy sớm vậy. Bình thường dậy muộn lắm cơ mà”. Nghe xong, trẻ thấy ấm ức, không muốn cố gắng nữa. 

 Tương tự, khi chê cũng không nên làm con tổn thương. Hãy giúp con nghĩ rằng con luôn tốt, chỉ có hành vi của con là xấu thôi. Cha mẹ hãy hỏi tại sao con làm như vậy, con muốn gì và bài học rút ra là gì. Con nói: “Con ném bút vì con thấy vui”. Cha mẹ hãy giải thích: “Con có quyền tìm niềm vui nhưng bài học rút ra là không tìm vui bằng cách hại mình hoặc người khác (quăng bút sẽ làm bút của con bị hỏng…)”. 

 Một thí dụ mà nhà ai cũng dễ gặp, khi trẻ đang xem tivi, đã đến giờ đi tắm, đi ngủ hoặc phải làm bài... giục trẻ không được, nhiều vị phụ huynh dùng “quân sự nghiêm khắc” xông vào tắt tivi cái rụp. Làm thế sao con không bức xúc! Có công thức năm bước như sau, đầu tiên, hỏi con bằng câu hỏi mở (đừng nói: “Con ơi, đến giờ tắm rồi”, có vẻ vẫn ra lệnh. Cũng đừng hỏi: “Con ơi, đi tắm chưa?”, vì chắc chắn trẻ sẽ trả lời là “chưa”). Hỏi câu hỏi mở: “Sắp tới giờ làm gì hả con?”, trẻ trả lời “tắm”. Cũng có bé trì hoãn, nói chuyện khác, hãy bảo trẻ xem thời khóa biểu sinh hoạt, trẻ sẽ thấy mình nói không đúng. Tiếp theo: “Năm phút nữa tắt tivi con nhé”. Tiếp: “Một phút nữa thôi là tắt nhé”. Rồi bước tiếp: “Tắt nhé”. Bước thứ năm: “Mai xem tiếp”.  Với mỗi tình huống Thạc sĩ Ái Liên đều đưa ra những cách giải quyết tốt nhất mà cha mẹ không cần phải dùng đến bạo lực. Hội thảo kết thúc với sự hài lòng của những người tham gia, nhiều phụ huynh có mặt tại hội thảo rất tin tưởng vào sự thành công của phương pháp “kỷ luật không nước mắt”.