Kiều bào kết nối nông sản Việt với chuỗi giá trị toàn cầu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Dù ở xa quê hương, mỗi người mang trong mình dòng máu “con Lạc cháu Hồng” đã và đang trở thành cầu nối quan trọng giới thiệu với bạn bè thế giới các sản phẩm nông sản của Việt Nam cũng như đưa đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này trong nước.
Kiều bào giới thiệu nông sản Việt Nam - quả vải tươi tại một siêu thị ở Australia

Kiều bào giới thiệu nông sản Việt Nam - quả vải tươi tại một siêu thị ở Australia

Tiềm năng, thế mạnh lớn của nông sản Việt

“Hai mươi mấy năm sau, hành trình đi ra thế giới của tôi là hành trình trở về nguồn cội, trở về nuôi dưỡng hạt giống tâm hồn. Đi để học cách yêu thương con người. Đi để biết cái tôi khổng lồ không là gì trong sự hiện hữu của vũ trụ. Đi để hiểu khái niệm vô cùng tương đối của được và mất. Đi chỉ để tìm lại chính mình…”, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan mở đầu phần phát biểu bằng đoạn trích trong tác phẩm “Quảy gánh băng đồng ra thế giới” của tác giả Nguyễn Phi Vân, một Việt kiều tại Australia, khi chủ trì Diễn đàn “Kết nối Doanh nghiệp kiều bào, Thúc đẩy Thương mại và Đầu tư ngành Nông nghiệp” do Bộ NN&PTNT và Bộ Ngoại giao tổ chức tối 14-2 ở Hà Nội. Vị tư lệnh ngành Nông nghiệp nước nhà xúc động chia sẻ: “Tình yêu nước đơn giản lắm. Việc bà con kiều bào đem ý tưởng từ những nước tinh hoa, những nước đã có nền nông nghiệp hiện đại về Việt Nam, cho dù chỉ là một sáng kiến nhỏ, cũng thể hiện lòng yêu nước rồi”.

“Kết nối Doanh nghiệp kiều bào, Thúc đẩy Thương mại và Đầu tư ngành Nông nghiệp” là diễn đàn đầu tiên của ngành Nông nghiệp với đội ngũ kiều bào đang đầu tư trong và ngoài nước. Diễn đàn có sự tham gia của trên 300 kiều bào đang làm ăn, sinh sống, đầu tư trong và ngoài nước thuộc nhiều lĩnh vực cùng hàng trăm doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn nhằm tri ân sự hỗ trợ và đồng hành của bà con kiều bào với ngành Nông nghiệp trong thời gian qua, đồng thời mong bà con kiều bào tiếp tục làm cầu nối đưa nông sản Việt vươn cao, vươn xa trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Là một quốc gia có khoảng 70% dân số sinh sống ở nông thôn, miền núi và có đất nông nghiệp chiếm khoảng 80,4% tổng diện tích, nông nghiệp là ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam, đóng góp 24% GDP và sử dụng hơn 47% lực lượng lao động của quốc gia. Năm 2021, dù chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 nhưng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt kết quả cao kỷ lục 48,6 tỷ USD so với chỉ 4,2 tỷ USD năm 2000. Việt Nam hiện có 6 nhóm mặt hàng đạt trên 3 tỷ USD và 10 mặt hàng nông lâm thủy sản có kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD.

Hàng hóa, nông lâm thủy sản của Việt Nam đã xuất khẩu đi trên 180 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản luôn đạt xuất siêu và ngày càng tăng, kể cả trong những giai đoạn khó khăn, góp phần cân đối cán cân thương mại của Việt Nam.

Hiện, Nông nghiệp Việt Nam đang từng bước chuyển mình theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Ngành Nông nghiệp tập trung phát triển các chuỗi giá trị nông sản, mà trong đó các doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm để kết nối các hộ nông dân nhỏ, hợp tác xã với chuỗi giá trị toàn cầu.

Cầu nối đưa nông sản Việt vươn cao, vươn xa

Dù vậy, giá trị sản lượng cũng như xuất khẩu nông nghiệp của Việt Nam hiện được cho vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh. Trong khi đó, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một trong những nguồn lực vô cùng to lớn cho sự phát triển của đất nước. Cộng đồng này bao gồm các doanh nhân, các nhà khoa học... và có tiềm lực rất lớn về vốn, trí tuệ, đặc biệt là kiến thức về khoa học công nghệ và quản trị rất vượt trội. Đây chính là nhân tố xúc tác, cầu nối giữa Việt Nam với thế giới, bao gồm cả nông nghiệp và nông sản.

Theo thống kê, trong gần 30 năm qua, tổng lượng kiều hối đưa về nước khoảng 250 tỷ USD, trong khi đó, tổng nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài - FDI cùng khoảng thời gian tương đương - chỉ khoảng 290 tỷ USD. Như vậy có thể thấy, lượng kiều hối đã lớn như vậy thì nguồn lực đầu tư kinh doanh của kiều bào ta ở nước ngoài còn lớn hơn thế rất nhiều. Nếu tìm cách khơi dậy được dòng vốn này, cộng với trình độ khoa học công nghệ, trình độ quản trị và mạng lưới tiếp thị của cộng đồng kiều bào ở 190 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới sẽ tạo ra động lực to lớn cho sự phát triển của đất nước, có thể không thua kém so với đầu tư FDI.

Thống kê của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cho biết, hiện có trên 5 triệu Việt kiều sinh sống và làm việc tại 190 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đến nay, đã có khoảng 3.500 dự án, doanh nghiệp do kiều bào thành lập hoặc góp vốn tại Việt Nam với với tổng số vốn đăng ký khoảng 11 tỷ USD, trong đó có rất nhiều dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.

Nông nghiệp được xác định là một trong những lĩnh vực có năng lực cạnh tranh cao và bền vững nhất của nền kinh tế Việt Nam, vì nước ta nằm ở vị trí địa chính trị, địa kinh tế hết sức thuận lợi. Ít có đất nước nào có cả khí hậu nhiệt đới, ôn đới, cận nhiệt đới như nước ta với nhiều tiểu vùng khí hậu, thổ nhưỡng khác nhau, tạo nên cơ cấu nông nghiệp hết sức đa dạng, tạo ra đặc sản vùng miền độc đáo.

Trong khi đó, hiện nay thế giới đang có nhu cầu rất lớn đối với các sản phẩm nông nghiệp, lương thực vừa sạch, được sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, các đặc sản chất lượng cao. Nếu chúng ta phát huy được một cơ cấu kinh tế như vậy thì sẽ là nguồn lực rất lớn cho sự phát triển kinh tế.

Hiện nay, nhiều người Việt ở nước ngoài đã thành công trong lĩnh vực nông nghiệp, chế biến và thương mại nông sản. Kiều bào đã phát triển các hệ thống phân phối khá rộng. Vì thế, nếu huy động được kiều bào đầu tư vào nông nghiệp không chỉ có lợi cho đất nước mà còn cho chính bản thân kiều bào ta.

“Từ những trung tâm thương mại lớn của người Việt ở nước ngoài như Incentra ở Moscow, Đồng Xuân ở Berlin, Sapa ở CH Czech, ASEAN Garden Mall tại Mỹ, Thanh Bình Jeune tại Pháp, chợ Bến Thành tại Australia đến những cửa hàng, siêu thị, quán ăn, quán cà phê… dù nhỏ hay to của kiều bào ở nước ngoài đều thể hiện tâm của người Việt đưa sản phẩm đi khắp bốn phương”, lãnh đạo Bộ NN&PTNT gửi gắm. Đồng thời, mong kiều bào tiếp tục làm cầu nối đưa nông sản Việt vươn cao, vươn xa trong chuỗi giá trị toàn cầu, đặc biệt là giúp thúc đẩy kết nối sản phẩm OCOP theo Chương trình quốc gia “Mỗi làng một sản phẩm của Việt Nam” bởi đây là sản phẩm có tiềm năng, có chất lượng và mang đậm nét văn hóa bản sắc của vùng miền nông thôn Việt Nam.