Vì sao nông sản ùn tắc ở cửa khẩu xuất sang Trung Quốc?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Chính sách Zero- Covid của Trung Quốc khiến việc thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu trở nên khó khăn là nguyên nhân trực tiếp khiến hàng hóa ùn tắc ở cửa khẩu thời gian dài. Song căn nguyên của vấn đề nằm ở chỗ, các doanh nghiệp Việt Nam quá phụ thuộc vào thị trường này.
Lạng Sơn tạm ngừng tiếp nhận xe chở hoa quả xuất khẩu từ ngày mai (16-2)

Lạng Sơn tạm ngừng tiếp nhận xe chở hoa quả xuất khẩu từ ngày mai (16-2)

Theo đại diện một doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, dù rủi ro xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc rất cao nhưng đây vẫn là thị trường mục tiêu của rất nhiều doanh nghiệp. Bởi lẽ “nông sản là mặt hàng tiêu dùng hàng ngày, Trung Quốc có 1,4 tỷ dân nên thị trường này là là niềm mơ ước của rất nhiều nước xuất khẩu nông sản.

Việt Nam có thế mạnh về nhiều loại nông sản, vừa phong phú về chủng loại, vừa dồi dào về số lượng, lại có lợi thế ở ngay gần Trung Quốc nên doanh nghiệp khó có thể từ bỏ cơ hội này.

Trên thực tế, không chỉ xuất khẩu theo đường tiểu ngạch mà ngay cả chính ngạch, Trung Quốc vẫn là mội trong những đối tác xuất nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam trong những năm qua. Do đó, dễ hiểu vì sao cứ “đến hẹn lại lên”, nông sản Việt Nam lại ùn tắc ở biên giới, bị đổ bỏ hoặc ép giá. Từ giữa năm 2021 đến nay, do dịch bệnh diễn biến phức tạp, Trung Quốc lại theo đuổi chính sách Zero- Covid nên tình trạng này càng trầm trọng.

Theo thống kê của Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn, tính đến sáng ngày 13-2, tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, phía xuất khẩu còn 960 xe chờ làm thủ tục; cửa khẩu song phương Chi Ma còn 3 xe và cửa khẩu phụ Tân Thanh còn 852 xe chơ xuất khẩu. Như vậy, tổng số xe hàng chờ xuất khẩu tại khu vực tỉnh Lạng Sơn là 1.815 xe, trong đó chủ yếu là xe chở mặt hàng hoa quả.

Do tỉnh Lạng Sơn đã thông báo đến các địa phương về việc tạm dừng tiếp nhận xe hàng chở hoa quả xuất khẩu từ ngày 16-2 để giảm ùn tắc ở khu vực cửa khẩu nên số lượng xe chờ thông quan hàng hóa bắt đầu có dấu hiệu giảm trong 2 ngày qua. Tuy vậy, thời gian để thông quan hết số xe hàng hiện tại cũng phải nhiều hơn 1 tuần.

Tại sao hàng hóa liên tục tắc nghẽn ở cửa khẩu đường bộ mà các doanh nghiệp, nhà vườn vẫn tiếp tục sử dụng phương thức vận tải này?

Theo một chuyên gia về xuất nhập khẩu, vận tải đường bộ vốn được coi là phương thức vận tải linh hoạt, cơ động. Hàng hóa, trái cây chỉ cần đưa lên xe là có thể chạy một mạch đến biên giới mà không phải chuyển tải, sang mạn. Nếu thuận lợi, xe đó lại nhanh chóng quay về nội địa. Trong khi đó, cửa khẩu đường bộ có năng lực giới hạn, chưa đến thời vụ đã có thể ách tắc vì nhiều hàng hóa đều khai thác đường vận chuyển này.

Thời gian qua, để hạn chế rủi ro do vận chuyển bằng đường bộ, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã từng bước chuyển sang đi đường biển.

Theo thống kê mới đây, tháng 11-2021, có khoảng 1.400 container lạnh đi từ TP HCM sang Trung Quốc thì sang tháng 12-2021 đã có 4.100 container, cho thấy có sự dịch chuyển lớn về xuất khẩu nông sản bằng đường biển thời gian qua.

Tuy nhiên, xuất khẩu sang Trung Quốc bằng đường biển vẫn còn nhiều bất cập, do năng lực vận tải đường biển cũng chưa đáp ứng được, thiếu sự chuyên nghiệp, chi phí cao…

Do đó, để xuất khẩu bền vững, các chuyên gia cho rằng cần nâng cao chất lượng nông sản, đáp ứng yêu cầu của các thị trường khắt khe, giảm phụ thuộc vào một thị trường.

Với Trung Quốc, các doanh nghiệp cũng cần nâng cao chất lượng hàng hóa để tăng cường xuất khẩu chính ngạch vào thị trường này.