Những trang sử vẻ vang của Công an Thủ đô Anh hùng
Kiên cường chống chiến tranh phá hoại
>> Kỳ 3: Cùng toàn dân kháng chiến
>> Kỳ 4: Bảo vệ Thủ đô sau giải phóng
(ANTĐ) - Tháng 8-1964, đế quốc Mỹ gây ra sự kiện vịnh Bắc bộ rồi leo thang bắn phá miền Bắc. Dưới sự chỉ đạo của Bộ Công an và Thành ủy Hà Nội, Tỉnh ủy Hà Đông, Sơn Tây, Công an Hà Nội và Công an 2 tỉnh Hà Đông, Sơn Tây nhanh chóng chuyển công tác từ thời bình sang thời chiến.
Để đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, Sở Công an Hà Nội giao việc cụ thể cho các phòng ban: thành lập một trường sơ cấp để huấn luyện các lực lượng cảnh sát, công an vũ trang, đào tạo các chiến sỹ mới tuyển dụng, bồi dưỡng nghiệp vụ cho công an xã, cán bộ giao thông liên lạc, điện đài được củng cố để phục vụ cho công tác chỉ huy chiến đấu. Sự chuyển hướng kịp thời này đã tạo nên thế chủ động và sức mạnh mới của Công an Hà Nội trong suốt thời kỳ chiến tranh phá hoại xảy ra.
Năm 1965, Đảng bộ Hà Nội xác định công tác sơ tán đảm bảo an toàn cho nhân dân là nhiệm vụ hàng đầu của Thủ đô. Công an Hà Nội tích cực tổ chức đưa nhân dân đi sơ tán, giúp đào hầm trú ẩn đối với những người ở lại, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân, hướng dẫn lực lượng dân phòng trong công tác phòng cháy, chữa cháy… góp phần hạn chế đáng kể thiệt hại về người và tài sản khi địch đánh vào Hà Nội. Ngày 29-6-1966, lực lượng chữa cháy của Công an Hà Nội đã dũng cảm kiên cường tham gia chữa cháy Tổng kho xăng Đức Giang bị bom Mỹ đánh trúng, cứu được 12 bồn xăng lớn, hàng ngàn phuy gồm 23 triệu lít xăng trong tổng số 25 triệu lít. Bác Hồ đã gửi Thư khen thành tích xuất sắc này.
Năm 1972, đế quốc Mỹ tập kích chiến lược bằng bom B52 ồ ạt vào Hà Nội. Ngoài việc tổ chức cho nhân dân đi sơ tán và mở đợt công tác trấn áp những phần tử gây nguy hiểm cho trật tự an ninh, Công an Hà Nội làm việc trong tọa độ bom B52 của Mỹ để đảm bảo cho giao thông thông suốt trên tuyến đường trọng điểm, khẩn trương giải quyết hậu quả của bom Mỹ đánh phá. Trong 12 ngày đêm "Điện Biên Phủ trên không", lực lượng Công an Hà Nội cùng với lực lượng bảo vệ, dân phòng, công an xã, dân quân tự vệ tham gia công tác báo động, phòng cháy chữa cháy, đảm bảo giao thông vận tải, cứu thương… Từ trong khói lửa đã xuất hiện những gương quên mình vì dân như Trung sĩ Nguyễn Văn Uân, cảnh sát khu vực Mai Hương (Đồn số 23).
(Còn nữa)
T.K
(Theo “Những trang sử vẻ vang của Công an Thủ đô Anh hùng” và “Những cá nhân, tập thể Anh hùng trong lực lượng CAND”)