Kì bí "thị vợ, thị chồng" và ngôi đến Bạch Mã linh thiêng

ANTĐ - Người dân bản Bạch Sơn, xã Cam Lâm, Con Cuông, Nghệ An vẫn truyền nhau những câu chuyện kỳ bí về hai cây thị cổ được gọi là “thị vợ”, “thị chồng” ở đây.
Kì bí "thị vợ, thị chồng" và ngôi đến Bạch Mã linh thiêng ảnh 1
“Thị chồng”, “thị vợ” là thần hộ mệnh của bà con dân tộc nơi đây

Được coi là bảo vật trấn giữ cho cả bản, hai cây thị già hiên ngang tồn tại hàng ngàn năm nay, gắn liền với hai cây thị này là ngôi đền Bạch Mã linh thiêng. Trải qua nhiều biến cố của lịch sử, giờ đây ngôi đền Bach Mã không còn tuy nhiên hai cây thị thì vẫn sừng sững hiên ngang như là nhân chứng lịch sử cho mảnh đất và con người nơi đây. 

Huyền thoại ngôi đền Bạch Mã linh thiêng

Đến bản Bạch Sơn, xã Cam Lâm, huyện Con Cuông nằm biệt lập giữa đại ngàn heo hút của miền Tây xứ Nghệ. Giờ đây, tuy điều kiện kinh tế đã khá hơn nhưng con đường vào với bản Bạch Sơn (còn có tên là Bạch Mã) phải trèo đèo, lội suối theo đúng nghĩa của miền núi. Bởi sau khi vượt qua con suối Xì Vàng, và đi bộ hơn 5 km đường rừng nữa mới vào được bản. Theo lời kể của các cụ cao niên trong bản thì cái tên bản Bạch Mã bắt đầu từ thở mới khai sinh thành lập bản, ngày đó, bản chỉ có 5 gia đình nên chưa có tên tuổi gì. Sống biệt lập giữa núi rừng hoang vu, thế nên năm hộ gia đình đó luôn bị thú rừng quấy phá. Vào một ngày nọ, có một con ngựa trắng bay về giúp dân bản đánh đuổi thú rừng. Sau khi giúp người dân xong, ngựa trắng bay đi và không một lần trở lại, để tưởng nhớ công ơn của ngựa trắng, các bô lão trong bản ngày ấy đã đặt tên bản là “Bạch Mã” tiếng địa phương còn gọi là Pả Mạ.

Bên cạnh lấy tên bản là Bạch Mã tức là ngựa trắng, dân làng còn lập đền ngay giữa bản để thờ phụng ngựa trắng như một vị thần linh. Kể từ đó, thú rừng cũng ít đến quấy nhiễu và phá mùa màng của người dân, hàng năm vào dịp đầu năm và cuối năm bà con lại mang lễ vật đến đây để làm lễ dâng lên ngài. Từ đó, bản Bạch Mã có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Cụ Lô Đình Niên (76 tuổi) già làng của bản Bạch Sơn nhớ lại: “Ngày đó, ngồi đền Bạch Mã linh lắm, đồng bào dân tộc nơi đây 100% là người dân tộc Thái nên họ rất tin vào chuyện thân linh. Hàng năm, có rất nhiều người đến thắp hương và dâng lễ vật để cầu cho một năm được mùa, làng bản được ấm no, hạnh phúc”. Bên cạnh những sự tích về đền Bạch Mã còn được bà con nơi đây lưu truyền còn có thêm sự tích ruộng ba chân bên cạnh ngôi đền thiêng này.

Ông Lương Văn Hoàn, người dân trong bàn kể lại câu chuyện: một hôm có người đàn ông vào trộm đồ của bà con dân bản, thế nhưng khi vừa mang nhưng đồ lấy trộm đó đi đến cuối bản thì bỗng dưng bị chảy máu mũi. Kẻ trộm đã phải mang trả lại hết đồ lấy trộm cho bà con và làm lễ tạ thì ngài mới tha cho. Kể từ khi có câu chuyện dó, người dân bản bạch Sơn không còn lo bị mất trộm nữa mà cũng chẳng có kẻ trộm nào to gan muốn qua mắt thần. Người dân trong bản, ai cũng tin vào sự linh thiêng của đền Bạch Mã nhưng có biến cố xảy ra, năm 1983, một trận dịch kiết lỵ lấy đi mạng sống của 78 người dân trong bản. Trước bệnh dịch hoành hành, người dân làm lễ cầu xin ngài ở đền Bạch Mã nhưng không được, người dân trong bản quay lại đổ lỗi cho ngồi đền. Từ đó, người dân nghĩ ngôi đền mất thiêng nên không thờ cúng nữa, ngôi đền bị bỏ hoang và bị phá bỏ một thời gian sau đó. Dấu tích còn lại của ngôi đền là một mô đất bằng phẳng nằm gần hai cây thị đại thụ. Trước thì hai cây thị nằm ở đầu bản và được coi như cửa để vào ngôi đền.

Năm 1995, một phần do tâm lý ở gần ngôi đền sẽ gặp điều không hay và giao thông đi vào bản khó khăn nên bà con chuyển đến cách xa bản cũ chừng 1km để sống. Nhưng vẫn còn nhiều hộ gia đình bám bản cũ, họ không muốn rời mảnh đất cha ông và hai cây thị đại thụ được coi là thần hộ mệnh của bản và được gọi là “thị vợ”, “thị chồng”.

Kỳ bí “thị vợ”, “thị chồng” 

Gốc cây thị cổ thụ

Gọi hai cây thị cổ là “thị chồng”, “thị vợ” là do một cây cao hơn được gọi là thị chồng, với cây thị này năm nào cũng cho rất nhiều quả, điều đặc biệt là quả của cây này rất tròn dài và có hạt. Còn cây thấp hơn được gọi là thị vợ và cây thị này cũng đặc biệt bởi dù cũng cho rất nhiều quả nhưng quả của cây này lại dẹt và không có hạt. Không ai rõ là hai cây thị này tồn tại từ bao giờ nhưng những bậc cao niên trong làng thì hai cây thị này có từ lâu lắm rồi.

Ông Lang Văn Trường, trưởng bản Bạch Sơn cho biết: “Từ thở bé, chúng tôi đã chơi trốn tìm trong những hốc cây của hai cây thị đó rồi. Ngày nay, dân bản coi hai cây thị này là bảo vật nên ra sức bảo vệ nó”. Thân hai cây thị xu xù, còn những đụn rễ thì nở ra với những hình thù kỳ quái. Mặc dầu vậy, các cành con, cành cháu vẫn mọc xanh tươi và vươn cao bao trùm lấy cả một vùng. Từng thớ thịt, đụn rễ cắm sâu vào lòng đất như hút những tinh tuý của đất trời khiến người xem chẳng muốn rời. Người ta đồn rằng, hai cây thị nằm bên đền Bạch Mã thiêng lắm! Trải qua hàng trăm năm, mưa gió, lũ rừng cày xéo vậy mà chằng hề gì, hàng năm vẫn đơm hoa kết trái và cho rất nhiều quả. Rồi những đêm trăng rằm, người ta thường nghe tiếng cục… cục… cục giống như là tiếng gà quanh hai gốc thị. Bởi vậy, vào ban đêm người trong bản cũng ít qua lại nơi đây.

Ông Trường cho biết thêm, hai cây thị là những gì còn sót lại của cha ông gìn giữ cho người con của bản Bạch Sơn. Vì vậy, hai cây thị cổ đã trở thành báu vật của bản, giữa đại ngàn heo hút, che chở, gìn giữ bình yên cho bản. Với hai cây thị này, nó đã để lại ấn tượng sâu sắc cho mỗi người khi đặt chân lên chốn rẻo cao nơi mảnh đất miền Tây xứ Nghệ. Dù được người dân trong bản Bạch Sơn coi như báu vật nhưng “thị vợ”, “thị chồng” vẫn rất cần sự chung tay bảo vệ của mọi người bơi đây là nhân chứng của những biến cố và đổi thay của mảnh đất và con người nơi đây.