Khuyến cáo các trường hợp bị lừa bán ra nước ngoài

ANTĐ - “Hoặc là gửi đơn trình báo đến Cục CSHS - Bộ Công an, hoặc thông qua công an tỉnh, thành phố để có văn bản gửi đến Văn phòng Interpol Việt Nam, từ đó đề nghị công an nước bạn hoặc Tổ chức Interpol quốc tế có biện pháp phối hợp giải cứu trong trường hợp biết tin người bị lừa bán ra nước ngoài”, chỉ huy phòng Phòng chống tội phạm buôn người - Cục CSHS Bộ Công an cho biết.

3 đối tượng buôn người trong vụ phá “động” mại dâm ở tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc

Liên quan đến vụ nữ sinh Nguyễn Thị Thịnh, nhà ở Sơn Tây, Hà Nội đột nhiên mất tích, sau đó gọi điện thoại về cho người nhà, thông báo đang bán hàng ở Trung Quốc và không thể về nhà vì không có tiền, câu hỏi đặt ra là: “Nên làm gì trong tình huống như vậy?”. 

Theo nhận định của một cán bộ điều tra, không loại trừ khả năng, em Thịnh bị kẻ xấu khống chế không cho nói rõ nguyên nhân nữ sinh này không thể trở về Việt Nam. Bởi nếu đang bán hàng và không có tiền, nữ sinh này có thể tìm đến cơ quan chức năng nước sở tại, yêu cầu sự giúp đỡ. Nhận định này hoàn toàn có cơ sở, bởi trong những lần em Thịnh gọi điện thoại về nhà, bố mẹ  đều khuyên em quay trở về, nhưng Thịnh chỉ khóc và nói rằng do chưa có tiền và đang làm nghề bán quần áo thuê. Thịnh cũng thông báo với người nhà, việc liên lạc với em chỉ thực hiện được sau 5h chiều, và phải qua một người khác. Từ số điện thoại mà Thịnh gọi về, PV Báo ANTĐ đã liên hệ ngược lại. Đầu dây bên kia là giọng một phụ nữ. Người này trả lời ngắn gọn, Thịnh đang đi làm và không thể nói chuyện.

Lực lượng chức năng Việt Nam tiếp nhận nạn nhân bị lừa bán sang Trung Quốc

Chiều 16-7, PV ANTĐ đã trao đổi với Đại tá Phạm Văn Sỹ - Trưởng phòng Phòng chống tội phạm buôn người (Phòng 6) - Cục CSHS, nêu câu hỏi về hướng giải quyết trong những tình huống cụ thể như trên. Đại tá Sỹ cho biết, trong trường hợp nắm rõ địa chỉ nơi ở của người thân nơi đất khách, hoặc biết thông tin về những đối tượng liên quan, người dân có thể báo tin trực tiếp đến Cục CSHS, để cơ quan công an phối hợp với cơ quan tố tụng nước bạn tổ chức xác minh, bắt giữ. Trường hợp không có thông tin cụ thể, người dân có thể trình báo đến công an tỉnh, thành phố nơi cư trú, để từ đó có công văn gửi Văn phòng Interpol Việt Nam, đề nghị sự vào cuộc của Tổ chức Interpol quốc tế. “Thông tin càng sớm, càng chính xác, cụ thể, thì cơ hội được giải cứu - trong trường hợp bị đối tượng xấu khống chế - càng nhiều”, Đại tá Sỹ khẳng định.

Nhiều năm qua, công tác phối hợp giữa Công an Việt Nam với công an các nước trong khu vực Đông Nam Á hay Trung Quốc… để phá các đường dây buôn người, giải cứu nạn nhân bị đối tượng xấu lừa bán khá hiệu quả. Chỉ huy Phòng 6 - Cục CSHS cho biết, khoảng trung tuần tháng 5, Cục CSHS nhận được thông tin tố giác về động mại dâm lớn ở tỉnh Quảng Tây, trong đó có nhiều cô gái Việt Nam bị lừa bán sang và bị ép phải tiếp khách. “Động” mại dâm này trá hình là quán “tẩm quất thư giãn”.

Thông tin chính xác về địa chỉ động mại dâm cùng những đối tượng chủ chứa, bảo kê và đối tượng lừa các cô gái trẻ từ Việt Nam sang đã được Cục CSHS Việt Nam trao đổi chi tiết với Tổng đội trinh sát Công an tỉnh Quảng Tây. Từ thông tin đó, Công an Quảng Tây đã chỉ đạo Công an thành phố Nam Ninh, nơi động mại dâm “đóng đô”, xây dựng phương án bóc gỡ. Chừng 1 tháng sau đó, động mại dâm bị triệt phá. 11 cô gái - nạn nhân các vụ buôn người - được giải cứu. Đáng chú ý, 3 đối tượng buôn người, đúng theo thông tin Công an Việt Nam cung cấp, đã bị Công an tỉnh Quảng Tây bắt giữ. Từ 22-6 đến 15-7, toàn bộ nạn nhân, đối tượng trong đường dây buôn người và động mại dâm hoạt động tại thành phố Nam Ninh đã được bàn giao về cơ quan pháp luật Việt Nam để đấu tranh, khai thác.