Khủng hoảng khí đốt EU: Mỹ khiến châu Âu ‘thủng túi một lần nữa’

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Khủng hoảng khí đốt EU sẽ khiến người tiêu dùng châu Âu bị “thủng túi một lần nữa”, khi các nước phải đầu tư thêm vào cơ sở hạ tầng tiếp nhận - tái chế LNG Mỹ.

Theo Hãng tin Anh Reuters đưa tin hôm 19/2, sau khi dòng chảy ồ ạt khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Mỹ để bù đắp cho nguồn cung cấp giảm đi từ khí đốt đường ống từ Nga trong bối cảnh nhu cầu năng lượng tăng cao cho mùa đông, châu Âu đang cạn kiệt năng lực xử lý khí đốt.

Châu Âu trở thành thị trường tiêu thụ khí đốt tự nhiên hóa lỏng lớn nhất của Mỹ trong 3 tháng qua, do lo ngại về căng thẳng địa chính trị xung quanh Ukraine khiến EU phải tìm kiếm các giải pháp thay thế cho khí đốt của Nga, vì lo sợ Moscow cắt nguồn cung khí đốt, mặc dù Điện Kremlin đã nhiều lần nói rằng họ đã không có kế hoạch như vậy.

Cùng với đó, Mỹ và một số đồng minh ở châu Âu như Ba Lan, Ukraine…, đã cương quyết chặn dự án đường ống “Dòng chảy phương Bắc-2” (Nord Stream 2) từ Nga sang Đức, khiến dòng khí cực lớn có công suất tới 55 tỷ m3 hàng năm không thể chảy sang giải cơn khát năng lượng cho châu Âu, buộc các nước EU phải phụ thuộc sâu vào nguồn cung khí tự nhiên hóa lỏng Mỹ.

Khủng hoảng khí đốt châu Âu đã giúp Mỹ kiếm được lợi nhuận lớn từ LNG

Khủng hoảng khí đốt châu Âu đã giúp Mỹ kiếm được lợi nhuận lớn từ LNG

Do lượng LNG xuất sang châu Âu tăng, Mỹ cũng đã vượt qua Qatar để trở thành nhà xuất khẩu mặt hàng này lớn nhất thế giới vào đầu năm nay. Vào tháng 1-2022, châu Âu đã tiếp nhận hơn 16 tỷ mét khối khí đốt tự nhiên hóa lỏng của Mỹ, và các lô hàng trong tháng này cũng dự kiến ​​sẽ tiếp tục tăng cao, với hơn 6 tỷ mét khối được vận chuyển kể từ đầu tháng 2.

Hiện tại, ước tính khoảng 2/3 lượng hàng hóa LNG của Mỹ dự kiến ​​sẽ được chuyển đến các điểm đến ở châu Âu. Tuy nhiên, kho lưu trữ có hạn của châu Âu đang đầy lên, điều đó có nghĩa là các chuyến tàu chở khí tự nhiên hóa lỏng từ Hoa Kỳ có thể bắt đầu giảm.

Liên minh châu Âu có giới hạn công suất các bến nhập khẩu LNG, nơi dòng khí đốt siêu làm lạnh thành dạng lỏng được các trạm chế xuất tái chuyển hóa thành dạng khí, trước khi được đưa đi dọc theo các tuyến đường ống đến các điểm đến cuối cùng ở châu Âu.

Tây Ban Nha và Pháp có năng lực nhập khẩu lớn nhất ở EU, trong đó Anh đứng thứ hai ở châu Âu với 50 tỷ mét khối công suất lưu trữ-tái chế hàng nhập khẩu LNG hàng năm; trong khi đó, Đức - thị trường khí đốt lớn nhất ở châu Âu, lại không có thiết bị đầu cuối nhập khẩu LNG nên chuyên mua khí đốt đường ống của Nga.

Nhà phân tích cấp cao Kaushal Ramesh của Rystad Energy nói với Reuters rằng, trong tình hình này, một số chuyến hàng LNG có thể bị ép chuyển hướng sang một số quốc gia khác, nhưng không đáng kể và khối lượng lớn LNG sẽ vẫn đổ về châu Âu, bởi nhu cầu của EU vẫn còn cao.

Ông Ramesh chỉ ra, trong bối cảnh “không được phép” mua khí đốt đường ống của Nga, châu Âu sẽ bị ép phải tiếp tục mua LNG và điều này sẽ đòi hỏi phải có cơ chế hậu cần bổ sung như xây dựng kho, bãi, các trạm tái chế khí. Trong bối cảnh giá khí đốt châu Âu đang tăng cực cao, điều này sẽ “làm thủng túi người mua ở châu Âu một lần nữa”.