Phân luồng giáo dục:

Không thể dùng mệnh lệnh hành chính áp đặt

ANTĐ - Sau những ý kiến về đề án cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân thiếu tính phân luồng, lãnh đạo Bộ GD-ĐT giải thích, cơ cấu hệ thống giáo dục chỉ đóng góp một phần vào quá trình này. Việc hành chính hóa, đặt ra tỷ lệ bắt buộc học sinh theo hướng học nghề hay theo hướng học thuật cũng không thể thực hiện mà phải điều tiết theo cơ chế thị trường cùng điều kiện kinh tế,  xã hội…

Tâm lý coi nhẹ học nghề, coi trọng bằng cấp vẫn nặng nề (Ảnh minh họa)

Hệ thống dạy nghề chưa sẵn sàng

Một  trong  những  vấn  đề thực tế được ông Hoàng Ngọc Vinh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp - Bộ GD-ĐT đặt ra đối với vấn đề phân luồng từ bậc phổ thông chính là điều kiện hạ tầng của các cơ sở đào tạo nghề. Giáo dục nghề nghiệp chi phí trên đầu học sinh học nghề  thường cao hơn từ  2-4  lần  so  với  chi  phí  cho một học sinh THPT.

Nguyên nhân một phần từ hạn chế về ngân sách ở Trung ương và địa phương nên những năm qua, xu hướng mở rộng các trường THPT đã tăng lên rất nhiều để đáp ứng nhu cầu  học  của người dân. “Chúng  ta muốn  làm  như các nước tiên tiến nhưng chịu ràng buộc  ở  điều kiện  tài chính cho giáo dục. Lấy ví dụ ở 27 quốc gia  thuộc Liên minh châu  Âu,  chi  phí  trung  bình một  năm  cho một người học nghề ban đầu năm 2006 lên đến 6.985 EUR. Đến năm 2009 con số này  là 8.098 EUR, liệu chúng ta có thể theo được các quốc  gia  đó  không  với  điều kiện  tài  chính cho giáo dục như  hiện  nay?”  -  ông Hoàng Ngọc Vinh  đặt vấn đề. 

Việc đầu tư xây dựng trường nghề đang gặp khó khăn từ hạn chế ngân sách. Phương án  khắc phục sớm nhất, theo ông Hoàng Ngọc Vinh  là  khuyến khích  xã  hội  hóa  với  sự  vào cuộc  của  doanh  nghiệp,  tư nhân  vào  lĩnh  vực  dạy  nghề. “Các nước châu Âu cũng vậy. Nhà  nước không thể đầu tư quá  lớn vào đào tạo nghề. Công việc này lại thích hợp với mô  hình  doanh  nghiệp  tham gia đào  tạo nhân  lực cho bản thân  họ  với  sự  hỗ  trợ  bằng chính sách của Nhà nước như giảm thuế hay tài trợ kinh phí trên  đầu  học  sinh…”  –  ông Hoàng Ngọc Vinh phân tích.

Bên cạnh đó, nguyên nhân khiến cho việc  định  hướng nghề nghiệp gặp khó khăn và công tác phân luồng chưa hiệu quả chính là  tình  trạng thiếu căn cứ từ dữ liệu phân tích, dự báo chính xác về xu hướng thị trường nhân lực  hiện  tại  và trong  tương  lai. “Một  số chuyên gia  ngân hàng thế giới khuyến cáo các quốc gia đông dân khi chưa dự báo  tốt nhu cầu  thị  trường lao động rằng Chính phủ các nước này nên tập  trung giáo dục phổ  thông có chất lượng để tạo nền tảng cho người lao động tương lai có năng lực học tập suốt đời, dễ đào tạo khi  thị  trường lao động thay đổi”  -  ông  Hoàng Ngọc Vinh nhấn mạnh. 

Thực hiện phân luồng từ sau THCS? 

Phân  luồng  học  sinh  sau THCS  là vấn đề hết  sức quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả giáo  dục  đào  tạo, giúp cho người  học  đi  theo  các  con đường học tập khác nhau. Phân luồng học sinh tốt sẽ giảm thiểu sự  lãng  phí  nguồn  nhân  lực, giảm bớt rủi ro cho những học sinh  có  năng  lực  học  tập  còn hạn chế nhưng cố theo đuổi các chương  trình  THPT  mà  vẫn không  thể  thi  đỗ  tốt  nghiệp THPT. 

Về vấn đề này Thứ  trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết, Đề án hoàn  thiện cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân đã thể hiện rất rõ mục tiêu phân luồng sau THCS. Học sinh có được  nền  tảng  kiến  thức  phổ thông để có thể đi theo các con đường học tập khác nhau. Học sinh  tốt  nghiệp  THCS  có  thể vào học các trường THPT hoặc các trung tâm giáo dục thường xuyên hoặc các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Tuy nhiên, những quan niệm sai lầm như coi nhẹ học nghề, coi trọng bằng cấp, ít quan  tâm  đến  nhu  cầu  thị trường lao động của phụ huynh và học sinh đang cản trở dòng chảy vào giáo dục nghề nghiệp. Bên  cạnh  đó,  nhiều  doanh nghiệp  vẫn  muốn  tuyển  lao động  tốt  nghiệp  THPT  và  tự đào tạo kỹ năng cho họ hơn là tuyển dụng học sinh tốt nghiệp trường  nghề  có  đầu  vào  tốt nghiệp THCS… Theo ông  Hoàng  Ngọc  Vinh, nếu chỉ riêng Bộ GD-ĐT sẽ không làm nổi công tác phân luồng. 

Để  thành  công,  cần nhiều yếu tố thiết yếu khác như điều kiện kinh tế, tài chính đến thay đổi nhận thức của xã hội với học nghề, sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống chính quyền và sự  tham gia của các doanh nghiệp cũng như thực hiện các giải pháp thị trường lao động ở đầu ra cho các trường nghề đặt trong bối cảnh toàn cầu hóa và một thế giới việc làm đầy biến động. Trước ý kiến nên định ra tỷ  lệ  phân  luồng  mang  tính hành chính, áp đặt, ông Hoàng Ngọc Vinh cho  rằng điều này khó  khả  thi. 

“Nhà  nước  cần dùng cơ chế về  tài chính giáo dục để điều tiết các dòng chảy của người học. Bên cạnh đó, chỉ những tác động từ nhu cầu thị trường lao động thực tế mới có thể  điều  chỉnh  được  sự  phân luồng học  sinh” – ông Hoàng Ngọc Vinh phân tích. Lãnh đạo Bộ GD-ĐT khẳng định,  việc  không  thể  dự  báo được nhu cầu chính xác và bản chất thay đổi, biến động của thị trường  lao động khiến cơ cấu hệ thống giáo dục vốn ổn định lại  phải  đáp  ứng  phân  luồng theo  thị  trường  lao động  luôn biến động sẽ không thực hiện được. Cơ cấu hệ thống giáo dục chỉ nên  xem  là  một  trong những  điều  kiện  cần  thiết  để đóng  góp  vào quá  trình  phân luồng.