Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế

Không thể dàn hàng ngang trên mọi lĩnh vực

ANTĐ - Hôm qua, 19-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến vào Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế. Đây là vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm bởi quá trình tái cơ cấu dự báo sẽ tác động rất lớn tới đời sống kinh tế - xã hội.

Khắc phục bệnh “thừa tiền”

Tái cơ cấu nền kinh tế nhằm tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả của sản xuất

Đóng góp ý kiến vào Đề án, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, chưa thấy đánh giá chi phí cần thiết để thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, bao gồm cả chi phí kinh tế, xã hội, thời gian… Ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nhận định, việc tính toán chi phí là hết sức cần thiết, nhất là trong điều kiện nguồn lực của Việt Nam  bị hạn chế, cả về tài chính và nhân lực. Việc tính toán chi phí này sẽ góp phần xác định những nội dung cần ưu tiên thực hiện, tránh dàn trải, lãng phí.

Gợi ý hướng thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lưu ý, Đề án cần có sự đánh giá toàn diện tác động của quá trình tái cơ cấu kinh tế, xã hội, môi trường (có tính đến các yếu tố mới như biến đổi khí hậu, nước biển dâng…). Ông nhắc nhở cơ quan soạn thảo cần hết sức tránh xu hướng quay trở lại với nền kinh tế kế hoạch bao cấp trước đây: “Nhà nước chỉ can thiệp trong  trường hợp hết sức cần thiết bằng những công cụ thị trường, tránh áp đặt bằng hành chính. Không xác định như thế thì không bao giờ tái cơ cấu hiệu quả được”. 

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển đề nghị Đề án nên gom lại hai mục tiêu chính yếu, thay vì để quá nhiều mục tiêu, sẽ rất khó thực hiện. Cụ thể, cần nêu rõ mục tiêu “làm cho nền kinh tế phát triển ổn định, bền vững và hiệu quả ở mức độ cao hơn” và “tạo ra cơ cấu kinh tế hợp lý hướng tới công nghiệp hóa vào năm 2020”. Đặc biệt, tái cơ cấu sẽ được thực hiện bằng hai “bàn tay” - Nhà nước và thị trường - nhưng thị trường sẽ đóng vai trò chính. Đi vào các vấn đề cụ thể, ông Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh: “Phải khắc phục cho được căn bệnh “thừa tiền”. Nhà nước mà thừa tiền thì lạm phát cao. Hộ gia đình, doanh nghiệp “thừa tiền” thì đầu tư cũng kém hiệu quả. Tóm lại, tái cơ cấu thị trường tài chính phải giúp chuyển dịch nguồn lực từ nơi kém hiệu quả sang nơi có hiệu quả cao hơn”. 

Cần hệ thống cảnh báo rủi ro

Đưa ra các con số cho thấy số lượng doanh nghiệp tuy nhiều nhưng có tới 66% là doanh nghiệp siêu nhỏ, hoạt động kém hiệu quả, ông Phùng Quốc Hiển đề nghị, Đề án phải xây dựng hệ thống chỉ tiêu cảnh báo rủi ro trong nhiều lĩnh vực, từ nợ công, xuất nhập khẩu đến thị trường lao động… và công khai để xã hội giám sát, đánh giá. 

Quan tâm tới góc độ xã hội của Đề án, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai yêu cầu làm rõ nguồn lực để thực hiện tái cơ cấu kinh tế; bao gồm cả tài chính, nhân lực… Bà Trương Thị Mai nói: “Làm thế nào để tạo ra đột phá về năng suất lao động là vấn đề rất cần được chú trọng. Tương tự, cần bao nhiêu chi phí cho tái cơ cấu cũng phải làm rõ. Không có tiền thì không làm gì được...”.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý góp ý: “Lựa chọn thể chế là khâu đột phá đầu tiên, nhưng Đề án đề cập hơi mờ nhạt. Tôi cho rằng rất nên xem lại cơ chế phá sản doanh nghiệp. Lúc này, hàng loạt doanh nghiệp chết rồi mà không “chôn” được”. Khẳng định tái cơ cấu là việc lớn và đặc biệt khó, ông Phan Trung Lý cho rằng, cần chỉ rõ và tập trung nguồn lực để tái cơ cấu một số lĩnh vực chính chứ không nên làm theo kiểu “tất các các ngành cùng dàn hàng ngang”... Trước các ý kiến góp ý, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu nhìn nhận: “Còn một vấn đề rất lớn mà cơ quan soạn thảo Đề án chưa làm rõ. Chúng tôi cũng rất băn khoăn là điều kiện để thực thi Đề án, cụ thể là tiền và nhân lực. Bài toán này nhất định phải tính cho ra mới đảm bảo được sự thành công của Đề án”. 

Tổng kết phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu cơ quan soạn thảo và thẩm tra nghiêm túc tiếp thu các ý kiến của UBTVQH, tiếp tục tham vấn ý kiến các chuyên gia, các đối tác phát triển để nâng cao chất lượng Đề án, tăng sức thuyết phục đối với ĐBQH.

Lùi thời hạn trình Luật Đất đai sửa đổi

Chiều cùng ngày, Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2013 đã được UBTVQH xem xét, thảo luận. Theo đề xuất của Chính phủ, Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2013 gồm 59 dự án (56 luật, 3 pháp lệnh). Trong đó, Chương trình chính thức có 35 dự án luật và 3 pháp lệnh. Về điều chỉnh chương trình năm 2012, Chính phủ đề nghị lùi thời hạn trình dự án Luật Đất đai (sửa đổi) từ cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 (cuối năm 2012) sang cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 và thông qua tại kỳ họp thứ 6.