Thực trạng các trang điện tử “ký sinh” (5):

Không thể chỉ xử lý hành chính rồi... buông

ANTĐ - Trước tình trạng một số website, trang tin điện tử vi phạm bản quyền,  chuyên xào tin, đạo bài của những tờ báo điện tử chính thống, dưới góc độ của nhà quản lý, ông Ngô Huy Toàn - Trưởng phòng Thanh tra Báo chí xuất bản, Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT) đã có cuộc trả lời phỏng vấn Báo ANTĐ  xung quanh vấn đề này.

Không thể chỉ xử lý hành chính rồi... buông ảnh 1

- PV: Thưa ông, những năm gần đây nhiều website, trang tin tổng hợp ra đời tuy không được cơ quan chức năng cấp phép nhưng lại hoạt động như một tờ báo điện tử, ông đánh giá thế nào?

- Ông Ngô Huy Toàn:  Năm 2008, Chính phủ ban hành NĐ 97/2008/NĐ-CP, từ đây loại hình trang thông tin điện tử tổng hợp phát triển rầm rộ, đem lại nhiều tiện ích cho người dùng, là cơ hội để thông tin chính thống lan tỏa rộng rãi trong  đời sống xã hội.  

Tuy nhiên, với sự dễ dàng trong việc thiết lập, cung cấp thông tin lên mạng như hiện nay, công tác quản lý đang gặp nhiều thách thức, khó khăn. Số liệu các trang thông tin điện tử không thể thống kê một cách chính xác, và liên tục phát triển. Bên cạnh những trang thông tin điện tử tổng hợp phát triển lành mạnh, tuân thủ đúng quy định pháp luật,  có một số trang đã vi phạm nghiêm trọng các quy định pháp luật về thông tin điện tử, về sở hữu trí tuệ, về dân sự… thể hiện ở chỗ thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp nhưng  không có giấy phép của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, trích dẫn nguồn tin không đúng quy định, trích dẫn thông tin từ cơ quan báo chí nhưng chưa được cho phép. Chưa bao giờ việc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ  trong hoạt động báo chí, thông tin điện tử lại được quan tâm nhiều như lúc này, việc lên tiếng là cần thiết, là lời cảnh tỉnh chung giúp chúng ta nghiêm túc nhìn nhận lại vấn đề và cùng nhau thiết lập lại trật tự trong lĩnh vực này. Còn việc doanh nghiệp thiết lập trang thông tin điện tử, tổ chức sản xuất  tin bài và hoạt động như một tờ báo điện tử là hành vi vi phạm pháp luật rất nghiêm trọng.

- Vậy các hành vi vi phạm bị xử lý như thế nào?

- Hiện nay, hầu hết các tờ báo giấy đều có trang thông tin điện tử, hoặc báo điện tử. Tuy nhiên, chưa có một tờ báo nào có biện pháp quản lý, kỹ thuật thật sự hiệu quả để có thể tránh trường hợp bị ăn cắp tin bài của mình. Theo quy định, nếu khai thác tin bài của cơ quan báo chí khác, có ghi rõ nguồn mà không có văn bản thỏa thuận hợp tác, trao đổi thông tin thì vẫn vi phạm. Khi sử dụng tác phẩm được bảo hộ của người khác thì phải được người đó đồng ý. Cụ thể, đối với báo chí, nhà nước ta chỉ bảo hộ những tác phẩm báo chí trong đó có sự kết tinh lao động sáng tạo của con người. Còn những thông tin về các hoạt động thường ngày thì không bảo hộ. Trong đó, tác phẩm báo chí được bảo hộ liên quan đến hai chủ thể là tác giả và chủ sở hữu tác phẩm (cơ quan báo chí).

Liên quan đến những sai phạm mà các website, trang thông tin điện tử mắc phải trước hết vẫn phải khẳng định, cách thức xử lý tại thời điểm này còn khá nương nhẹ. Việc này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, bởi những vi phạm mà các website, trang tin tổng hợp mắc phải không phải là đơn lẻ mà khá phổ biến nên nếu chỉ xử phạt hành chính đơn thuần sẽ không mang lại hiệu quả. Do vậy, bên cạnh việc xử lý nghiêm thì công tác tuyên truyền cần phải được đẩy mạnh để cho các đối tượng liên quan nắm bắt được và tự giác chấp hành, từng bước đưa hoạt động này đi vào nề nếp. Bộ TT&TT cũng đã triển khai việc này.

- Biện pháp “mạnh tay” nào được đưa ra để chấm dứt tình trạng này?

- Liên quan đến việc xử lý trong lĩnh vực này, thông thường người bị xâm phạm phải lên tiếng thì cơ quan quản lý mới biết để xử lý. Vừa rồi, Bộ TT&TT cũng đã nhận được đơn khiếu nại của nhiều tờ báo điện tử như: PetroTimes, Dân trí, Giáo dục Việt Nam, ... lên tiếng về một số website, trang tin tổng hợp có những hành vi sử dụng tin bài trái phép. Thanh tra Bộ TT&TT đã vào cuộc, làm việc với một số doanh nghiệp là chủ sở hữu các trang thông tin điện tử lớn, lượng truy cập cao. Các doanh nghiệp sau khi làm việc với Thanh tra Bộ đã nhận thức rõ vấn đề và nghiêm túc khắc phục hậu quả, nhiều doanh nghiệp đã chủ động gỡ bỏ ngay tin bài vi phạm bản quyền.

Thanh tra Bộ sẽ tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý hành vi vi phạm. Đối với những trường hơp vi phạm nghiêm trọng sẽ xem xét, đề xuất xử lý ở mức độ nghiêm khắc hơn như: Đình chỉ hoạt động, thu hồi giấy phép. Mặt khác, để xử lý triệt để vấn đề, chúng ta cũng cần phải nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về thông tin điện tử, để những quy định, chế tài cụ thể hơn, sát với thực tế hơn.

Cần đóng cửa các trang điện tử chuyên ăn cắp tin, bài

Không thể chỉ xử lý hành chính rồi... buông ảnh 2

“Trước tiên, tôi phải khẳng định việc các trang thông tin lấy lại tin bài của các báo mà chưa được sự đồng ý của tờ báo có sản phẩm ấy là vi phạm các quy định của pháp luật. Ngồi đọc báo mạng rồi lấy lại “biến hóa” làm thành của mình, không trực diện kiểm chứng thực tế sự kiện, vấn đề thì khó tránh những sai lệch, dẫn đến hỗn loạn thông tin. Điều đáng nói, các trang tin hiện nay là một dạng của báo chí tư nhân, mà ở nước ta thì báo chí do Nhà nước quản lý chứ không cho phép báo chí tư nhân hoạt động. Việc này rất nguy hiểm. 

Không chỉ riêng báo ANTĐ bị các trang thông tin sử dụng sản phẩm một cách tùy tiện, mà nhiều báo khác cũng đang trong tình trạng như vậy. Theo tôi, ngăn chặn việc này trước hết phải cần có sự mạnh tay từ phía cơ quan chủ quản cấp phép hoạt động, ngoài xử phạt tiền thì đồng thời thu hồi giấy phép. Nếu cứ để tình trạng kiểm soát thiếu chặt chẽ như hiện nay, sẽ có thể trở thành nguy cơ lớn hơn”. 

Ông Hà Minh Huệ - Đại biểu Quốc hội khóa XIII, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam trả lời.