Không phải cứ khó là bàn lùi

ANTĐ - Con số được đưa ra trong khảo sát mới đây của Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam (Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam) về thực trạng thực hiện Thông tư 30/2014/BGDĐT về đánh giá học sinh tiểu học khiến nhiều người giật mình. 

Ảnh: Internet

Trong đó, gần 64% giáo viên cho biết học sinh lười học hơn sau khi áp dụng Thông tư 30 và hầu hết đều mong muốn quay lại đánh giá học sinh bằng điểm số. Những khó khăn được đưa ra trong khảo sát như: giáo viên mất quá nhiều thời gian cho việc ghi nhận xét học sinh, khó khăn khi thực hiện xét khen thưởng cuối kỳ và cuối năm học; cha mẹ học sinh ít quan tâm đến việc học của con cái hơn vì hàng ngày không nhận được các bằng chứng điểm số về kết quả học tập; học sinh thì thiếu động lực học tập…

Vậy tại sao lại có những khó khăn, khúc mắc như vậy? Phải chăng Thông tư 30 là không phù hợp thực tiễn? Để trả lời câu hỏi đó, chúng ta cần nhìn nhận lại mục đích cũng như điều kiện và cách mà chúng ta đang áp dụng Thông tư này. Với cách đánh giá học sinh bằng điểm số trước đây, nhiều phụ huynh và học sinh mệt mỏi vì áp lực điểm số, dẫn đến tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan.

Thông tư 30 giải phóng áp lực này, cùng với đó yêu cầu giáo viên “cần có các hoạt động quan sát, theo dõi, trao đổi, kiểm tra, nhận xét quá trình học tập, rèn luyện của học sinh; tư vấn, hướng dẫn, động viên học sinh học tập, rèn luyện để hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất…”.

Rõ ràng đây là yêu cầu cấp thiết của ngành Giáo dục, chúng ta không thể phủ nhận. Câu hỏi đặt ra là tại sao giáo viên lại kêu vất vả, kêu khó khăn, tại sao học sinh lại thiếu động lực học tập? Và không chỉ ngành Giáo dục, mà cả hệ thống chính trị sẽ cùng phải chung tay để gỡ những nút thắt khó khăn đó.

Giáo viên vất vả hơn thì rõ rồi, vì mỗi lớp tiểu học ở ta hiện lên tới cả 50-60 học sinh, chưa kể ở miền núi còn tình trạng lớp ghép nên tạo áp lực rất nặng nề cho đội ngũ giáo viên giảng dạy. Tuy nhiên, nếu vất vả hơn mà có sự đổi mới, tiên tiến hơn thì rất cần sự nỗ lực của mỗi giáo viên.

Điểm đặc biệt của Thông tư 30 không chỉ là không dùng điểm số trong đánh giá thường xuyên đối với học sinh tiểu học, thay vào đó là nhận xét của giáo viên về năng lực, rèn luyện phẩm chất đạo đức, kỹ năng của học sinh, mà cần ở sự phối hợp giữa giáo viên và phụ huynh trong việc giáo dục, quan tâm sát sao đối với việc học tập của con em.

Tuy nhiên, với cách thức nhận xét đối phó, hời hợt mà nhiều giáo viên các trường tiểu học đang làm thì nhiều phụ huynh cũng chỉ biết được một cách chung nhất là hôm nay con được cô khen hay cần cố gắng hơn mà không biết được rõ con mình yếu, cần bổ sung ở kỹ năng, phần kiến thức nào.

Dù vậy, vẫn phải trở lại vấn đề gốc rễ vấn đề, đó là chúng ta phải cùng chung tay để có sự đầu tư thích đáng vào giáo dục, bằng cách hạn chế số học sinh trong mỗi lớp học, nâng cao đời sống của giáo viên, bồi dưỡng năng lực giáo viên. Bởi thực trạng hiện nay, giáo viên ngoài việc chưa đủ năng lực đánh giá theo Thông tư 30, thì họ đang gặp nhất nhiều khó khăn về thu nhập, điều kiện giảng dạy, không thể toàn tâm cho việc theo sát học sinh của mình.