Không nên thu phí lưu hành ô tô, xe máy

ANTĐ - Xung quanh đề xuất của Bộ Giao thông vận tải về việc thu phí lưu hành ô tô, xe máy như một giải pháp đột phá nhằm giảm bớt ùn tắc, tai nạn giao thông và có thêm nguồn kinh phí cho đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao thông…, tôi thấy nổi lên 4 điểm cần lưu ý sau:

Ô tô và xe máy đang phải chịu quá nhiều loại phí

Thứ nhất, dư luận hoan nghênh tinh thần và mục tiêu nêu trên của Bộ Giao thông Vận tải; Tuy nhiên, muốn giải quyết ùn tắc và tai nạn giao thông, thực tế cho thấy cần hàng loạt giải pháp đồng bộ, liên quan đến điều tiết cung - cầu về  phương tiện giao thông và nhu cầu đi lại, khả năng đáp ứng của hệ thống hạ tầng kỹ thuật và sự phát triển các phương tiện giao thông công cộng v.v… Còn để tăng nguồn thu ngân sách Nhà nước (NSNN) từ phương tiện tham gia lưu thông cho đầu tư phát triển giao thông, thì mức phí bao nhiêu và cách thu như thế nào, đối với những loại phương tiện nào phải xem xét kỹ trên cơ sở xem xét lại toàn bộ các loại phí, thuế hiện nay thu trên đầu một phương tiện để từ đó có giải pháp hợp lý, sát với thực tế tác động đến cơ sở hạ tầng, thu nhập của người dân, cũng như thu hút và tạo thêm nguồn lực đầu tư, giữ được ổn định lòng dân, tạo đồng thuận xã hội cao, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế 2012 khó khăn và mức sống người dân đang có xu hướng giảm sút…

Thứ hai, không nên thu phí lưu hành xe máy, với các lý do sau đây:

- Diện tích chiếm chỗ của xe máy xấp xỉ xe đạp, và nhỏ hơn rất nhiều diện tích chiếm chỗ của ô tô, nên không phải là lý do chính gây ùn tắc trong giao thông;

- Xe máy hiện đang là phương tiện đi lại phổ biến và thuận lợi nhất của tuyệt đại đa số người dân cả nước trong bối cảnh phương tiện công cộng không đáp ứng nhu cầu của người dân. Việc dùng xe máy đi lại, kể cả vào giờ cao điểm, là do nhu cầu đi lại tất yếu của người lao động trên đường đi làm và về nhà gắn với đặc điểm quy hoạch đô thị và phân bố dân cư, trụ sở cơ quan, trường học… hiện hành;

- Thu phí xe máy là trực tiếp làm giảm thu nhập của đa số người dân có thu nhập trung bình và thấp, ngược với xu hướng Nhà nước đang tìm cách giảm gánh nặng thuế thu nhập cho người dân và hỗ trợ an sinh xã hội trong bối cảnh khó khăn chung và nhạy cảm xã hội hiện nay, cả ở trong và ngoài nước;

- Trong thực tế, việc thực hiện thu phí xe máy sẽ khó khả thi, công bằng, triệt để và không hiệu quả, kể cả khi huy động chính quyền xã, phường vào cuộc;

Thứ ba, Pháp lệnh Phí và Lệ phí quy định hiện có 13 loại phí, nhưng không có phí lưu hành phương tiện giao thông; Muốn bổ sung một loại phí phải được Ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua và quyết định. Đồng thời, theo quy định thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành danh mục thu phí, còn mức thu phí bao nhiêu do Chính phủ hoặc ủy quyền cho Bộ Tài chính quy định.

Nghị quyết của Quốc hội trong phiên chất vấn tại kỳ họp Quốc hội lần thứ hai vừa qua mới chỉ nói đến trách nhiệm của các bộ, ngành và địa phương phải giảm được tai nạn giao thông xuống từ 5-10% trong năm 2012, và hiện Quốc hội chưa quyết định chính thức việc có hay không thu phí lưu hành ô tô, xe máy… 

Hơn nữa, hiện một phương tiện đã phải đóng thuế trước bạ, phí đăng ký biển kiểm soát, thuế môi trường, phí bảo trì đường bộ đang được trình (Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết mỗi xe ô tô đang phải chịu 8 loại phí)… Vì vậy, để tăng nguồn vốn cho đầu tư phát trển giao thông, chỉ nên cân nhắc tăng mức thu từ thu phí trước bạ và phí đăng ký biển số lần đầu đối với xe máy, và tăng mức thu đối với các khoản thu hiện hành đối với ô tô, như thu qua thuế trước bạ, thuế môi trường và phí bảo trì đường bộ và thu qua giá xăng… Đồng thời, mức thu có thể điều chỉnh tăng tỷ lệ thuận đối với dung tích phân khối, diện tích chiếm chỗ giao thông và độ cũ, phát thải môi trường của phương tiện ô tô tham gia giao thông. Điều này giúp công tác thu NSNN trở nên tiết kiệm, hiệu quả và tập trung nguồn thu hơn; đồng thời giảm bớt các thủ tục pháp lý phức tạp, ngăn chặn tình trạng thất thu và lạm dụng NSNN; cũng như khuyến khích người dân sử dụng phương tiện ô tô tiết kiệm và ít phát thải gây ô nhiễm môi trường hơn.

Tóm lại, bằng việc điều chỉnh lại mức thu phí, thuế các loại hiện hành đối với phương tiện giao thông là đủ để góp phần tăng nguồn thu NSNN, tạo động lực thu hút đầu tư và vốn cho phát triển cơ sở hạ tầng, mà không cần phải tăng thêm loại phí mới như đề nghị của Bộ Giao thông Vận tải.

Thứ tư, nếu Bộ Giao thông Vận tải vẫn bảo lưu ý kiến thu phí lưu hành phương tiện giao thông thì cần có Đề án chính thức với sự tham gia của các bộ, địa phương chủ yếu có liên quan và sự góp ý, phản biện xã hội, rộng rãi, trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua…