Lựa chọn phân ban vào lớp 10:

Không nên quyết định dễ dãi, thiếu cân nhắc

ANTĐ - Dù thời hạn nộp hồ sơ trúng tuyển đối với hơn 50.000 học sinh vào lớp 10 công lập của Hà Nội chỉ còn 1 ngày nhưng lời khuyên chung dành cho các bậc phụ huynh và học sinh là không nên nóng vội đăng ký chọn chuyên ban khi chưa rõ nội dung, cách thức học tập và thiếu định hướng tương lai.

Cần cân nhắc kỹ việc chọn ban khi đăng ký nhập học lớp 10 THPT

Cần nghiên cứu kỹ lưỡng

Một trong những yêu cầu khi làm thủ tục nhập học vào lớp 10 công lập của Hà Nội là phụ huynh phải đăng ký học ban nào trong 3 năm học THPT. Anh Nguyễn Xuân Cường, có con trúng tuyển vào trường THPT Nguyễn Trãi khá bối rối khi sáng 23-6 đến trường nhập học cho con thì nhận được đề nghị đăng ký nguyện vọng học ban nào trong số các ban cơ bản A, D, C hay ban nâng cao cho các khối này. Nhìn sang các phụ huynh khác, thấy khá nhiều người đăng ký vào ban cơ bản A và D, anh Cường băn khoăn không hiểu họ nắm rõ sở trường, sở đoản của con em mình đến đâu?

“Tôi chưa dám đăng ký ngay vì không nắm được sự khác biệt của những ban này, đồng thời còn phải cân nhắc xem con mình thích gì, có năng lực ở môn nào và quan trọng là sau này thi vào ngành đào tạo đại học nào. Điều này liên quan đến tương lai của con nên không thể lựa chọn một cách dễ dãi” - Anh Nguyễn Xuân Cường chia sẻ. 

Đồng quan điểm, bà Vũ Thị Phương Anh, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai cho biết, học sinh nên có định hướng chuyên ban ngay khi vào lớp 10 sao cho phù hợp với công việc tương lai. “Không ít học sinh mới chỉ quan tâm vào việc học để đỗ vào THPT công lập chứ chưa xác định mình sẽ học theo ban khoa học tự nhiên hay xã hội. Chính vì vậy, nếu không có sự quan tâm tư vấn của thầy cô cũng như sự tìm hiểu thì cả phụ huynh lẫn học sinh sẽ đổ xô vào ban A mà bỏ qua năng lực, sở trường của học sinh” - bà Vũ Thị Phương Anh cho biết.

Không nên thay đổi giữa chừng

Ông Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng trường THPT Việt Đức cho biết, ngày 23-6, phụ huynh học sinh trúng tuyển lớp 10 đã đến làm thủ tục nhập học khá đông. Để giúp phụ huynh nắm bắt được thông tin cơ bản về việc phân ban khi vào học THPT, nhà trường đã thông báo chi tiết thông tin ban nào học gì, học như thế nào để phụ huynh hiểu rõ và căn cứ trên sở thích, năng lực của con để lựa chọn.

“Việc lựa chọn ban rất quan trọng nên phụ huynh cần dành thời gian tìm hiểu thông tin, tuy nhiên không thể quá chậm vì sẽ ảnh hưởng tới sự ổn định của các lớp học khi bước vào năm học” - bà Vũ Thị Phương Anh cho biết. Cũng theo bà Vũ Thị Phương Anh, cách đây 2 năm, đa số học sinh đều lựa chọn ban A thì nay các ban được đăng ký khá đồng đều. “Trường tôi có 4 lớp ban A, 4 lớp ban A1 và 4 lớp ban D. Hầu hết học sinh trường Nguyễn Thị Minh Khai có điểm đầu vào khá cao và cũng có định hướng nên sớm xác định được chuyên ban sau này. Tuy nhiên, sau 1 năm, nếu các em có nguyện  vọng thay đổi, nhà trường sẽ tạo điều kiện” - bà Phương Anh nói.

Được biết, hiện nay các trường THPT công lập đều đang rất nỗ lực tổ chức các ban theo nguyện vọng của học sinh. Theo ông Vũ Quốc Bình, ở năm lớp 12 việc chuyển đổi nguyện vọng theo nguyên tắc là không được chấp nhận nhưng nếu học sinh và gia đình thực sự có nguyện vọng và nhà trường thấy rằng điều này có lợi cho học sinh thì vẫn cố gắng đáp ứng.

Sở dĩ việc chuyển đổi vào năm cuối bị hạn chế bởi sẽ gây mất ổn định các lớp học đã có, đồng thời ảnh hưởng đến chính học sinh đó khi thay đổi quá gấp định hướng học tập. “Phụ huynh học sinh cần xác định trọng tâm học tập của con em mình để có định hướng phù hợp. Với những người chưa xác định được thì cần đến gặp gỡ, xin tư vấn từ phía nhà trường thay vì quyết định một cách dễ dãi, thiếu cân nhắc”. ông Vũ Quốc Bình khẳng định.