Không nên nghiêng lệch

ANTĐ - Không chỉ các chuyên gia bất động sản mà người dân cũng đề nghị không nên áp dụng giá thị trường trong chuyển nhượng đất đai. Song lại có những ý kiến cho rằng, cần chuyển nhanh từ việc cho thuê đất sang giao đất để tăng ngân sách nhà nước. Việc xác định giá đất không phù hợp với nguyện vọng của chủ sử dụng đất, pháp luật chưa quy định cơ chế giải quyết bất đồng việc giá đất nên dẫn đến người dân khiếu nại, khiếu kiện, tụ tập đông người. Vậy phải hiểu thế nào là giá thị trường?

Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) cho rằng, giá đất không thể thoát ly được thị trường, vì trong nền kinh tế thị trường thì chi phí về đất là yếu tố quan trọng trong chi phí sản xuất kinh doanh cũng như chi phí tiêu dùng. Thế nào là giá thị trường vẫn là một câu hỏi khó trả lời. Không ít người cho là ngay cả giá chuyển nhượng thực tế cũng không hẳn là giá thị trường. Bảng giá đất do UBND cấp tỉnh quy định và công bố hàng năm cũng không được thừa nhận là giá thị trường.

Theo quy định hiện hành, giá thị trường được hiểu nôm na là giá chuyển nhượng thực tế trong điều kiện giá bình thường, nhưng đây chính là điều rất khó. Đơn cử chỉ một lô đất, hôm nay mua với giá này, ngày mai có người “mê” thì họ lại sẵn sàng trả với giá cao hơn cả mức giá đó không phải chỉ xuất phát từ khả năng sinh lời của đất. Vì thế, định lượng để xác định giá đất thị trường là không dễ dàng. Theo dõi giá đất cho thấy về cơ bản giá có xu hướng tăng, do đó dễ bị một định kiến là nhà nước luôn bán rẻ. Thực tế là do giá đất tăng lên nên tại thời điểm chuyển nhượng, giao đất thì giá đó là giá thị trường, sau đó thì giá lại tăng. Mới đây Chính phủ ban hành hai nghị định mới về thu tiền sử dụng đất và tiền thuê đất.

Theo đó, nếu bảng giá đất do UBND tỉnh ban hành đã sát giá thị trường thì áp dụng theo bảng giá này. Nếu chưa sát giá thị trường thì phải xác định lại. Hiện nay có xu hướng cho là nên chuyển thật nhanh từ thuê đất sang giao đất. Đây là ý kiến chiếm đa số vì thu từ giao đất lớn hơn nhiều lần thu từ thuê đất. Trong điều kiện ngân sách còn hạn hẹp, nhất là với quỹ đất eo hẹp như Hà Nội thì việc đẩy mạnh giao đất sẽ có nguồn thu để đầu tư cơ sở hạ tầng, giáo dục, y tế. Chủ trương của thành phố thu hồi đất cố tình bỏ hoang, đất dự án “treo” để xóa tình trạng “trắng” trường mẫu giáo, tiểu học trong nội thành. Tuy vậy, theo Cục trưởng Cục Quản lý công sản, nếu ồ ạt giao đất thì nay mai muốn phát triển đô thị, mở mang khu hành chính, xây dựng các công trình phúc lợi công cộng sẽ không còn quỹ đất để triển khai. Mặt khác, số thu ngân sách từ đất là không nhỏ, nhưng nhà nước phải bỏ ra rất nhiều tiền để bồi thường khi thu hồi đất để thực hiện các dự án.

Quản lý đất đai ở nước ta, theo Cục Quản lý công sản hiện có ba cái “nhất”: chưa được lòng dân nhất (70% vụ khiếu kiện về đất đai); nhiều biểu hiện tiêu cực nhất (số vụ cán bộ bị xử lý) và thất thoát nhiều nhất (10% tổng diện tích đất chưa được sử dụng). Vì thế, không nên quá nghiêng lệch chuyển từ thuê đất sang giao đất bằng mọi giá, nếu không sẽ phải trả giá.