Mới 5 giờ sáng, chị Phượng đã nghe thấy âm thanh xoang xoảng bởi những chiếc chậu và nồi niêu va vào nhau. Đấy là cách mà mẹ chồng tỏ thái độ khi thấy con dâu chưa ngủ dậy trước bà.
Tiếng mẹ chồng chị nói vọng lên như chỉ cốt để chị nghe thấy: "Không dậy đi còn nằm ườn ra đấy làm cái gí nữa. Dậy mà làm đi cứ phơi thây ra đấy thì thóc đâu mà đổ vào mồm. Ai hầu mãi được". Dù trời mùa thu hãy còn se lạnh, trời chưa sáng hẳn. Vả lại, dù biết dậy sớm giờ này cũng chẳng làm gì nhưng chị vẫn uể oải ngồi dậy.
Tất cả cũng chỉ bắt đầu từ lúc chị mất việc nghỉ ở nhà. Chị làm công nhân cho một công ty về may mặc. Khủng hoảng kinh tế chung, nhiều công ty phải đóng cửa. Chị nằm trong số hơn 600 công nhân bị cắt giảm ở công ty.
Xưa nay, lương công nhân của 2 vợ chồng cũng chỉ đủ để trả tiền thuê nhà trên thành phố và chi tiêu tằn tiện cho sinh hoạt hàng ngày. Tuy chưa đến nỗi thiếu thốn nhưng cung chẳng dư ra đồng nào để tích cóp. Giờ chị mất việc, chồng chị may mắn chưa phải nghỉ ở nhà nhưng công ty ít việc nên phải thay ca luân phiên. Tiền lương cũng vì thế mà giảm đi gần một nửa.
Chi phí sinh hoạt ngày càng đắt đỏ, tiền lương 1 tháng của chồng không đủ để trang trải sinh hoạt, lại thêm 2 đứa con, đứa lớn bắt đầu vào lớp 1, đứa nhỏ chưa cai sữa. Chồng chị không những không lấy thế để lo lắng mà còn bắt đầu đi muộn về sớm. Do thời gian rảnh rỗi nhiều nên hay tụ tập với bạn bè. Cuộc sống trở nên khó khăn và ngột ngạt. Những cuộc cãi vã trở nên thường xuyên hơn.
Thương con gái, bố mẹ chị nhờ mối quen biết chạy cho chị một chân lao công trong công ty môi trường của thành phố. Công việc quét dọn và thu gom rác đường phố tuy hơi vất vả nhưng lại có biên chế và lương cũng tạm ổn.
Chị chưa kịp vui mừng thì đã nhận một gáo nước lạnh từ thái độ của bố mẹ chồng. Bố mẹ chồng ở quê làm ruộng nhưng lại có tính sĩ diện cao. Họ đưa lý do: "Không muốn thằng Tuấn mất mặt khi bạn bè biết vợ nó làm lao công quét rác" để bắt chị về quê làm ruộng. Mà theo mẹ chồng thì "thà làm nông dân cấy lúa mà ăn còn hơn đi thu rác ngoài đường". Mẹ chồng chị còn thẳng thừng tuyên bố coi như không có con cháu trong nhà nếu chị làm công việc mà theo bà là "xấu mặt nhà chồng" ấy.
Mặc dù đã cố gắng giải thích với mẹ chồng về công việc và hoàn cảnh hiện tại nhưng không có tác dụng gì. Quay sang cầu cứu chồng mong chồng đứng ra khuyên nhủ mẹ giúp mình nhưng cái chị nhận được cũng là thái độ dửng dưng của anh, chính anh cũng không muốn "mất mặt".
Đang trong thời điểm khó khăn, nhiều người thất nghiệp vì không có việc làm. Đứa lớn lại bắt đầu đi học nên cực chẳng đã chị đành khăn gói đưa con về quê chồng. Dự định ta túc tạm một thời gian đợi đến khi tìm được việc làm.
Đã hơn 2 tháng kể từ ngày về ở quê. Chị hứng chịu thái độ khinh rẻ của mẹ chồng. Người già không ngủ muộn được nên thường dậy sớm. Mẹ chồng chị thường thức dậy lúc 5 giờ và bắt chị dậy sớm cùng mặc dù cũng chẳng làm gì. Từ ngày chị chuyển về quê, mọi việc trong nhà đều đến tay chị. Dù không biết làm ruộng nhưng chị cũng theo mọi người trong nhà ra đồng. Ai bảo gì làm nấy. Chị chăm lo nhà cửa gọn gàng, nhặt rau, nấu cơm, chăn lợn... Nhưng chẳng bao giờ bà thấy hài lòng với chị.
Chồng làm ở xa, một mình chị với 2 đứa con nhỏ đối diện với thái độ khinh miệt của bố mẹ chồng. Buồn nhất là đứa em chồng cũng bắt chước mẹ mà hạch sách, bắt bẻ chị là kẻ ăn bám trong nhà. Nhiều đêm nằm ôm con mà nước mắt chị chảy dài.
Đêm qua bé út nhà chị lên cơn sốt, cứ khóc ngằn ngặt làm chị phải thức cả đêm để lo. Mãi gần sáng chị mới chợp mắt được thì đã phải dậy bởi thái độ khó chịu của mẹ chồng.
Bố chị gọi điện về, nói rằng đã thuê giúp chị vỉa hè của một công ty để bán trà đá và ốc luộc buổi tối. Chị vừa mừng vừa lo. Mừng vì chí ít thì cũng có việc để kiếm thêm tiền nuôi con, chứ không thể ngồi nhà chịu cảnh ăn bám mãi. Nhưng lo vì biết đâu ông bà lại không cho đi làm. Biết đâu bán nước vỉa hè cũng làm ông bà mất mặt thì chị không biết làm thế nào nữa.