Không lo tòa quá tải vì khởi kiện hành chính

(ANTĐ) - Ngày 23-10, Quốc hội đã thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Tố tụng hành chính. Chiều cùng ngày, Quốc hội tiếp tục thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi). Hầu hết ý kiến góp ý của ĐB đều ủng hộ quy định của Điều 104 (điều kiện khởi kiện vụ án hành chính) của dự thảo luật là cá nhân, tổ chức được khởi kiện vụ án hành chính ra tòa ngay, mà không nhất thiết phải chờ giải quyết khiếu nại quyết định đó tại cơ quan hành chính. Từ quy định này, sẽ tạo ra hiệu quả tốt là các công chức phải thận trọng, nghiêm túc hơn khi ban hành các quyết định hành chính.

Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XII

Không lo tòa quá tải vì khởi kiện hành chính

(ANTĐ) - Ngày 23-10, Quốc hội đã thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Tố tụng hành chính. Chiều cùng ngày, Quốc hội tiếp tục thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi). Hầu hết ý kiến góp ý của ĐB đều ủng hộ quy định của Điều 104 (điều kiện khởi kiện vụ án hành chính) của dự thảo luật là cá nhân, tổ chức được khởi kiện vụ án hành chính ra tòa ngay, mà không nhất thiết phải chờ giải quyết khiếu nại quyết định đó tại cơ quan hành chính. Từ quy định này, sẽ tạo ra hiệu quả tốt là các công chức phải thận trọng, nghiêm túc hơn khi ban hành các quyết định hành chính.

Các đại biểu Quốc hội phát biểu góp ý về những dự án luật
Các đại biểu Quốc hội phát biểu góp ý về những dự án luật

Luật sư Nguyễn Đăng Trừng (Đoàn ĐBQH TP.HCM) cho rằng, quy định như vậy mới bảo đảm quyền tự do lựa chọn của công dân, tổ chức và tạo điều kiện để đổi mới cơ chế giải quyết. Ông Nguyễn Đăng Trừng nhìn nhận, việc tòa án lo ngại sẽ quá tải thì đây cũng chính là thử thách để hệ thống tòa mạnh dần lên. “Nếu cứ thấy yếu rồi tìm cách né tránh, thoái thác thì không tiến lên được” - ông Nguyễn Đăng Trừng chia sẻ.

Cùng quan điểm, ĐB Mã Điền Cư (Quảng Ngãi) cho rằng, quy định này cho phép cá nhân, tổ chức được lựa chọn phương thức giải quyết khi không đồng ý và phải chịu hậu quả của quyết định hành chính oan sai. Mặt khác, theo ông Mã Điền Cư, từ quy định này sẽ giảm áp lực giải quyết đơn thư cho các cơ quan hành chính, đồng thời là một bước quan trọng trong đổi mới công tác tố tụng.

Một điểm quan trọng trong dự luật là Hội đồng Thẩm phán TANDTC được tự mình xem xét lại bản án, quyết định của mình đã tuyên trong trường hợp phát hiện có sai lầm nghiêm trọng. Ủng hộ quan điểm này, ông Mã Điền Cư nhìn nhận, việc xem xét lại các bản án, quyết định oan sai là rất cần thiết và kiến nghị cần quy định cơ chế đặc biệt để kháng nghị bản án khi phát hiện có sai lầm nghiêm trọng, để Hội đồng Thẩm phán TANDTC tự mình xem xét lại những bản án, quyết định đó của mình.

Nhìn vấn đề ở góc khác, ĐB Trần Đình Nhã (Bà Rịa - Vũng Tàu) lại cho rằng, việc những người xét xử lần một lại xem xét bản án do chính mình xét xử trước đây có nghĩa là một bản án xét xử hai lần sẽ dẫn đến phá vỡ tính ổn định của Bộ luật Tố tụng hình sự lâu nay, chứ không chỉ phá vỡ bản án. Ông Trần Đình Nhã kiến nghị, cần quy định một chương riêng trong luật về thủ tục tiến hành phiên tòa đặc biệt. Theo đó, không cho phép những người đã từng xét xử sai lại tiếp tục tham gia xét xử cùng một vụ án đó.          

Chính Trung

Liên quan tới dự án khai thác bauxite

Chính phủ lắng nghe tất cả các góp ý 

(ANTĐ) - Trao đổi với báo chí bên lề Quốc hội, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã thông tin thêm về những băn khoăn, lo ngại của ĐBQH, các nhà khoa học và nhân dân đối với việc khai thác bauxite ở Tây Nguyên.

- Văn phòng Chính phủ đã nhận được thư của các nhà khoa học kiến nghị dừng khai thác bauxite ở Tây nguyên chưa và hướng giải quyết góp ý này như thế nào, thưa ông?

- Chính phủ đang tập hợp tất cả ý kiến để báo cáo Bộ Chính trị, báo cáo Quốc hội. Quan điểm là Chính phủ phải lắng nghe tất cả ý kiến của mọi tầng lớp nhân dân, nhất là nhân sĩ, trí thức để cùng thảo luận, bàn bạc, dân chủ nhằm đi đến quyết định cuối cùng để đạt được mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội và môi trường một cách bền vững.

- Nhiều ý kiến cho rằng, sự cố vỡ hồ bùn đỏ ở Hungary là bài học lớn đối với việc khai thác bauxite?

- Lo ngại của nhân sĩ trí thức là cần thiết và chúng ta phải lắng nghe, nhưng kết luận cuối cùng thì cần phải có thời gian vì đây là chủ trương đã được Trung ương, Bộ Chính trị, Chính phủ, Quốc hội chỉ đạo. Chúng ta lắng nghe, thảo luận thêm để có quyết định cuối cùng về vấn đề này trên tinh thần bảo đảm hiệu quả kinh tế, môi trường và phát triển bền vững.

- Thời gian cụ thể để đưa quyết định cuối cùng là khi nào, thưa ông?

- Hiện chưa thể đưa ra mốc thời gian quyết định một việc lớn như vậy. Tạm thời vẫn đang là quá trình thảo luận. Vấn đề an toàn, bùn đỏ trong khai thác đã được thảo luận nhiều lần rồi ở nhiều cấp khác nhau, trong cả giới khoa học. Nhưng từ vụ tràn bùn đỏ ở Hungary thì vấn đề này lại được đem ra thảo luận thêm và vì thế phải tiếp tục lắng nghe.

- Vậy khi nào Chính phủ sẽ có buổi làm việc cụ thể với các bên liên quan?

- Chúng tôi sẽ tập hợp hết ý kiến và báo cáo Chính phủ trong thời gian tới.

- Có nhiều ý kiến cho rằng, cho đến thời điểm này, số tiền đầu tư vào công tác khai thác bauxite ở Tây Nguyên đã khá lớn và việc dừng hẳn dự án là khó?

- Việc đảm bảo an toàn đã, đang và sẽ tiếp tục được nghiên cứu phương án hiệu quả nhất. Ví dụ công nghệ, an toàn, môi trường trong tình hình thời tiết, biến đổi khí hậu hiện nay để có quyết định chính xác, kịp thời trên cơ sở lắng nghe ý kiến của mọi tầng lớp, nhân sĩ, trí thức.

- Chính phủ sẽ gửi báo cáo giải trình về mối quan ngại bùn đỏ đến các đại biểu Quốc hội?

- Theo tôi, tại kỳ họp này, chắc chắn sẽ có chất vấn của đại biểu về vấn đề bauxite. Các thành viên Chính phủ sẵn sàng trả lời tất cả các chất vất này trên tinh thần sẽ đảm bảo có đủ công nghệ, thiết bị để đảm bảo an toàn môi trường, hiệu quả kinh tế trong khai thác bauxite.                      

 Phương Mai (Ghi)