Không được rũ bỏ trách nhiệm

ANTĐ - Vụ ngược đãi, bạo hành trẻ em vừa diễn ra ở quận Thủ Đức, TP.HCM không chỉ gây chấn động dư luận xã hội mà còn gióng lên hồi chuông cấp báo về tình trạng giáo dục mầm non trên cả nước, nhất là ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương… những nơi tập trung các khu công nghiệp với hàng vạn lao động. Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non (Bộ Giáo dục - Đào tạo) cho rằng, những vụ bảo mẫu tư thục hành hạ trẻ em chỉ có thể giải quyết tận gốc nếu như xã hội lo đủ chỗ học đảm bảo chất lượng. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nhấn mạnh, mặt trái của xã hội hóa mầm non và thiếu sự quản lý của chính quyền cơ sở.

Nhìn lại hệ thống giáo dục mần non, chưa có trường công lập nào nhận giữ trẻ từ 6 tháng tuổi, trong khi sinh con được 6 tháng, người mẹ đã phải đi làm. Các trường mầm non công lập đang phải chịu gánh nặng quá tải từ nhiều năm nay, nhất là ở đô thị lớn. Thực trạng này khiến số chỗ dành cho lứa tuổi nhà trẻ, từ 12-35 tháng tuổi ngày càng co hẹp dần trong trường công lập. Vì thế, việc xin được chỗ học cho trẻ nhỏ trong trường công lập là không dễ. Khi trường công lập có mức học phí ưu đãi không đủ chỗ, phụ huynh chỉ còn cách gửi con ở trường, nhóm, lớp ngoài công lập. Ngành giáo dục gần như bất lực do cơ chế quản lý nhóm trẻ tồn tại nhiều bất cập.

Chẳng hạn việc cấp phép cho nhóm trẻ được giao cho UBND phường, xã. Các phòng giáo dục quận, huyện chỉ quản lý về chuyên môn. Vậy nên, nhóm lớp trông trẻ không phép, không đạt tiêu chuẩn tối thiểu vẫn ngang nhiên hoạt động. Một đại biểu HĐND TP.HCM nhận xét, khi thực hiện xã hội hóa bậc học mầm non, rất nhiều nhóm trông trẻ gia đình, nhóm trông trẻ tự phát mọc lên, đặc biệt là những khu vực gần khu công nghiệp, khu chế xuất, khu lao động nghèo, trong khi cả số lượng lẫn chất lượng đang bị thả nổi. Ngoài những vụ việc đã bị phát hiện, quả thật không biết chuyện gì đang xảy ra tại các trường tư thục, nhóm trông trẻ gia đình, khi lực lượng thanh tra quá mỏng.

Thực tế cho thấy, nhiều người lao động, công nhân ngoại tỉnh không có hộ khẩu tạm trú nên không có khả năng gửi con vào trường công lập. Khi xã hội không có đủ năng lực để đáp ứng nhu cầu chăm sóc trẻ có chất lượng, ngân sách Nhà nước có hạn, thì nhiều phụ huynh không còn sự lựa chọn nào khác. Tuy nhiên, học phí trường mầm non tư thục có chất lượng thường rất cao, cho nên những người có thu nhập thấp hoặc trung bình trở xuống buộc phải gửi con vào những nhóm lớp tư nhân giá rẻ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ bị hành hạ, bạc đãi. Có nơi thiếu kiểm tra, giám sát dẫn đến tình trạng các nhóm, lớp trẻ thuê người không được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cơ bản. 

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên,Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội nhấn mạnh, trách nhiệm chính thuộc về người quản lý cơ sở trông giữ trẻ. Song, về quản lý Nhà nước, trách nhiệm đầu tiên là cán bộ phường xã, tức là chính quyền cơ sở. Địa phương chỉ coi trọng công lập, ngoài công lập thì cho mở ra là hết trách nhiệm, để rồi họ muốn làm gì những đứa trẻ vô tội thì làm.