Không để “trên nóng, dưới lạnh” trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực: Nhìn từ Hà Nội (2): Từ chỉ đạo của Trung ương, Hà Nội mạnh tay với tội phạm tham nhũng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Ngày 13-5-2022, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội ban hành Quyết định số 2835 - thành lập Ban Chỉ đạo Thành ủy về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; là địa phương đầu tiên cụ thể hóa chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương về việc thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh.

Những “con sâu” trong bộ máy công quyền

318 là con số các vụ án tham nhũng bị phát hiện qua công tác nghiệp vụ của Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, tham nhũng, chức vụ của CATP Hà Nội - đơn vị được xem là “mũi nhọn” trong đấu tranh với loại tội phạm đặc thù được nêu lên trong Báo cáo tổng kết 10 năm công tác phòng chống tham nhũng giai đoạn 2012-2022 của Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực Trung ương vừa qua. Trong số đó, lĩnh vực xảy ra tham nhũng nhiều nhất với 101 vụ, 337 bị can là quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản. Khoảng 70% các vụ khiếu kiện hiện nay liên quan đến đất đai, nhiều vụ có tính chất phức tạp, kéo dài, phần lớn có nội dung không đồng thuận trong thu hồi, đền bù, áp giá đất giữa cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp với người bị thu hồi đất.

Đoàn kiểm tra số 1 của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực do đồng chí Nguyễn Văn Yên, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương chủ trì buổi làm việc tại Đảng bộ CATP Hà Nội tháng 5-2022

Đoàn kiểm tra số 1 của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực do đồng chí Nguyễn Văn Yên, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương chủ trì buổi làm việc tại Đảng bộ CATP Hà Nội tháng 5-2022

Thực tế cho thấy đã xuất hiện “liên minh ma quỷ” giữa doanh nghiệp với quan chức. Hàng chục dự án đất bị thu hồi giao cho doanh nghiệp đầu tư, nhưng giá thu hồi của dân thì rẻ, qua tay doanh nghiệp bán trả lại cho nhà đầu tư với giá cao gấp hàng chục lần. Năm 2019, liên quan đến những sai phạm về quản lý đất đai, Thanh tra TP Hà Nội kết luận đã có hàng trăm vi phạm về trật tự xây dựng trên địa bàn huyện Sóc Sơn khiến 38 quan chức huyện này bị xem xét kỷ luật, do đã để sai phạm về đất đai kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ từ năm 2005 đến nay. Trước đó, cũng tại địa bàn này, vào năm 2008 đã có 8 quan chức xã và thôn thuộc xã Minh Phú (Sóc Sơn) đã phải hầu tòa vì “ăn đất” bẩn…

Với độc chiêu chuyển đổi đất thổ canh thành đất thổ cư, trong vòng hơn 1 năm, 2 vụ chuyển nhượng, “bán đất, thu tiền”, các cán bộ xã và 7 thôn thuộc xã Minh Phú đã “ẵm” ngót nghét 10 tỷ đồng. Trong khi đó, số kinh phí trích cho việc xây dựng nhà văn hóa, đường bê tông, cơ sở hạ tầng, đường giao thông nông thôn... chỉ hết trên 1,6 tỷ đồng. Một con số đau xót là trong số cán bộ tham nhũng bị phát hiện, xử lý, có tới gần 300 người là Đảng viên, 119 người là cán bộ cơ sở. Không thể phủ nhận vai trò của cán bộ cơ sở trong giai đoạn hiện nay, họ là người gần dân, sát dân, thấu hiểu và giải quyết những khó khăn, vướng mắc của nhân dân.

Nhưng nếu như họ có sai phạm, thì cũng chính là những người đầu tiên làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Và thực tế hiện hữu là các “công bộc” ở cấp cơ sở đã có những người không giữ được bản lĩnh, thiếu tu dưỡng, rèn luyện, lợi dụng sơ hở trong quản lý, cơ chế, chính sách, hoặc lợi dụng nhiệm vụ được giao làm trái quy định, quy trình công tác để vụ lợi. Chủ tịch xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì sẵn sàng cắt kinh phí hỗ trợ dịch tả lợn châu Phi của nhân dân “biến hóa” thành những nội dung chi sai nguyên tắc như những món quà Tết, mua bánh kẹo, làm “phong bì” tiếp khách, mừng tuổi, chi trả tiền điều hòa…

Một cán bộ tăng cường từ Tổng cục Giao thông đường bộ về Sở GTVT Hà Nội sẵn sàng nhận phí bôi trơn, sử dụng 6 tài khoản cấp giấy chứng nhận “luồng xanh” thu lợi bất chính 222 triệu đồng giữa những ngày dịch bệnh Covid-19 bùng phát. Tất cả những đối tượng ấy đã phải trả giá đắt bằng những năm tháng thi hành án, bằng danh dự và bằng cả quá trình phấn đấu công tác đầy gian khổ... Nhưng, đó vẫn chưa là bài học cảnh tỉnh cho những người đã và đang giữ trọng trách trong bộ máy công quyền. Vẫn còn đó những CDC Hà Nội “thổi” giá vật tư, thiết bị y tế hay nhận hoa hồng bôi trơn của Công ty Việt Á khiến 2 đời Giám đốc liên tiếp bị Cơ quan CSĐT - CATP Hà Nội khởi tố.

Nối gót người tiền nhiệm, ông Trương Quang Việt, Giám đốc CDC Hà Nội cũng bị bắt do nhận hoa hồng của Công ty Việt Á

Nối gót người tiền nhiệm, ông Trương Quang Việt, Giám đốc CDC Hà Nội cũng bị bắt do nhận hoa hồng của Công ty Việt Á

Công an Hà Nội quyết liệt chống tham nhũng

Hà Nội là địa phương đầu tiên của cả nước cụ thể hóa chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương về việc thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh, thể hiện vai trò tiên phong gương mẫu, đầu tàu của Thủ đô. Ban Chỉ đạo Thành ủy về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực do đồng chí Đinh Tiến Dũng - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội làm Trưởng ban với 15 thành viên, trong đó Trung tướng Nguyễn Hải Trung - Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc CATP Hà Nội là Phó trưởng ban cùng 4 thành viên khác đã cho thấy vai trò quan trọng của lực lượng Công an Thủ đô trong cuộc chiến cam go khốc liệt này.

Phát huy vai trò nòng cốt, CATP Hà Nội đã tham mưu cấp ủy, chính quyền các cấp chỉ đạo quyết liệt các ban, ngành, đơn vị, doanh nghiệp làm tốt công tác phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, tăng cường biện pháp quản lý cán bộ ở những khâu nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, sai phạm, phát động phong trào quần chúng tích cực tham gia đấu tranh, phát hiện, tố giác hành vi tiêu cực, tham nhũng. Đối với chính mình, CATP kiện toàn bộ máy, tổ chức đơn vị, tiếp tục tăng cường nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác điều tra phòng chống tham nhũng.

Thường xuyên tổ chức tập huấn Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Phòng chống tham nhũng, Luật Thanh tra, Luật Tố cáo và các văn bản hướng dẫn thi hành theo phạm vi, thẩm quyền, trong đó tập trung vào các nội dung liên quan đến công tác phòng chống tham nhũng. Đảng ủy, Ban Giám đốc CATP luôn chú trọng công tác nghiệp vụ và với loại tội phạm tham nhũng cũng không phải là ngoại lệ.

Theo đó, các trinh sát trong lĩnh vực chống tham nhũng, kinh tế, chức vụ luôn chủ động nắm tình hình địa bàn, kịp thời phát hiện các vụ việc, vụ án về kinh tế, tham nhũng, tập trung vào các lĩnh vực trọng điểm, phức tạp, tiêu cực dễ phát sinh tham nhũng như quản lý, sử dụng đất đai, trật tự xây dựng, thuế, tài chính, ngân sách, đầu tư xây dựng cơ bản để lập án đấu tranh, xử lý nghiêm các đối tượng. Trong quá trình điều tra xác minh các vụ án, vụ việc, khi có khó khăn, vướng mắc, kịp thời báo cáo cơ quan điều tra cấp trên hay trao đổi với cơ quan tiến hành tố tụng cùng cấp để tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng.

Báo cáo tổng kết 10 năm công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022 của Phòng Cảnh sát kinh tế CATP Hà Nội thể hiện tổng số các vụ án đã thụ lý là 210 vụ với 257 bị cáo; trong đó đã kết thúc 199 vụ với 506 bị can, đã chuyển Viện kiểm sát truy tố 181 vụ với 483 bị can; hiện đang điều tra 11 vụ với 21 bị can; thu hồi tài sản gồm 3.711m2 đất và gần 66 tỷ đồng.

Cam go cuộc chiến chống tham nhũng

“Cổ cồn trắng” - loại tội phạm được đặt tên cho những công chức Nhà nước lợi dụng kẽ hở của chính sách, cơ chế, tư lợi cho bản thân. Trong những năm qua, dù với sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ, đi vào chiều sâu, hiệu quả hơn trong quá trình giải quyết các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng được đông đảo nhân dân hoan nghênh, đồng tình, ủng hộ nhưng vẫn còn đó một thực tế là đấu tranh với loại tội phạm đặc thù của xã hội vô cùng gian nan.

Theo Thượng tá Đỗ Thế Thắng - Phó trưởng Phòng Cảnh sát kinh tế, CATP Hà Nội, công tác phát hiện các vụ việc liên quan đến tham nhũng, kinh tế còn nhiều hạn chế. Trong đó việc tự phát hiện các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng trong nội bộ các cơ quan, tổ chức, đơn vị hầu như không có; số vụ do các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán phát hiện rồi chuyển cho cơ quan điều tra còn rất ít. Điển hình như trong cả năm 2021 chỉ có 9 vụ việc được phát hiện từ công tác thanh tra, kiểm tra, trong khi từ công tác nghiệp vụ cơ bản của riêng Phòng Cảnh sát kinh tế đã là con số 16. “Trên thực tế các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng do cơ quan điều tra khởi tố, điều tra chủ yếu được phát hiện thông qua hoạt động nghiệp vụ của lực lượng công an, hoặc qua nguồn đơn thư tố giác của nhân dân. Trong khi đó, nhiệm vụ phòng chống tham nhũng là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội”- Thượng tá Đỗ Thế Thắng nhìn nhận.

Trong khi đó, các quy định của hệ thống văn bản pháp luật về các lĩnh vực kinh tế còn nhiều bất cập, chưa kịp với tình hình thực tế, hoặc quy định còn chồng chéo, chưa được bổ sung, hướng dẫn cụ thể dẫn tới khó khăn trong công tác xác minh, xử lý. “Những đối tượng có hành vi tham nhũng thường rơi vào quan chức nên người dân dù biết vẫn ngại không dám tố giác vì tâm lý sợ bị trả thù, vùi dập. Và cũng không thiếu tình trạng ở một số địa phương có thái độ bao che, giải quyết mang tính nể nang, bảo vệ cán bộ vi phạm vì sợ… mất điểm thi đua. Tất cả các yếu tố đã gây ra rất nhiều hạn chế, khó khăn trong công tác phát hiện, đấu tranh với tội phạm tham nhũng, chức vụ” - chỉ huy Phòng Cảnh sát kinh tế, CATP Hà Nội đánh giá.

Những áp lực các chiến sỹ Công an Hà Nội phải đối mặt trong công tác đấu tranh với tội phạm tham nhũng, kinh tế, chức vụ là rất lớn và thường xuyên. Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng - Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT CATP Hà Nội đánh giá: “Đối tượng trong các vụ việc tham nhũng, kinh tế là những người có chức vụ, quyền hạn, có những mối quan hệ nhất định và luôn tìm mọi cách gây ảnh hưởng, khó khăn đến quá trình điều tra, xử lý.

Trong khi đó, các vụ việc, vụ án liên quan đến tham nhũng, kinh tế, chức vụ thường rất khó phát hiện, hoặc phát hiện không kịp thời, có thể đã xảy ra trước đó rất lâu, do vậy việc thu thập tài liệu chứng cứ để chứng minh hành vi vi phạm gặp nhiều khó khăn. Đồng thời, các vụ việc này lại có khối lượng hồ sơ rất lớn, lĩnh vực kinh tế có rất nhiều văn bản điều chỉnh, dẫn đến việc kiểm tra, xác minh, điều tra kéo dài không triệt để; quan điểm đánh giá chứng cứ, xác định tội danh diện đối tượng xử lý còn nhiều ý kiến khác nhau”.

Đại biểu quốc hội Phạm Văn Hòa - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội: Tiếp tục tinh thần tiến công trong thanh tra, kiểm toán, giám sát lĩnh vực nhạy cảm

Thời gian qua, công tác phòng chống tham nhũng (PCTN) tiếp tục được thực hiện và xử lý vi phạm với tinh thần cương quyết, không có vùng cấm. Tham nhũng lãng phí từng bước được ngăn chặn tạo sự tin tưởng của cán bộ, đảng viên và nhân dân, góp phần làm lành mạnh, trong sạch bộ máy Nhà nước.

Có thể thấy, công tác PCTN của nước ta đã và đang trong thời kỳ quyết liệt, nhằm mục đích phòng ngừa, răn đe, cảnh tỉnh, trừng trị thích đáng những người có chức vụ trong cơ quan Nhà nước, nhưng lại câu kết với các doanh nghiệp tư nhân để làm lũng đoạn nền kinh tế. Tuy nhiên, tình trạng tham nhũng, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong khu vực hành chính, dịch vụ công, những nơi nhạy cảm vẫn chưa được ngăn chặn có hiệu quả.

Tại không ít tỉnh, thành trong cả nước, nhiều cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh vi phạm và bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Do đó, việc thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là hết sức cần thiết và quan trọng nhằm khắc phục tình trạng “trên nóng dưới lạnh”, tạo sự thống nhất từ Trung ương đến địa phương. Trong đó, lãnh đạo cấp tỉnh sẽ lên kế hoạch, chịu trách nhiệm và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật, Trung ương đóng vai trò hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, giám sát hoạt động.

Ban chỉ đạo PCTN cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là cánh tay nối dài của Ban chỉ đạo PCTN Trung ương tại địa phương, do Ban chỉ đạo PCTN Trung ương không đủ thời gian, nhân lực để triển khai giải quyết mọi vụ việc. Để đảm bảo hiệu quả hoạt động, Ban chỉ đạo PCTN tại địa phương có quy chế hoạt động cụ thể, chịu sự chỉ đạo lãnh đạo trực tiếp của cấp ủy, có thanh tra, kiểm tra thường xuyên đảm bảo khách quan, trung thực, không có ngoại lệ. Để công tác chống tham nhũng đạt hiệu quả như mong đợi, thời gian tới cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về PCTN cho công chức, viên chức, người lao động để ngăn chặn “không dám, không muốn, không ham”. Đồng thời, cần tiếp tục với tinh thần tiến công trong công tác thanh tra, kiểm toán, giám sát trên các lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tham nhũng. Bên cạnh đó, các cơ quan có thẩm quyền cũng sớm ban hành quy định cụ thể về kiểm soát tài sản thu nhập của công chức, viên chức, người đứng đầu cơ quan, đơn vị…

Tôi đánh giá cao công tác phòng chống tham nhũng của nhiều tỉnh, thành phố trong đó có Hà Nội thời gian qua. Là Thủ đô của cả nước, tuy Ban chỉ đạo PCNT của thành phố Hà Nội mới hình thành nhưng đã được tổ chức thực hiện tốt, nhiều đại án tham nhũng bị đưa ra xét xử công khai, khách quan, nghiêm minh. Điều này cho thấy sự quyết tâm của toàn hệ thống chính trị thành phố đã vào cuộc rốt ráo với quyết tâm cao nhằm ngăn chặn tiến tới xóa bỏ hoàn toàn vấn nạn tham nhũng.