Không để “trên nóng, dưới lạnh” trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực: Nhìn từ Hà Nội (1): Lựa chọn khâu yếu, việc khó và cấp thiết trong cuộc chiến không khoan nhượng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Lời tòa soạn: Công tác phòng, chống tham nhũng luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm, chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành chức năng từ Trung ương đến địa phương chủ động phát hiện, đưa ra ánh sáng những cá nhân, tổ chức tha hóa đạo đức, vi phạm kỷ luật của Đảng, những cán bộ lãnh đạo cao cấp nhúng chàm, làm tổn hại đến uy tín của Đảng, gây bức xúc trong nhân dân. Loạt bài này nhằm nêu bật sự cấp thiết của Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, qua công tác phát hiện, đấu tranh phòng, chống tham nhũng của TP Hà Nội, đơn vị được Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đánh giá làm tốt công tác này với tinh thần “xử lý triệt để không có vùng cấm”, không để “trên nóng, dưới lạnh” trên thì vội vã dưới còn nhiều nơi thư thả, đúng với tinh thần chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực Trung ương.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng nói tham nhũng được coi là “khuyết tật bẩm sinh của quyền lực, là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của chế độ”. Nhiều năm qua, quyết tâm không khoan nhượng đấu tranh phòng, chống loại “sâu mọt” hại dân, hại nước đã nhiều lần được người đứng đầu Đảng ta nhắc tới và được nhân dân mong đợi.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực: “Lò” nóng lên là do tất cả cùng vào cuộc, cùng quyết tâm “đốt lò” để đẩy lùi tham nhũng

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực:

“Lò” nóng lên là do tất cả cùng vào cuộc, cùng quyết tâm “đốt lò” để đẩy lùi tham nhũng

Cuộc đấu tranh kiên trì, bền bỉ

Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, đại diện cho lợi ích của toàn thể nhân dân lao động và dân tộc, lấy phục vụ nhân dân là mục tiêu cao nhất của mọi hành động cách mạng. Vì thế, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói, mọi đường lối của Đảng, chính sách pháp luật và hoạt động của Nhà nước đều vì lợi ích của nhân dân, lấy hạnh phúc của nhân dân là mục tiêu phấn đấu.

Tuy nhiên, bất cứ một Đảng cầm quyền nào, nhất là trong điều kiện kinh tế thị trường hiện nay, nếu không có cơ chế biện pháp kiểm soát quản lý chặt chẽ, đều có thể dẫn tới tham nhũng, quan liêu, suy thoái, biến chất, làm mất vai trò lãnh đạo của Đảng cầm quyền. Do vậy, để giữ vững vai trò lãnh đạo cầm quyền của Đảng, để Đảng thực sự là của dân, vì dân, “Đảng phải thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn, đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội, chủ nghĩa cá nhân, chống tham nhũng, quan liêu, lãng phí, thoái hóa, trong nội bộ Đảng và trong toàn bộ hệ thống chính trị” - lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” đăng tải trên tạp chí Cộng sản điện tử ngày 16-5-2021. Đây là vấn đề rất quan trọng, then chốt trong công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng.

Tham nhũng được coi là “khuyết tật bẩm sinh” của quyền lực, là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của chế độ. Ở thời đại nào, chế độ nào, quốc gia nào cũng tồn tại tham nhũng, song không thể xóa bỏ nhanh chóng trong một thời gian ngắn và cần phải đấu tranh kiên quyết, kiên trì, bền bỉ, thường xuyên. Bởi tham những tiêu cực thực sự là nguy cơ, vấn nạn, nếu không kịp thời ngăn chặn, loại bỏ sẽ làm thiệt hại cho nền kinh tế, phá vỡ kế hoạch và chiến lược phát triển gây thiệt hại vật chất rất lớn cho Nhà nước và người dân, làm suy thoái đạo đức lối sống trong hàng ngũ lãnh đạo, gây ra sự bất bình bức xúc trong dư luận xã hội và nghiêm trọng hơn làm xói mòn, suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, chế độ, gián tiếp tiếp tay cho những thế lực thù địch chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ. Một Đảng cầm quyền còn để xảy ra tham nhũng tiêu cực thì nguy cơ đánh mất quyền lực là hiện hữu. Đây là bài học xương máu được lịch sử đúc rút, kể cả những nước từng là thành trì của chủ nghĩa xã hội.

Toàn cảnh hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm về công tác phòng, chống tham nhũng quy mô lớn nhất với 80.000 đại biểu từ 4.000 điểm cầu, kết nối cấp xã

Toàn cảnh hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm về công tác phòng, chống tham nhũng quy mô lớn nhất với 80.000 đại biểu từ 4.000 điểm cầu, kết nối cấp xã

Gia tăng tội phạm tham nhũng trong cán bộ công chức

Thực tế hiện nay cho thấy, tham nhũng thường diễn ra ở những người có chức, có quyền, do tha hóa quyền lực mà gây tổn hại nhiều mặt đến đời sống xã hội, thậm chí là vi phạm quyền con người. Một vị Bí thư chi bộ, kiêm Trưởng thôn Thành Thượng, xã Tân Thành, huyện miền núi Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa được giao nhiệm vụ quản lý và cấp phát 14,7 tấn gạo Nhà nước hỗ trợ cho các hộ dân trồng và chăm sóc, bảo vệ rừng không cảm thấy xấu hổ khi đã tham ô 5 tấn gạo, trong đó mang đi bán và đưa cho em dâu… nấu rượu. Khi có chức, có quyền, dù chỉ là một Bí thư chi bộ kiêm Trưởng thôn nhỏ nhoi, nếu có điều kiện, người ta sẵn sàng tham ô tài sản của Nhà nước, của nhân dân.

Phát biểu tại phiên thảo luận - Phiên họp toàn thể lần thứ 7 Ủy ban Tư pháp ngày 9-9-2022, đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM) cho rằng, trong công tác phòng, chống tham nhũng và vi phạm pháp luật vừa qua nổi lên là tình trạng gia tăng tội phạm trong “giới công bộc của dân”. Chẳng hạn, vụ việc bạo hành người tình của cán bộ quản lý thị trường ở Thanh Hóa; vụ Giám đốc Bệnh viện Thủ Đức; vụ Nhật Cường, vụ Việt Á; Cục Lãnh sự; vụ FLC; Tân Hoàng Minh… cũng có cán bộ công chức tham gia, thậm chí có cả những vị lãnh đạo tầm cỡ Trung ương nhúng chàm.

“Qua báo cáo tổng kết 10 năm (2012-2022) về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng và kết quả cụ thể trong thực tế, qua dư luận xã hội, sự đánh giá của các tổ chức quốc tế, chúng ta hoàn toàn có cơ sở khẳng định rằng: “Phát huy kết quả và rút kinh nghiệm về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong các giai đoạn trước, 10 năm gần đây với việc thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng lãng phí (thuộc Bộ Chính trị) đến nay, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã được Trung ương lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, bài bản ngày càng đi vào chiều sâu, có bước tiến mạnh, đạt nhiều kết quả cụ thể rất quan trọng, toàn diện, để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội và thực sự đã trở thành phong trào, xu thế không thể đảo ngược, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình ủng hộ đánh giá cao, bạn bè quốc tế ghi nhận”.

(Trích phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị toàn quốc về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngày 30-6-2022)

“Là cán bộ công chức, tiêu chuẩn cao hơn dân thường và người dân tin rằng, khi đã tuyển dụng họ vào bộ máy Nhà nước thì quy trình tuyển dụng họ cũng rất chặt chẽ, thử thách trong thời gian dài, nếu có phạm tội cũng không phạm tội nặng, quy mô lớn, không gây thiệt hại lớn cho xã hội... Vậy mà, một nhóm công chức cao cấp lại cấu kết với nhau một cách có hệ thống để trục lợi rất lớn. Chúng tôi cho rằng, 1.000 vụ móc túi, trộm cắp tài sản cũng nguy hiểm, thiệt hại, nhưng không nguy hiểm, thiệt hại bằng vụ Việt Á, vụ Nhật Cường hay vụ Cục Lãnh sự, vì nó làm nhân dân mất lòng tin vào Đảng, Nhà nước” - ông Trương Trọng Nghĩa nhìn nhận. Vì vậy thái độ chống tham nhũng là phải thật kiên quyết, không khoan nhượng và hành động thật quyết liệt, cụ thể, hiệu quả.

Những đột phá mới trong đấu tranh chống tội phạm tham nhũng

Xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới và mong muốn quyết tâm cao tạo bước chuyển mạnh mẽ, rõ rệt hơn nữa trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, Hội nghị Trung ương V - khóa XI (tháng 5-2012) đã quyết định chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị do đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng ban, để chỉ đạo toàn diện công tác phòng, chống tham nhũng trên phạm vi cả nước. Thực hiện chủ trương này, ngày 1-2-2013, Ban chỉ đạo đã chính thức thành lập và triển khai các hoạt động với thành phần gồm những cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở các cơ quan liên quan của Đảng và Nhà nước.

Ngày 30-6-2022 vừa qua, Ban Chỉ đạo đã tham mưu đề xuất với Bộ Chính trị tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, đây là Hội nghị toàn quốc lớn nhất về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được tổ chức từ trước đến nay (với hơn 80.000 đại biểu tham dự tại hơn 4.000 điểm cầu trong cả nước, nhiều địa phương kết nối đến cấp xã), đã để lại dấu ấn tốt; đánh dấu chặng đường 10 năm đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tạo động lực mới, khí thế mới, quyết tâm mới cho công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian tới.

Đi đôi với việc tập trung chỉ đạo công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, công tác xây dựng hoàn thiện thể chế cơ chế về quản lý kinh tế - xã hội, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cũng được chú trọng đẩy mạnh, từng bước hoàn thiện cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “không thể, không dám, không muốn, không cần tham nhũng”. Hàng nghìn văn bản của Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; Quốc hội; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; các bộ - ngành - địa phương chỉ đạo kết luận về đẩy mạnh xây dựng chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên không còn giữ được bản lĩnh của người cách mạng.

Công tác thông tin tuyên truyền giáo dục về phòng, chống tham nhũng được tăng cường và có phần đổi mới. Sự giám sát của các cơ quan dân cử, vai trò của Mặt trận Tổ quốc, nhân dân và báo chí truyền thông trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được phát huy. Trong phát biểu kết luận tại Hội nghị toàn quốc về đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực ngày 30-6-2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định, “báo chí, truyền thông đã nỗ lực cố gắng, thường xuyên theo sát và kịp thời thông tin, phản ánh quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, được đông đảo các tầng lớp nhân dân quan tâm, theo dõi, đồng tình, ủng hộ. Theo thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2022 đã có hơn 5.000 tin, bài nói về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, gần bằng số tin bài của cả năm 2021”. Không những thế, báo chí đã tích cực vào cuộc đồng hành cùng Đảng, Nhà nước và các cơ quan chức năng trong đấu tranh phản bác những luận điệu xuyên tạc của các thế lực xấu, thù địch về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng tiêu cực.

Việc công khai kết quả thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng kinh tế, chủ động cung cấp thông tin về những vấn đề nhạy cảm dư luận quan tâm cũng đã góp phần định hướng tốt cho dư luận xã hội, thể hiện tính công khai minh bạch trong xử lý tham nhũng. Người dân háo hức, mong chờ những bản thông báo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về xử lý cán bộ có sai phạm, thậm chí cả các sai phạm của các tướng lĩnh lực lượng vũ trang, điều mà trước đây được coi là “thông tin mật”, qua đó khẳng định việc không có “vùng cấm”, đấu tranh đến tận cùng cái xấu, lấy lại niềm tin của nhân dân với Đảng.

Đặc biệt mới đây, chức năng nhiệm vụ quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã được sửa đổi bổ sung và tại Hội nghị Trung ương V - khóa XIII, Trung ương đã cho chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy làm Trưởng ban. Đến nay, đã có 63 tỉnh, thành phố lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng tiêu cực; đã triển khai hoạt động với tinh thần tích cực khẩn trương, thể hiện quyết tâm “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt, nhất quyết không để “trên nóng, dưới lạnh”, “trên thì vội vã, dưới còn nhiều nơi thư thả”. Ban Chỉ đạo Trung ương đã lựa chọn khâu yếu, việc khó, để tập trung chỉ đạo, làm việc rất nghiêm túc, trách nhiệm, bài bản, nền nếp có sự phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ, quyết tâm cao, thực sự là “tổng chỉ huy”, “nhạc trưởng” của công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Sau 10 năm thực hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng tiêu cực, nhất là 2 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng với ý chí, tinh thần trách nhiệm cao, sự nỗ lực phấn đấu, chung sức, đồng lòng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng tiêu cực đã thu được nhiều kết quả quan trọng, góp phần củng cố, nâng cao ý chí niềm tin của nhân dân vào công cuộc đổi mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Các ông Chu Ngọc Anh, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ tịch UBND TP Hà Nội; Nguyễn Thanh Long, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế bị pháp luật xử lý vì “nhúng chàm” trong vụ đại án liên quan đến Công ty Việt Á

Các ông Chu Ngọc Anh, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ tịch UBND TP Hà Nội; Nguyễn Thanh Long, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế bị pháp luật xử lý vì “nhúng chàm” trong vụ đại án liên quan đến Công ty Việt Á

Trong 10 năm qua, các cơ quan tố tụng cả nước đã khởi tố điều tra truy tố xét xử gần 16.000 vụ án liên quan đến tham nhũng, chức vụ, kinh tế với hơn 30.000 bị cáo. Riêng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã đưa vào diện theo dõi chỉ đạo gần 1.000 vụ án, vụ việc ở 3 cấp độ, trong đó đã trực tiếp chỉ đạo theo dõi 313 vụ án, vụ việc tham nhũng kinh tế nghiêm trọng, phức tạp được dư luận xã hội quan tâm; đã đưa ra xét xử 120 vụ án với 1.083 bị cáo, trong đó có 37 cán bộ diện Trung ương quản lý bị xử lý hình sự.

Ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (Đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII): Tai mắt của cơ quan phòng, chống tham nhũng là nhân dân, song phải có cơ chế bảo vệ người tố cáo

Trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, chúng ta không thiếu các văn bản pháp luật như Luật Phòng chống tham nhũng, Luật sửa đổi bổ sung với những quy định phù hợp với thực tiễn, các Chỉ thị của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ. Bộ máy phòng, chống tham nhũng cũng khá hoàn thiện như thanh tra Chính phủ, kiểm tra của Trung ương Đảng, giám sát của Quốc hội, giám sát của Hội đồng nhân dân các địa phương… Vừa rồi lại thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng tại các địa phương. Song, điều quan trọng nhất là việc tổ chức thực hiện. Hiện nay vẫn còn tình trạng người đứng đầu sợ trách nhiệm nên vun vén, xoa dịu... Để khắc phục, thời gian tới, cần nâng cao hơn nữa vai trò trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, tăng cường hiệu quả hoạt động của các cơ quan bảo vệ pháp luật như cơ quan điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Phòng, chống tham nhũng không chỉ “đánh” vào cá nhân, làm cho cá nhân tham nhũng chịu trách nhiệm hình sự mà quan trọng nhất là việc thu hồi lại tài sản về cho Nhà nước và nhân dân. Bởi suy cho cùng tài sản đó là của Nhà nước, là tiền thuế của nhân dân. Chống tham nhũng là phải thu hồi triệt để tài sản bị tham nhũng chứ không chỉ tuyên phạt tù. Trong khi đó, nguyên nhân khiến việc thu hồi tài sản tham nhũng gặp khó khăn vì quy định pháp luật còn nhiều lỗ hổng để cho kẻ tham nhũng kịp thời tẩu tán tài sản ra nước ngoài, lấy tên con cháu trong gia đình, họ hàng... Vì vậy, khi phát hiện tham nhũng các cơ quan có thẩm quyền cần vào cuộc ngay, kịp thời phong tỏa, kê biên tài sản để tội phạm không kịp tẩu tán..

Bên cạnh đó, cần sớm ban hành những luật chuyên về đăng ký, giám sát, thẩm định, kiểm soát và thu hồi tài sản do tham nhũng mà có. Kiểm soát tài sản thông qua việc không dùng tiền mặt, hạn chế dùng tiền mặt. Đồng thời, có cơ chế để kiểm soát tài sản kê khai, kê khai tài sản phải đi kèm kiểm soát tài sản của cán bộ công chức để khi họ có dấu hiệu tham nhũng, việc thu hồi tài sản tham nhũng được thực hiện nhanh, triệt để.

Về việc thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng tại các địa phương, Ban Chỉ đạo này do Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy trực thuộc Trung ương thành lập, chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy và Ban Chỉ đạo Trung ương trong việc chỉ đạo, phối hợp, đôn đốc, kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là ở địa phương) là vô cùng đúng đắn, tạo sự đồng thuận từ trên xuống dưới.

Tuy vậy, Ban Chỉ đạo tỉnh không phải cát cứ mà chịu sự chỉ đạo thống nhất từ Trung ương xuống, tạo nên sự thống nhất trên dưới đồng lòng, nó thể hiện sự quyết tâm huy động toàn bộ hệ thống chính trị trong công tác phòng, chống tham nhũng. Lãnh đạo chủ chốt của các tỉnh sẽ tham gia Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, điều này không làm tăng thêm biên chế bộ máy. Người vào Ban Chỉ đạo phải trong sạch, có tâm có tầm, có quyết tâm, bản lĩnh cao và không sợ trách nhiệm.

Muốn phòng, chống tham nhũng tốt phải có cơ chế kiểm soát quyền lực, chống lạm quyền, lộng quyền như kiểm soát bằng cơ quan dân cử, cơ quan hành pháp, tư pháp... Có thể nói, tai mắt của cơ quan phòng, chống tham nhũng là nhân dân. Song bên cạnh đó, phải có cơ chế bảo vệ người tố cáo phòng chống tham nhũng và gia đình họ, không để họ đơn thương độc mã trong cuộc chiến đầy cam go này.

Huệ Linh (Ghi)