Không để người dân chịu thiệt

ANTĐ - Những ý kiến đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội năm 2012, trong phiên thảo luận trên nghị trường Quốc hội tuần qua dường như vẫn còn “sức nóng” trong lòng cử tri và người dân cả nước. Những vấn đề bức xúc nhất như nợ xấu, tái cơ cấu nền kinh tế, hệ thống ngân hàng, phòng chống tham nhũng được cử tri chú tâm theo dõi. Vấn đề thời sự, nóng hổi nữa là: quản lý thị trường vàng cũng làm không ít cử tri rơi vào tâm lý băn khoăn, lo ngại và thậm chí khổ sở nữa, nhất là quyết định cho SJC là thương hiệu vàng miếng độc quyền.

Theo ý kiến của một số đại biểu, mỗi chính sách ban hành đều phải tính đến việc không gây ra những thiệt hại cho người dân. Vì sao Ngân hàng Nhà nước khi cho SJC độc quyền vàng miếng lại không có lộ trình, chẳng hạn như dành thời gian 6 tháng cho chuyển đổi. Dư luận từng đề cập hai chữ “độc quyền” trong lĩnh vực vàng từ độc quyền nhập khẩu, sản xuất, độc quyền thương hiệu và nay là độc quyền kiểm định vàng.

Không phải vô cớ khi nhiều ý kiến tỏ ra lo ngại cơ chế độc quyền này không chỉ khiến độ “vênh” giá vô lý giữa giá vàng trong nước so với thế giới sẽ còn kéo dài, mà còn tạo ra “cơn sốt ảo”, khan hiếm giả tạo, đẩy người dân vào thế bị thiệt. Tháng 10 là thời điểm nhiễu thông tin về vàng, nhất là hiện tượng vàng nhái thương hiệu SJC, đã được “chọn mặt” làm vàng miếng thương hiệu quốc gia.

Tuy nhiên, chính cái “vỏ bọc” SJC của vàng đã bị những kẻ cơ hội trục lợi làm giả để đẩy giá lên so với vàng phi SJC, lúc cao điểm mức chênh lệch lên tới 1 triệu đồng/lượng. Trong dân cư và trên thị trường đã lập tức xáo động, dẫn đến tình trạng nhiều người dân hoang mang, ào ào rủ nhau đi thẩm định và ép lại bao bì tại Công ty SJC. Chỉ đến khi xuất hiện hiện tượng vàng nhái thì người dân mới được khuyến cáo nên giao dịch tại các cơ sở có uy tín, trong đó có ngân hàng.

Trớ trêu là, theo một số thông tin thì đa phần vàng SJC nhái đã được phát hiện lại đến từ chính các ngân hàng thương mại. Rất may là trong buổi họp báo thường kỳ của Chính phủ cuối tháng 10, đại diện Ngân hàng Nhà nước chính thức khẳng định: các loại vàng miếng ngoài SJC vẫn được giao dịch mua bán “bình thường”. Sự việc không dừng lại ở đó.

Mặc dù Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã nhận khuyết điểm trước Quốc hội do còn một số tồn tại trong quản lý thị trường vàng, song một đại biểu thẳng thắn đặt câu hỏi: SJC gia công cho ai? Tại sao giá chênh lệch như vậy và chênh lệch vào túi ai? Ngân sách Nhà nước có được hưởng không? Từ khi thực hiện cơ chế quản lý thị trường vàng, kinh doanh vàng đã khiến người dân phải bù tiền để chuyển đổi, trong khi ngân hàng để chênh lệch gần 1 triệu đồng/lượng. Biết là bất hợp lý nhưng người dân không còn lựa chọn nào khác. Doanh nghiệp nào được chuyển đổi, được phép “đội mũ” SJC thì thu lợi rất lớn.

Thực tế từ thị trường vàng, không chỉ đại biểu Quốc hội mà dư luận xã hội đều có chung một câu hỏi: Bao giờ mới minh bạch, công khai trong chính sách vàng cũng như các chính sách quản lý xăng dầu, điện…?