Không cùng nhận thức, mong muốn sẽ không bị xử lý hình sự

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bạn đọc hỏi: Tôi thường xuyên được sếp giao tiền để đi biếu xén đối tác vào những dịp lễ, Tết... Hiện, sếp tôi cùng một số người đang bị điều tra về hành vi lập quỹ trái phép. Tiền đi biếu xén kia, mới đây tôi mới được biết lấy từ nguồn quỹ trái phép. Xin hỏi, tôi có phải chịu trách nhiệm gì không? Nguyễn Thị Hạnh (Hà Nội)
Lập quỹ trái phép vì vụ lợi cá nhân sẽ bị xử lý hình sự. Ảnh minh hoạ

Lập quỹ trái phép vì vụ lợi cá nhân sẽ bị xử lý hình sự. Ảnh minh hoạ

Luật sư rrả lời: Tội lập quỹ trái phép được quy định tại Điều 205 - Bộ luật Hình sự năm 2015. Theo đó: “Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn lập quỹ trái quy định của pháp luật và đã sử dụng quỹ đó gây thiệt hại cho tài sản của Nhà nước từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm”.

Như vậy việc lập quỹ trái phép là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã dùng chức vụ, quyền hạn để lập quỹ trái với quy định của Nhà nước và đã sử dụng quỹ đó gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm. Tội phạm này chỉ áp dụng đối với người có chức vụ, quyền hạn trong các cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - chính trị và các tổ chức khác, không áp dụng đối với những người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc các tổ chức có tính chất tư nhân khác.

Lỗi của người phạm tội lập quỹ trái phép là do cố ý, tức là nhận thức rõ hành vi của mình là trái phép, biết rõ hành vi sử dụng quỹ đó là gây hậu quả nghiêm trọng, mong muốn cho hậu quả xảy ra hoặc tuy không mong muốn nhưng bỏ mặc hậu quả xảy ra. Động cơ, mục đích của người phạm tội này không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm. Tuy nhiên, người phạm tội lập quỹ trái phép thường vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác.

Một người có thể bị khởi tố về hành vi lập quỹ trái phép khi có căn cứ chứng minh người đó lợi dụng chức vụ, quyền hạn lập quỹ trái quy định của pháp luật và đã sử dụng quỹ đó gây thiệt hại cho tài sản của Nhà nước từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng; hoặc đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm.

Theo quy định tại Điều 17 - Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi năm 2017 về đồng phạm được hiểu là những người cùng tham gia vào việc thực hiện một tội phạm như: cùng thực hiện tội phạm có thể là trực tiếp thực hiện hành vi được mô tả trong cấu thành tội phạm (là người thực hành), thực hiện hành vi chủ mưu, chỉ huy, cầm đầu việc thực hiện tội phạm (là người tổ chức), người thực hiện hành vi kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm (là người xúi giục); tạo điều kiện về tinh thần hay vật chất cho người khác thực hiện tội phạm (là người giúp sức). Khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, mỗi người đồng phạm không chỉ cố ý với hành vi phạm tội của mình mà còn biết và mong muốn sự cùng tham gia của những người đồng phạm khác. Cùng cố ý trong đồng phạm được thể hiện trên hai phương diện về lý trí và ý chí.

Như vậy, việc bạn có liên đới chịu trách nhiệm hay không, cơ quan điều tra sẽ làm rõ cụ thể hành vi của bạn là như thế nào. Từ đó mới có thể xác định bạn có đồng phạm trong vụ án hay chỉ là người làm chứng hoặc người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan.