Không bình thường

ANTĐ - Khoảng 5 năm trước đã có đợt "cắt ngọn" những công trình xây dựng sai phép, nhưng thời gian gần đây tình trạng vi phạm trong xây dựng tại Thủ đô lại tái phát với mức độ và tính chất nghiêm trọng hơn, làm dư luận bất bình và lãnh đạo thành phố đã coi vấn đề này đang ở mức nghiêm trọng và bất thường. 

Theo báo cáo của UBND TP Hà Nội, đầu năm 2010 đến tháng 6-2012, thành phố có 1.100 trường hợp xây dựng trên đất nông nghiệp, đất công; 490 trường hợp xây dựng không phép và 100 trường hợp xây sai phép được xây dựng. 1.700 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng (TTXD) là con số được phát hiện tại các quận, huyện, thị xã trong thời gian qua. Tuy nhiên, con số thực tế tại các quận, huyện, thị xã chính xác là bao nhiêu? Hẳn là một con số lớn hơn nhiều. Ngay tại trung tâm thành phố còn đang có những vi phạm lớn như tại: số 55A, 55B, 53D phố Bà Triệu (Hoàn Kiếm); phố Bùi Thị Xuân, Triệu Việt Vương, Mai Hắc Đế, Đại Cồ Việt (Hai Bà Trưng)... thì tại các vùng ven đô tình trạng càng khó kiểm soát, nên nhiều hơn là phải. Để xảy ra tình trạng hàng nghìn vụ vi phạm TTXD, ngay cả trong nội thành là dấu hiệu "không bình thường". Điều đáng nói là trong nhiều sai phạm, chính cán bộ thanh tra xây dựng lại là người tiếp tay. 

Dư luận cho rằng, nếu không có sự dung túng, bao che của cán bộ thì các chủ đầu tư những công trình vi phạm trên sẽ không dám coi thường pháp luật để... đàng hoàng thi công. Và không chỉ dư luận mà ngay lãnh đạo thành phố cũng khẳng định, nguyên nhân chủ quan chính là cán bộ quản lý trực tiếp buông lỏng, nể nang, né tránh, dung túng, cố ý "tiếp tay" sai phạm đã gây nên thực trạng trên. 

Con số gần 30 trường hợp cán bộ, trong đó có hàng chục Chủ tịch, Phó chủ tịch và nhiều cán bộ cấp phường bị xử lý thời gian qua có liên quan đến vi phạm TTXD đã là hết những người làm sai? Và đã đủ để cảnh báo, răn đe những người đang thừa hành công vụ buông lỏng quản lý, để xảy ra các sai phạm, thậm chí là cố ý làm trái các quy định của thành phố?

"Không thể để vi phạm TTXD ngang nhiên tái phạm như hiện nay" - không chỉ là lệnh của lãnh đạo thành phố đối với các sở, ngành, quận, huyện mà còn là lời cam kết, lời hứa trước cử tri Thủ đô vì mục tiêu xây dựng thành phố văn minh, hiện đại. Những công trình sai nghiêm trọng phải áp dụng các biện pháp cứng rắn và xử lý thích đáng đối với cán bộ quản lý để xảy ra sai phạm. 

Nhân dân Thủ đô đang trông chờ sự quyết liệt và dứt điểm của thành phố trong xử lý vấn đề “không bình thường” này. Và như Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị khẳng định: “Nếu công trình vi phạm nghiêm trọng mà phạt cho tồn tại thì người dân sẽ tiếp tục vi phạm. Phải tập trung xử lý cả chủ đầu tư và công chức có liên quan. Nếu không xử lý tương xứng với hành vi vi phạm thì tình trạng vi phạm sẽ nghiêm trọng hơn rất nhiều lần. Chúng ta phải quyết liệt mới xử lý được”.