Không ăn thì chết, ăn thì bệnh

ANTĐ - Tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII, ngày 1-4 khi tiến hành đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015 và thảo luận về những nhiệm vụ, giải pháp của kế hoạch 5 năm tiếp theo, lần đầu tiên buổi thảo luận ghi nhận nhiều ý kiến đề nghị đưa nhiệm vụ đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trở thành một chỉ tiêu phấn đấu trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm tới. Điều này cho thấy vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đang nhức nhối hơn bao giờ hết.

Không ăn thì chết, ăn thì bệnh ảnh 1

Ảnh: INTERNET

“Con đường từ dạ dày đến nghĩa địa chưa bao giờ ngắn và dễ dàng thế”. “Không ăn thì không thể tồn tại, ăn thì phó mặc may rủi cho số phận, bệnh đến lúc nào biết lúc ấy”. Những phát ngôn đầy chua xót của các vị ĐBQH xung quanh nỗi lo thực phẩm bẩn liên tục “đốt nóng” nghị trường. Những lời nói đó không phải ý kiến cá nhân của ĐBQH mà chính là phản ánh mối quan tâm đặc biệt của cử tri.

Tranh luận quanh câu chuyện “1 mâm cơm 3 bộ quản lý” đã nóng từ hơn 10 năm nay. Nhiều luật, nghị định, thông tư và vô số văn bản pháp luật khác đã được ban hành nhưng xem ra nỗi lo thực phẩm bẩn chỉ tăng lên chứ không giảm. Chính cơ quan chức năng cũng thừa nhận, các giải pháp đã và đang thực hiện mới chỉ kiềm chế chứ chưa thể giúp cải thiện tình hình.

Trước ý kiến các vị ĐBQH, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát dẫn ra những số liệu để chứng minh luận điểm: “Đa số thực phẩm của chúng ta là an toàn nhưng nhân dân không biết nên có cảm giác là tất cả không an toàn”. Vậy, thưa Bộ trưởng, những bánh phở phoóc môn; bún dùng chất tẩy trắng trong công nghiệp; măng tươi ngâm trong dung dịch có chất vàng ô; thịt lợn nhiễm salbutamol; gà, tôm bị bơm nước, thừa dư lượng kháng sinh; rau phun thuốc kích phọt, tưới dầu nhớt... chắc cũng chỉ là cá biệt hoặc mới ở dạng “nghi án”? Nếu được như Bộ trưởng nói, chắc nước ta không nhiều bệnh nhân ung thư đến thế và người dân, cử tri cũng như các vị ĐBQH cũng không phải nóng ruột đến vậy.

Không chỉ ở Việt Nam, an toàn thực phẩm là vấn đề mang tính toàn cầu và sẽ đeo đẳng nhân loại qua từng bữa ăn. Người dân không đòi hỏi 100% thực phẩm phải an toàn ngay lập tức nhưng phải xử lý dứt điểm và triệt để những vi phạm đang ngang nhiên diễn ra hàng ngày dưới con mắt của hàng triệu người tiêu dùng. 

Người dân không thể yên tâm nếu chỉ được trấn an bằng lời nói. Chế tài xử lý thực phẩm bẩn về cơ bản đã có đủ và ngày một tăng nặng. Hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi; vi phạm an toàn thực phẩm gây hậu quả nghiêm trọng đều có thể bị xử lý hình sự. Cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm bẩn phải bị đóng cửa.

Lợn nếu đã nhiễm chất cấm thì phải tiêu hủy... Cần phạt đúng, phạt đủ đối với tất cả các hành vi vi phạm; tuyên truyền rộng khắp để “nhân dân biết” như Bộ trưởng nói, cộng thêm cơ chế khuyến khích các nhà đầu tư đổ tiền vào sản xuất thực phẩm sạch... Hãy thực thi công vụ thật tốt và đúng trách nhiệm của mình, tự khắc người dân sẽ biết và yên lòng.