"Người bệnh chỉ uống toàn bã thuốc thì sao khỏi được?"

ANTĐ - Đó là băn khoăn của Đại biểu (ĐB) Nguyễn Văn Tiên (đoàn Tiền Giang) đặt ra trước Quốc hội, trong buổi thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật dược (sửa đổi), sáng 25-3.

Uống bã thuốc, sao khỏi được bệnh?

Đóng góp ý kiến về vấn đề sử dụng dược liệu, ĐB Nguyễn Văn Tiên cho rằng dự thảo luật đã tiếp thu rất nhiều ý kiến nhưng vẫn còn rất nhiều vấn đề cần phải bàn bạc.

"Hiện nay dược Việt Nam đa số nhập của nước ngoài và trình độ của chúng ta không có khả năng kiểm soát nguồn dược liệu này có tiêu chuẩn chất lượng đến đâu. Thế nên, dược liệu nhập chủ yếu là các loại dược liệu đã chiết suất hoạt chất thành các chất dược liệu tốt bán ở nước bạn, sau đó chiết suất lần 2, lần 3 để xuất sang Việt Nam với giá rất rẻ, chỉ bằng ¼, 1/3 giá dược liệu trong nước. Người bệnh cứ uống toàn thuốc bã đấy thì làm sao khỏi được?", ĐB Tiên băn khoăn, đồng thời cho rằng nếu cứ tiếp tục sử dụng nguồn dược liệu nhập này thì ngành y học cổ truyền của chúng ta sẽ dần dần bị triệt tiêu.

ĐB Tiên đề nghị dược liệu sử dụng ở trong thuốc tôi đề nghị chỉ nên trồng. Ông nói: "Hiện ở các vùng trồng dược liệu, nhân dân và doanh nghiệp rất sẵn sàng nhưng vì dược liệu đấu thầu giá rẻ nên không cạnh tranh được, bán không ai mua. Vì vậy tôi đề nghị nên chỉ định thầu, như thế có lợi cho người dân, cho doanh nghiệp và lợi cho cả người bệnh trong nước. Nếu chỉ quy định mức giá hấp dẫn thì khó".

"Người bệnh chỉ uống toàn bã thuốc thì sao khỏi được?" ảnh 1

ĐB Nguyễn Văn Tiên (đoàn Tiền Giang)

Bán rẻ thì ế, tăng giá mới bán chạy

Bức xúc về thực trạng thực phẩm chức năng hiện nay, ĐB Bùi Văn Phương (đoàn Ninh Bình) nói: "Nhiều người nhầm lẫn thực phẩm chức năng với thuốc, nhiều người tiền mất tật mang. Các trang quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng hiện nay dành nhiều thời lượng quảng cáo thực phẩm chức năng, cách thức quảng cáo rất tinh vi. Thực phẩm chức năng mà quảng cáo như thần dược. Đặc biệt lại được sự hỗ trợ, giúp sức của các giáo sư bác sỹ trong ngành y tế".

Về giá bán của loại sản phẩm này, theo ĐB Phương là đang ở mức cao so với giá thành vì đánh vào tâm lý người dân "giá cao mới là thuốc tốt". Lợi dụng tâm lý này, nhiều đơn vị sản xuất thực phẩm chức năng bán giá cao rất nhiều lần so với giá trị thực của sản phẩm.

"Tôi có tiếp xúc với một đơn vị kinh doanh thực phẩm chức năng, họ đưa ra một loại nước uống giải độc rượu rồi nói giá bán hình thành sản phẩm là 15.000 đồng. Nhưng khi bán giá này thì không ai mua. Nhưng khi nâng giá lên 70.000 đồng thì bán rất chạy", ĐB Phương dẫn chứng.