Khốn đốn vì vay tiền để thực hiện giấc mơ xuất ngoại

ANTĐ - Sau khi lấy hàng trăm triệu đồng của một số thanh niên ở xã Hương Toàn (Hương Trà, TT-Huế), Nguyễn Tấn Đạt (1977, trú ấp 7, đường Phan Văn Hớn, xã Xuân Thới Thượng, Hóc Môn, TPHCM) hứa sẽ làm giấy tờ để đưa những người này sang Australia lao động. Tuy nhiên, đã hơn 5 năm nay, những người đưa tiền cho Đạt vẫn không thể xuất ngoại.

Lấy tiền rồi “bặt vô âm tín”

Bà Nguyễn Thị Lan (68 tuổi, trú xã Hương Toàn) có người con rể và 2 người cháu bị Đạt lừa tổng số tiền 140 triệu đồng bức xúc, kể: “Năm 2006, vợ chồng Đạt ra thăm quê ngoại ở xã Hương Toàn. Lúc này, Đạt nói có người bà con bên Australia sắp lập trang trại nên cần người sang làm công nhân, ai muốn đi thì nộp 100 triệu đồng để lo thủ tục”. Cứ nghĩ là chỗ quen biết, xóm giềng nên 3 người con và cháu của bà Lan gồm: Lê Quang Phương (1972), Nguyễn Phi Hùng (1981) và Cận Xuân Lương (1985) cầm sổ đỏ ra ngân hàng vay 140 triệu đồng để đưa cho Đạt. 4 người còn lại đưa cho Đạt 212 triệu đồng gồm anh Lê Đình Hiệt (1972), Nguyễn Ngọc Giàu (1984), Trần Như Tiến (1982) và Nguyễn Xuân Kiệm (1985). Như vậy, tổng số tiền mà Đạt nhận là 352 triệu đồng, có giấy biên nhận viết tay.

Sau khi nhận tiền, Đạt nói đúng 15 ngày sau, 7 người trên thu xếp vào TPHCM chờ phỏng vấn. Tin lời Đạt, 7 thanh niên trên rất vui mừng và đúng hẹn đã bắt xe khách vào TPHCM chờ phỏng vấn. Sau khi vào TPHCM, 7 người liên lạc thì Đạt bảo cứ chịu khó đợi. Rồi Đạt cứ tìm cách nói dối và sau 10 ngày vẫn không thấy ai gọi điện đến phỏng vấn, mà trong túi đã cạn tiền nên số người trên đành trở về quê.

Khoảng 20 ngày sau, Đạt lại gọi điện bảo những thanh niên trên chuyển số tiền còn lại và 3 ngày sau vào phỏng vấn. Nhưng do đang gặp khó khăn nên những người trên hẹn Đạt nếu phỏng vấn thành công sẽ chuyển hết số tiền còn lại. Thế nhưng khi vào đến nơi, Đạt nói bên tuyển dụng chưa sang Việt Nam được, hẹn dịp khác. Thế là những người này lại một lần nữa khăn gói về quê.

Những nông dân này đã thế chấp tài sản tại ngân hàng để vay tiền đưa cho Nguyễn Tấn Đạt.

 Những nông dân này đã thế chấp tài sản tại ngân hàng để vay tiền đưa cho Nguyễn Tấn Đạt.

Sau nhiều lần Đạt hứa hẹn, những thanh niên này nghĩ mình bị lừa nên bức xúc, kéo đến nhà Đạt gây áp lực thì Đạt viết giấy hẹn: “Trước ngày 30-6-2007 sẽ hoàn trả số tiền 352 triệu đồng, nếu không trả sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm”. Kèm theo giấy hẹn trả tiền, Đạt đưa cho 7 thanh niên này một tấm bằng tốt nghiệp ĐH và nhiều chứng chỉ hành nghề xây dựng khác để chứng tỏ “uy tín đầy mình”. Đến thời hạn trả lại tiền nhưng không thấy Đạt nói gì, gia đình của những thanh niên này lại khăn gói vào TPHCM tìm gặp nhưng Đạt cố tình lẩn tránh. Họ gọi điện cho Đạt thì anh ta lại ca mãi bài hẹn hò và về sau thì không nghe máy. Biết mình bị lừa, các gia đình nạn nhân đã gửi đơn đến cơ quan CA.

Một giấy chứng nhận mà Đạt đã “thế chấp” cho các nạn nhân để chứng tỏ “uy tín”.

 Một giấy chứng nhận mà Đạt đã “thế chấp” cho các nạn nhân để chứng tỏ “uy tín”.

Cơ quan CA đã vào cuộc

Ông Trần Như Bàn, có con là Trần Như Tiến, nói trong nước mắt: “Vợ chồng tui quần quật từ sáng đến tối cũng chỉ kiếm được vài chục ngàn đồng. Nhưng khi nghe Đạt nói qua Australia làm kiếm được nhiều tiền, cũng vì mong cho con có công ăn việc làm, vợ chồng tui thế chấp căn nhà vay ngân hàng 50 triệu đồng để đưa cho Đạt, ai ngờ lại bị lừa. Đã mấy năm nay, vợ chồng tui làm mấy cũng không đủ trả tiền lãi cho ngân hàng”. Cùng với ông Bàn, nhiều nạn nhân cũng điêu đứng khi hằng tháng phải oằn mình trả lãi vay ngân hàng đưa tiền cho Đạt. Trước sự việc trên, nhiều nạn nhân đã gửi đơn tố cáo đến CAH Hương Trà nhưng vụ việc có liên quan đến người nước ngoài nên đơn vị chuyển hồ sơ cho CA tỉnh TT-Huế xử lý.

Sau khi nhận đơn, Phòng CSĐT tội phạm về TTXH CA tỉnh TT-Huế đã phối hợp với Cơ quan CSĐT CATPHCM xác minh và có cơ sở kết luận, việc Nguyễn Tấn Đạt nhận số tiền 352 triệu đồng của 7 thanh niên trên để làm hồ sơ đi Australia là có thật. Cơ quan này cũng cho biết Đạt đã đổi số tiền đó ra 35.500 AUD và đưa Lê Văn Lĩnh (1973, trú 55/17-Trưng Trắc, Trảng Bàng, Tây Ninh, tạm trú 224, Lô H, Chung cư Nguyễn Thiện Thuật, Q.3, TPHCM). Nhận tiền xong, Lĩnh không đưa được những thanh niên này đi Australia như đã hứa nên ngày 6-5-2007, Đạt đã làm đơn tố cáo Lê Văn Lĩnh có hành vi chiếm đoạt tài sản gửi Cơ quan CSĐT CAH Trảng Bàng (Tây Ninh). Cơ quan này không thụ lý mà chuyển đơn của Đạt đến CAQ3, TPHCM vì cho rằng việc giao dịch của Lĩnh diễn ra tại Q.3.

Hiện vụ việc đang được các cơ quan chức năng phối hợp điều tra để xử lý theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, qua vụ việc này, một lần nữa chúng tôi muốn chuyển đến bạn đọc lời cảnh báo, bởi những vụ lừa đảo đưa người đi xuất khẩu lao động đã xảy ra ở nhiều địa phương nhưng vẫn có nhiều người thiếu cảnh giác. Xuất khẩu lao động đã được luật pháp quy định và có những đơn vị được giao thẩm quyền rõ ràng chứ không nên nhẹ dạ, tin tưởng vào những lời nói của những kẻ xấu để đến nỗi tiền mất, nợ mang.