Hà Nội triển khai nhiều hoạt động hưởng ứng Ngày quốc tế Người cao tuổi năm 2023 |
Chủ đề của Ngày Quốc tế Người cao tuổi (1-10) năm nay là "Gia đình và xã hội hãy tạo điều kiện để người cao tuổi sống vui, sống khỏe, sống có ích".
Thông tin về nội dung này, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) Hà Nội Vũ Duy Hưng cho biết, trong đợt cao điểm hưởng ứng Tháng hành động vì Người cao tuổi Việt Nam năm 2023 và Ngày quốc tế Người cao tuổi 1-10, Hà Nội phát động tổ chức kỷ niệm rộng khắp trên địa bàn thành phố.
Đặc biệt, tại một số đơn vị như quận Đống Đa, huyện Sóc Sơn tổ chức Hội nghị gặp mặt biểu dương người cao tuổi vận động con cháu thực hiện tốt chính sách dân số, con cháu hiếu thuận. Ngoài ra, thành phố còn triển khai nhiều mô hình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi nhằm nâng cao sức khỏe về cả thể chất và tinh thần đối với người cao tuổi tại cộng đồng…
Theo thống kê của Chi cục DS-KHHGĐ Hà Nội, ước tính 9 tháng đầu năm 2023, tỷ lệ người cao tuổi trên địa bàn thành phố được khám sức khỏe định kỳ đạt 79,25%; ước thực hiện cả năm 2023 đạt 87%, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu được giao.
Cùng đó, để người cao tuổi sống vui, sống khoẻ, các cấp Hội Người cao tuổi trên toàn thành phố còn lồng ghép phong trào thi đua "Tuổi cao gương sáng" với công tác dân số để vận dụng vào thực hiện tại mỗi gia đình, khu dân cư. Từ phong trào này đã xuất hiện nhiều hội viên người cao tuổi tiêu biểu trong vận động nhân dân, con, cháu thực hiện tốt chính sách dân số.
Trên phạm vi cả nước, theo Tổng cục DS-KHHGĐ (Bộ Y tế), Việt Nam bắt đầu giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011 với số người từ 65 tuổi trở lên chiếm 7% tổng dân số. Năm 2021, số người cao tuổi tại Việt Nam chiếm 8,3% tổng dân số (8,16 triệu người cao tuổi).
Dự báo, số người cao tuổi của Việt Nam tăng lên 16,8 triệu người vào năm 2039 và đạt 25,2 triệu người vào năm 2069. Việt Nam sẽ bước vào thời kỳ dân số già từ năm 2036, khi đó, tỷ trọng nhóm dân số từ 65 tuổi trở lên đạt 14,2% tổng dân số.
Hiện tuổi thọ trung bình của người Việt là 73,6 tuổi, phụ nữ Việt Nam có tuổi thọ cao hơn nam giới. Đáng chú ý, người dân nước ta có tuổi thọ tương đối cao nếu so với các quốc gia có cùng mức sống, nhưng lại có số năm sống với bệnh tật nhiều. Mỗi người Việt Nam trung bình có 10 năm phải sống với bệnh tật, vì vậy ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng sống.