“Khoán” định mức chiếu chụp trong BV: Ranh giới mong manh

ANTĐ - Việc cho tư nhân đầu tư máy móc y tế tại các BV công theo chủ trương xã hội hóa y tế trong những năm qua, bên cạnh mặt tích cực thì những hạn chế cũng đang bộc lộ rõ nét. TS.BS Vũ Xuân Phú, Phó Giám đốc BV Phổi Trung ương trao đổi với chúng tôi về lĩnh vực này.

Tại nhiều BV, dịch vụ chụp CT-Scanner bị lạm dụng khá phổ biến (ảnh minh họa)

- PV: Qua nghiên cứu ông đánh giá thế nào về thực trạng “khoán” chiếu chụp tại các bệnh viện?

- TS.BS Vũ Xuân Phú: Mục đích của xã hội hóa phải là chia sẻ khó khăn cho BV và người bệnh trên cơ sở đảm bảo lợi ích cả 3 bên (doanh nghiệp - BV - người bệnh). Phải thấy rằng các doanh nghiệp đầu tư máy móc vào BV đều vì lợi nhuận, thời gian đầu họ đòi BV phải thỏa thuận ăn chia theo tỷ lệ lãi suất từ sử dụng máy móc xã hội hóa là 70-30, hiện nay là 60-40. Nếu người quản lý BV không có năng lực tốt, không chặt chẽ việc khống chế lạm dụng dịch vụ thì sẽ tạo cơ hội cho doanh nghiệp thoải mái kiếm tiền trên lưng người bệnh. Thực tế ngay trong nội bộ y bác sĩ cũng có tình trạng lạm dụng chỉ định chiếu chụp nhằm hưởng “hoa hồng” của doanh nghiệp, tiếp tay cho doanh nghiệp móc túi người bệnh.

Đề tài nghiên cứu “Một số vấn đề trong công tác liên kết đặt máy chụp CT-scanner tại một số BV ở phía Bắc của một công ty cổ phần cho thuê thiết bị y tế Việt Nam”, tôi và cộng sự thực hiện tại 3 BV tuyến tỉnh gồm BV Phố Nối (Hưng Yên), BV Gang Thép (Thái Nguyên) và BV Bắc Kạn. Tại 3 BV này, doanh số kỳ vọng khi xây dựng dự án liên doanh, liên kết trung bình là 1.500 ca chụp CT-Scanner trong 1 năm. Qua thực tế triển khai, BV Phố Nối vượt “chỉ tiêu” 118%, BV Gang Thép đạt 85% và BV Bắc Kạn đạt 82%. Hiệu quả phát hiện vấn đề của bệnh nhân được chỉ định chụp CT từ các máy xã hội hóa đạt rất thấp, khoảng 30-41%. Qua nghiên cứu tại 3 BV, 2/3 máy móc CT liên doanh liên kết là do Trung Quốc sản xuất, máy còn lại do Nhật Bản sản xuất nhưng không phải máy mới… Tuy nhiên, do cỡ mẫu của nghiên cứu này nhỏ nên không phản ánh bức tranh toàn cảnh về xã hội hóa trong ngành y tế hiện nay. 

- PV: Ông có cho rằng việc “khoán” sẽ khiến các BV chịu áp lực, thúc đẩy nhiều tiêu cực?

- Trước hết phải nói rằng định mức doanh số kỳ vọng chính là số liệu mà BV ước lượng ra, trên cơ sở nhu cầu sử dụng máy móc đó tại chính BV trong một thời gian. Tất nhiên cả BV lẫn nhà đầu tư máy móc đều muốn phấn đấu để đạt được doanh số kỳ vọng nhưng điều này khác về bản chất so với việc “khoán” chỉ tiêu, bắt buộc phải đạt được chỉ tiêu đó. Nếu liên doanh, liên kết với tư nhân đầu tư máy móc vào BV mà “khoán”, giao chỉ tiêu định mức như vậy thì không được phép bởi chắc chắn sẽ dẫn đến tình trạng lạm dụng chỉ định tràn lan. 

Hơn nữa, sự mập mờ trong cơ chế bệnh tật cũng là lý do để y bác sĩ có thể lạm dụng chỉ định mà người bệnh buộc phải chấp nhận. Ví dụ, một bệnh nhân bị đau bụng thông thường, vào viện bác sĩ yêu cầu phải chụp CT ổ bụng. Lúc này nói bác sĩ lạm dụng chiếu chụp cũng đúng vì nếu dựa trên lâm sàng, bằng kinh nghiệm có thể không cần thiết cho chiếu chụp vẫn chẩn đoán được (chẳng hạn đau bụng do ngộ độc thức ăn…). Ngược lại, nói không lạm dụng cũng đúng bởi cơ chế bệnh liên quan đến nhau và diễn biến nhanh, biết đâu khi chiếu chụp lại cho ra kết quả khác mà bác sĩ đang nghi ngờ tới, còn nếu không ra thì càng… yên tâm hơn.

- PV: Trong chính nghiên cứu của ông, hiệu quả từ việc sử dụng máy móc xã hội hóa được chỉ ra là rất thấp, chỉ 30-41%. Phải chăng hơn 60% còn lại được bác sĩ chỉ định làm vì muốn… yên tâm hơn?

- Hiệu quả chẩn đoán, chiếu chụp phụ thuộc vào nhiều yếu tố, có thể do y lệnh của bác sĩ lâm sàng không chuẩn mực, đưa ra những chỉ định không thật sự cần thiết (lạm dụng chiếu chụp) nên không thu hiệu quả, có thể do chất lượng máy móc kém và cũng có thể do chuyên môn của bác sĩ không cao, thậm chí khả năng đọc hình ảnh không chuẩn… Vì vậy không thể dựa vào số liệu này để quy kết tình trạng lạm dụng chỉ định chiếu chụp, chẩn đoán hình ảnh trong các BV là tràn lan. Dẫu vậy, tỷ lệ số ca chiếu chụp có hiệu quả thấp rõ ràng là… có vấn đề. Ở đây, ranh giới giữa lạm dụng hay không lạm dụng là rất mong manh.

Để khắc phục được tình trạng này, tôi cho rằng với các BV tuyến huyện, tỉnh phải căn cứ đến chất lượng của BV, khả năng của y bác sĩ, nhu cầu của nhân dân tại địa phương… chứ không phải đầu tư tràn lan không kiểm soát được. 

- PV: Cảm ơn ông!