Khó lấp hố sâu bất đồng

ANTĐ - Khác với các lần trước, Hội nghị thượng đỉnh không chính thức lần đầu tiên trong năm 2012 của Liên minh châu Âu (EU) đã kết thúc suôn sẻ tại Brussels (Bỉ) với việc thông qua một loạt quyết định quan trọng.

Quang cảnh Hội nghị thượng đỉnh EU tại Brussels

Có thể nói mấy ngày gần đây, cả thế giới đều hướng về châu Âu bởi sự phục hồi của nền kinh tế thế giới phụ thuộc rất nhiều vào khu vực có tầm quan trọng đặc biệt này. Hiện tỷ lệ thất nghiệp trung bình tại các nước Khu vực đồng euro là 10%, tương đương với khoảng 23 triệu thanh niên. Trong khi đó, căn bệnh nợ công trong EU vẫn chưa có thuốc đặc trị và chưa thể khẳng định là nó sẽ không nặng thêm.

Trong bối cảnh đó, không có gì ngạc nhiên khi nguyên thủ các nước EU đến Brussels lần này với thái độ hòa nhã hơn. EU thường khó khăn bởi quy định mọi quyết định chỉ được thông qua khi có đủ  sự nhất trí của toàn bộ các nước thành viên. Chính vì lý do đó mà nhiều lúc khối này không đạt được một bước đột phá nào tại hội nghị thượng đỉnh. Không muốn bị liệt vào chuỗi những “Hội nghị thượng đỉnh có vấn đề”, Hội nghị Brussels lần này quyết định né tránh vấn đề nợ công còn ngổn ngang để lựa chọn chủ đề mới là thúc đẩy tăng trưởng và việc làm.

Trong không khí xây dựng đó, các nhà lãnh đạo châu Âu đã đưa ra được một loạt quyết định nhằm khôi phục nhanh hơn, mạnh hơn niềm tin vào nền kinh tế EU. Trong tuyên bố chung, các nhà lãnh đạo EU nhất trí thực hiện 3 ưu tiên chính trong thời gian tới, đó là khuyến khích tạo công ăn việc làm, đặc biệt việc làm cho thanh niên; hoàn thành thị trường chung duy nhất; và thúc đẩy đầu tư tài chính vào các nền kinh tế, nhất là cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Cụ thể, các nhà lãnh đạo châu Âu cam kết sẽ tập trung vào các vấn đề thất nghiệp trong giới trẻ; vấn đề thị trường thống nhất và các doanh nghiệp nhỏ và vừa - vốn đang bị đe dọa bởi khủng hoảng.

Lãnh đạo 27 nước thành viên EU cũng tập trung thảo luận về một hiệp định mới thắt chặt kỷ luật ngân sách và tìm giải pháp thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng. Hội nghị Brussels đã nhất trí thông qua hiệp ước mới do Đức đề xuất về quản lý ngân sách với tên gọi chính thức là “Hiệp ước ổn định, phối hợp và quản lý trong liên minh tài chính-tiền tệ”. Ông Van Rompuy, Chủ tịch EU, cho rằng văn kiện pháp lý này chính là “bức tường lửa” để tránh khủng hoảng tái diễn trong tương lai. Các nhà lãnh đạo EU cũng đồng ý đưa vào hoạt động Cơ chế Bình ổn châu Âu (ESM) trị giá 500 tỷ euro, từ tháng 7-2012, sớm hơn một năm so với kế hoạch nhằm hỗ trợ các nước đang ngập trong nợ công.

Nhìn tổng thể, có thể đánh giá Hội nghị Brussels đã thành công phần nào về mặt đồng thuận chính trị. Tuy nhiên, xét từ góc độ kinh tế - tài chính, các thỏa thuận đạt được vẫn chưa thực sự có gì mới mẻ và đột phá hơn so với những lần họp trước, nếu không nói là đa số vẫn dậm chân ở chỗ cam kết. Châu Âu cũng không thể thể hiện sự đoàn kết thực sự khi Anh và CH Czech tuyên bố không tham gia Hiệp ước mới ổn định, phối hợp và quản lý trong liên minh tài chính-tiền tệ; còn Thụy Điển chưa ký vào tuyên bố chung về tăng trưởng và việc làm được đưa ra lần này. Những hố sâu bất đồng trong nội bộ EU xem ra vẫn chưa thể hàn gắn.

EU thông qua lệnh trừng phạt Iran

Cũng tại Hội nghị thượng đỉnh Brussels, các nhà lãnh đạo 27 nước thành viên EU đã thông qua lệnh trừng phạt chống Iran. Theo lệnh trừng phạt này, các hợp đồng ký kết dầu mỏ giữa Iran và EU sẽ chỉ có giá trị đến hết 1-7-2012.

Trước đó, ngày 23-1, các bộ trưởng EU cũng đã tán thành các biện pháp trừng phạt này đối với Iran. Theo đó, lệnh trừng phạt chống Iran gồm cấm xuất khẩu dầu mỏ và phong tỏa một số ngân hàng của Iran. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy khẳng định, cánh cửa vẫn mở đối với Iran nếu nước này thực hiện hiệu quả với EU về đàm phán hạt nhân. Trong khi đó, Ủy ban An ninh Quốc gia và Chính sách Đối ngoại của Quốc hội Iran (Majlis) hôm qua 31-1 cho biết, Iran đang lên kế hoạch ban hành lệnh cấm xuất khẩu dầu mỏ đến các quốc gia thuộc EU, trang web của kênh truyền hình quốc gia Iran IRIB TV đưa tin.