Khó kiểm soát giá cước taxi

ANTĐ - Trả lời phỏng vấn Báo An ninh Thủ đô, ĐBQH Nguyễn Phi Thường (Hà Nội), Tổng giám đốc Tổng Công ty vận tải Hà Nội cho rằng, kiểm soát giá cước taxi rất khó vì hoạt động kinh doanh taxi ở Hà Nội vô cùng lộn xộn.

- Khi giá xăng tăng, nhiều doanh nghiệp (DN) taxi bị phát hiện tăng giá cước vượt quá tỷ lệ cho phép, phải chăng khâu kiểm soát giá đang có vấn đề, thưa ông?

- Về quy trình, khi DN đề nghị tăng giá cước vận tải, trong vòng 3 ngày, nếu cơ quan quản lý Nhà nước không có ý kiến gì với đề xuất đó thì DN sẽ tự động áp dụng. Ngược lại, nếu nhà quản lý nói mức giá đó không hợp lý, DN sẽ phải làm lại. Tất nhiên, việc kiểm soát là rất khó khăn.

- Kiểm tra mới đây của Sở Tài chính cho thấy, nhiều DN taxi không chấp hành kê khai giá cước mới hoặc phớt lờ yêu cầu không  được áp dụng giá cước mới do tăng chưa hợp lý?

- Có thực tế đó là do hoạt động kinh doanh taxi trên địa bàn Hà Nội còn nhiều lộn xộn. TP hiện có hơn 17.000 xe taxi song có tới 114 DN cùng hoạt động. Có những doanh nghiệp chỉ có vài chiếc hoặc khi cơ quan quản lý kiểm tra mới phát hiện DN taxi đó không còn tồn tại nữa. 

- Sau khi giá xăng đã giảm 2 đợt (tổng cộng 1.100 đồng/lít), liệu DN vận tải đã đến lúc tính tới chuyện giảm giá cước chưa?

- Đến một mức nào đó, chi phí đầu vào phá vỡ cấu trúc về hiệu quả của DN thì người ta bắt buộc phải tăng giá. Ở chiều ngược lại, giá cước vận tải cũng có lúc giảm. Nhưng thực ra, việc giảm giá rất hãn hữu. Bởi để tăng giá cước là cực kỳ khó, DN vận tải thường phải cân nhắc rất kỹ. Thêm nữa, về mặt tâm lý, khi đã tăng giá cước rồi, các DN vì mục tiêu lợi nhuận và tích lũy của mình sẽ ít khi giảm giá. Ngoài ra, DN cũng sẽ lo ngại cho năng lực dự trữ của mình trong các giai đoạn tiếp theo, trong trường hợp giá xăng dầu sẽ sớm tăng trở lại. Đây là quy luật bình thường trong kinh doanh vận tải.

- Như vậy, người tiêu dùng sẽ phải chờ đợi giá xăng giảm sâu hơn thì cước vận tải mới có thể giảm? 

- Đây là bài toán mà tất cả các DN vận tải phải cùng tham gia. Thực tế, không phải mỗi khi giá xăng tăng là cước tăng. Ở mảng vận tải liên tỉnh, vừa rồi, khi giá xăng tăng, chúng tôi đã không tăng giá cước, bởi hoạt động kinh doanh ở đó cạnh tranh cực kỳ khốc liệt. Trên cùng một tuyến đường, có rất nhiều DN hoạt động, gồm cả các nhà xe tư nhân. Đơn phương tăng giá cước sẽ đồng nghĩa với tự sát. Mỗi khi muốn tăng giá cước, các DN sẽ phải tiến hành hiệp thương, tức là tuyến đó có bao nhiêu DN thì bấy nhiêu người phải ngồi lại với nhau và đều thống nhất tăng thì mới có thể áp dụng, chứ không có ai dám tự quyết định giá cước.

- Theo ông, có nên đưa giá cước vận tải, nhất là taxi vào danh mục Nhà nước kiểm soát để hạn chế việc tăng giá cước “té nước theo mưa”?

- Mọi hàng hóa đều sẽ tiến theo xu hướng thị trường điều tiết, tất nhiên vẫn phải có định hướng và kiểm soát nhất định của cơ quản quản lý Nhà nước. Không nên thả nổi hoàn toàn song cũng không thể can thiệp thô bạo bằng biện pháp hành chính vào giá cả. Mục đích là tạo ra thị trường cạnh tranh lành mạnh, việc gì đã giao cho DN thì để DN làm, Nhà nước chỉ quản lý những gì cần thiết. Giống như câu chuyện quản lý taxi ở Hà Nội, siết chặt lại là rất cần thiết nhưng không thể chia nhỏ vùng phục vụ hay bắt tất cả các hãng sơn cùng một màu, tính khả thi sẽ không cao.