Khó khăn kinh tế cản bước du học

ANTĐ - Hiện đang là thời điểm nhộn nhịp nhất của các cuộc tư vấn, triển lãm du học trong năm, sau khi đã kết thúc hàng loạt các kỳ thi vượt cấp, tuyển sinh trong nước. Khó khăn chung về tài chính khiến hoạt động này chững lại nhưng dường như cũng thực chất hơn.

Nhu cầu du học đã có định hướng thực chất hơn

Giảm sút nhu cầu tư vấn du học

Chị Thu Hà, Công ty tư vấn du học Sunrise cho biết, khó khăn kinh tế đang thực sự khiến cho số lượng những gia đình có nhu cầu tìm hiểu về du học giảm sút mạnh. Bên cạnh đó, một trong những điểm du học kém sức hấp dẫn trong giai đoạn này là việc các nước không còn duy trì mức học bổng bao gồm cả học phí lẫn chi phí sinh hoạt. “Hiện tại chỉ còn học bổng một phần hoặc 100% học phí. Những học bổng này không còn hỗ trợ chi phí sinh hoạt như trước” – chị Thu Hà cho biết.

Có thể điểm ra nhóm các nước có chi phí du học cao nhất đối với sinh viên nước ngoài hiện nay là Nhật Bản, New Zealand, Mỹ, Anh, Australia. Du học ở Australia  trước đây được nhiều nhiều bạn trẻ quan tâm bởi nước này đã đưa ra nhiều ưu đãi nhằm thu hút sinh viên như cho phép sinh viên tốt nghiệp ở lại, làm việc, có cơ hội được xét định cư... Tuy nhiên, 2 năm trở lại đây, thị trường này đã chững lại, thậm chí giảm liên tục, năm 2011 giảm 8,5% so với năm trước đó, năm 2012 giảm 4,4%.  Nguyên nhân là lệ phí xét thị thực vào nước này ở mức rất cao: gấp 1,5 lần du học Anh, gấp 4,5 lần du học Mỹ, gấp 15 lần du học Hàn Quốc, gấp 20 lần du học Nhật Bản.Việc xét thị thực vào Australia cũng được siết chặt hơn, cả về khả năng tài chính cũng như mục đích du học. 

Cùng với đó, tình hình làm thêm để gỡ khó tài chính trong thời gian du học cũng bị hạn chế. Ở Australia, sinh viên tự tìm việc và được phép làm thêm 20 giờ/tuần với mức lương trung bình 12,75 AUD và toàn thời gian trong kỳ nghỉ. Tuy nhiên công việc làm thêm này cũng chỉ đủ trang trải một phần chi phí ăn ở, gia đình vẫn phải hỗ trợ tiền học phí với mức trung bình khoảng 15.000USD/năm. 

Hướng vào thực chất

Không ít gia đình trước đây có ý định cho con du học tự túc nước ngoài, nay đã hướng tới các chương trình chất lượng cao trong nước, các chương trình đào tạo liên kết với nước ngoài. Nguyễn Hoài An, sinh viên năm thứ nhất ĐH Ngoại thương cho biết, cũng với mục tiêu du học nhưng cô và gia đình quyết định kéo dài thời điểm học trong nước trước khi ra nước ngoài. “Chương trình tiên tiến của ĐH Ngoại thương là lựa chọn khá phù hợp trong thời điểm này với khả năng kinh tế của gia đình em. Mặc dù học phí cũng lên tới gần 40 triệu đồng một học kỳ nhưng được theo học chương trình liên kết với ĐH nước ngoài. Sinh viên theo chương trình này vẫn phải đạt trình độ tiếng Anh theo tiêu chuẩn du học và có thể đi du học ở năm cuối với trường liên kết để có thể lấy bằng ĐH của họ” – Hoài An cho biết. Chi phí này tiết kiệm hơn rất nhiều so với phương án đi du học ngay từ năm thứ nhất.

Một định hướng nữa cũng được đánh giá là thực chất hơn là lựa chọn những thị trường mới, chất lượng nhưng giá cả hợp lý. Singapore hiện là điểm đến của nhiều du học sinh tự túc với ưu điểm nổi bật là gần gũi cả về địa lý và thói quen sinh hoạt đối với người Việt Nam, có nhiều trường ĐH thuộc đẳng cấp thế giới. Học phí tại đây cũng không quá cao so với nhóm nước thuộc tốp nói trên, xin visa du học không khó khăn. Tuy nhiên, sinh viên cần cân nhắc khi chọn trường bởi chất lượng các trường rất đa dạng. Ngoài ra, cơ hội được định cư ở đây là rất ít, trừ sinh viên tốt nghiệp các trường công lập và các trường nằm trong danh sách của Bộ Nhân lực chính phủ Singapore.