Khó khăn chưa qua

ANTĐ - Dù đã nỗ lực rất nhiều nhưng những dự báo mới nhất cho thấy kinh tế châu Âu vẫn đối mặt với triển vọng không chắc chắn ở mức cao và có nguy cơ giảm phát.

Trong một cuộc họp tại Frankfurt, ông M. Draghi, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), cho biết sẽ tiếp tục giữ lãi suất chuẩn ở mức thấp kỉ lục là 1% vì triển vọng sụt giảm của nền kinh tế khu vực này là “đáng kể”. Trước đó, 55/57 nhà kinh tế tham gia khảo sát của Bloomberg cũng đưa ra nhận định ECB sẽ chưa vội nâng lãi suất chuẩn trong bối cảnh nền kinh tế chưa bước qua giai đoạn nguy hiểm. Khả năng nới lỏng hơn chính sách tiền tệ khiến đồng euro sẽ giảm năm thứ 3 liên tiếp so với USD, xuống tới 1,25 USD/euro vào cuối năm.

Thực ra thì khó khăn của châu Âu không nằm ngoài xu thế chung của thế giới. Trong báo cáo “Triển vọng kinh tế toàn cầu” vừa được xuất bản (hai năm một lần), Ngân hàng thế giới (WB) đã hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2012-2013 khi nhận định “nền kinh tế thế giới đang bước vào giai đoạn đầy chông gai”. Còn Liên hiệp quốc thì cảnh báo các nước phát triển có nguy cơ rơi vào vòng xoáy suy thoái vì những vấn đề như nợ công lớn, tài chính bấp bênh, nhu cầu thấp và chính sách yếu. Tất cả vấn đề này đã có sẵn và chỉ cần một yếu tố xấu đi cũng đủ gây ra sự hỗn loạn nghiêm trọng về tài chính, tăng trưởng kinh tế sụt giảm.

Tuy nhiên, khác với một số khu vực khác, khả năng phục hồi của châu Âu là điều mà nhiều người nghi ngờ nhất. Theo ông Tổng thư ký Tổ chức hợp tác kinh tế và phát triển (OECD), tình hình ở châu Âu cực kì bất lợi: thất nghiệp tăng, mức độ căng thẳng trên các thị trường tài chính lớn hơn,

Eurozone đang trong tình trạng suy thoái, giải pháp về khủng hoảng Hy Lạp bị ngờ vực, còn các hãng xếp hạng thì lại đổ thêm dầu vào lửa bằng những quyết định giảm đánh giá về độ tin cậy của trái phiếu chính phủ. Không những thế, WB còn cho rằng cuộc khủng hoảng nợ công của khối đồng euro sẽ gây ra hậu quả tiêu cực dây chuyền trong hệ thống tài chính toàn cầu và có thể đẩy thế giới trở lại cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008-2009.

Chính vì thế, cứu châu Âu khỏi cơn suy thoái phụ thuộc vào chính châu Âu, rất nhiều điều sẽ phụ thuộc vào giải pháp của các nhà làm chính sách ở châu Âu. Họ phải đồng thời áp dụng các biện pháp củng cố ngân sách và tiến hành những bước đi nhằm tăng khả năng cạnh tranh của các nền kinh tế thuộc khối EU. Những nền kinh tế hàng đầu châu Âu như Pháp và Đức cần phải tập trung thủ tiêu những kẽ hở trong luật thuế trước khi viện đến việc tăng gánh nặng thuế để giảm bớt gánh nặng nợ công.

Khó khăn vẫn chưa qua. Nhận định về triển vọng của châu Âu, ông D. Lipton, Phó giám đốc điều hành thứ nhất của IMF, cảnh báo: “Nguy cơ rất cao. Nếu không có hành động táo bạo, châu Âu có thể bị hút vào cơn lốc giảm lòng tin, tăng trưởng chậm chạp và ít việc làm hơn. Không có một khu vực nào lại có thể miễn dịch khỏi thảm họa như vậy”. Còn WB thì khuyến cáo các chính phủ cần chuẩn bị cho một tương lai gần tương tự với thời kỳ sau vụ sụp đổ của ngân hàng tín dụng Lehman Brothers vào năm 2008. Châu Âu sẽ tiếp tục phải chính sách thắt lưng buộc bụng.