Công an Thủ đô thực hiện sáu điều Bác Hồ dạy

Khi người dân phố cổ là chiến sĩ trên trận chiến với “giặc lửa”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trận chiến với “giặc lửa” chưa bao giờ dứt, nhất là khi người dân quá chủ quan trong công tác phòng cháy, chữa cháy. Đã có không biết bao nhiêu vụ cháy với tính chất, mức độ nghiêm trọng đã xảy ra. Chính vì vậy, muốn chiến thắng với “giặc lửa”, mỗi người dân phải là một chiến sĩ…

Phòng còn hơn chống

Phường Hàng Bài thuộc khu phố cũ của quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), được chia thành 7 tổ dân phố với 1.748 hộ, gần 6.000 nhân khẩu. Trên địa bàn phường có hơn 200 trụ sở cơ quan Bộ, ngành Trung ương, đại sứ quán và nhà riêng đại sứ, cơ quan, doanh nghiệp.

Đặc biệt, địa bàn phường Hàng Bài có 17 khu tập thể được xây dựng từ những năm 1950, 1960 đến nay đã xuống cấp chưa được cải tạo, sửa chữa; 76 số nhà đông hộ, ngõ sâu; 214 cơ sở nhà ở kết hợp kinh doanh thuộc diện phường quản lý... Những đặc điểm trên đều có tiềm ẩn nguy cơ, rủi ro về cháy nổ, đã tác động không nhỏ đến công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH) trên địa bàn phường.

“Chúng tôi sống ở đây lâu đời, từ thế hệ này sang thế hệ khác, bây giờ bảo chuyển đi một nơi khác có lẽ khó, khó ở chính nếp sống, thói quen và môi trường. Nhiều khi xem hay đọc tin tức về các vụ cháy cũng nghĩ chứ...

Đã có trên 800 điểm chữa cháy công cộng được lắp đặt tại các ngõ phố nhỏ hẹp, nguy cơ mất an toàn PCCC trên địa bàn quận Hoàn Kiếm

Đã có trên 800 điểm chữa cháy công cộng được lắp đặt tại các ngõ phố nhỏ hẹp, nguy cơ mất an toàn PCCC trên địa bàn quận Hoàn Kiếm

Không cần biết là người hay tài sản, nhưng cứ thiệt hại đã là điều không ai mong muốn rồi. Đường ngõ nhỏ hẹp, nhà sát nhà mà cũ kỹ như thế này thì khó khăn cho công tác PCCC khi có vụ cháy xảy ra” - Ông Nguyễn Hữu Hoài, công dân phường Hàng Bài cho biết.

Đồng tình với ý kiến của ông Hoài, ông Nguyễn Ngọc Thành, một người dân sinh sống trên địa bàn phường cũng nói thêm: “Chẳng riêng gì địa bàn phường Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm chủ yếu là phố cổ, người dân kinh doanh nhiều nhờ địa thế là quận trung tâm. Nếu như có cháy, nổ mà không chữa cháy kịp thời thì khó biết được hậu quả sẽ thế nào”.

Thượng tá Hoàng Trung Kiên - Phó trưởng Công an quận Hoàn Kiếm cho biết, qua công tác điều tra cơ bản, nắm tình hình, lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy xác định, địa bàn quận Hoàn Kiếm nhiều ngõ nhỏ, phố nhỏ, nhưng lại đông dân cư và hoạt động kinh doanh rất sôi động. Ngoài ra, đây cũng là quận tập trung nhiều cơ sở kinh doanh có điều kiện như bar, vũ trường… với hệ thống điện quy mô. Nếu xảy ra chập cháy mà không được cứu chữa kịp thời, sẽ không thể ước lượng được những thiệt hại.

Bên cạnh đó, theo đánh giá của lực lượng chức năng, nếu xảy ra cháy, nổ trong các khu phố cổ thì việc chữa cháy gặp rất nhiều khó khăn. “Chúng tôi đơn cử một vài ví dụ như trong các khu dân cư phố cổ không có trụ nước chữa cháy, hay còn gọi là họng cấp nước chữa cháy, hồ chứa nước, bể nước công cộng… Nếu xảy ra cháy mà không có phương tiện, lực lượng chữa cháy tại cơ sở thì chắc chắn sẽ xảy ra cháy to” - Thượng tá Hoàng Trung Kiên nêu vấn đề.

Khi mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận PCCC, thì công tác PCCC&CNCH sẽ được đảm bảo

Khi mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận PCCC, thì công tác PCCC&CNCH sẽ được đảm bảo

Phó trưởng Công an quận Hoàn Kiếm cũng đề cập đến tuyến phố Hàng Mã, phường Hàng Mã - nơi kinh doanh các mặt hàng dễ cháy, hoặc dọc tuyến Hàng Ngang, Hàng Đào kinh doanh chủ yếu là quần áo, vải vóc. Sự cố chập cháy là không thể lường trước, nhưng sẽ còn đáng lo ngại hơn nếu xảy cháy mà không được cữu chữa ngay, dẫn đến những hậu quả liên quan đến người và tài sản.

“Thực tế, tình trạng cháy, nổ tại các hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh làm chết nhiều người trên địa bàn cả nước đã xảy ra. Nguyên nhân chủ yếu do ý thức của người dân còn chủ quan, chưa nhận thức được tầm quan trọng của công tác PCCC, không có lối thoát nạn thứ hai, không trang bị bình chữa cháy, không đáp ứng được chủ trương “bốn tại chỗ”… dẫn đến khi xảy ra cháy không xử lý kịp thời gây hậu quả nghiêm trọng.

Do vậy, Công an quận Hoàn Kiếm cũng chú trọng phòng ngừa, đặc biệt là huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và nhất là sự đoàn kết một lòng của người dân. Mục tiêu của chúng tôi là đảm bảo an toàn, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản khi có cháy nổ xảy ra” - Thượng tá Vũ Văn Huế, Phó trưởng Công an quận cho biết.

Phát huy sức mạnh toàn dân PCCC

Đánh giá tầm quan trọng trong công tác PCCC&CNCH, Công an quận Hoàn Kiếm đã tham mưu cho Đảng ủy, UBND quận Hoàn Kiếm thí điểm mô hình “Điểm chữa cháy công cộng”, nhằm huy động các ban, ngành, đoàn thể và nhân dân tham gia.

Cho đến nay, quận Hoàn Kiếm vẫn duy trì 842 điểm chữa cháy công cộng lắp đặt tại 842 ngõ sâu, được đánh giá là tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn PCCC và phương tiện PCCC&CNCH khó tiếp cận với 1.684 bình chữa cháy.

“Chúng tôi một mặt làm công tác phòng ngừa, mặt khác trên cơ sở lắp đặt các điểm chữa cháy cũng là để người dân tự giác nâng cao ý thức, trách nhiệm trong PCCC ở chính khu dân cư mình sinh sống. Để mô hình này đạt hiệu quả, ngoài việc hướng dẫn cho người dân từng khu dân cư, tổ dân phố, lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng, tự quản được xem là “cánh tay nối dài” của công an, làm nhiệm vụ tuyên truyền, vận động người dân cùng bảo vệ an toàn PCCC ở cơ sở” - Thiếu tá Trần Anh Quang, Phó đội trưởng Đội Xây dựng phong trào bảo vệ ANTQ, Công an quận Hoàn Kiếm thông tin.

Lực lượng dân quân thường trực phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm đã trực tiếp dập tắt đám cháy nhờ các phương tiện chữa cháy tại chỗ
Lực lượng dân quân thường trực phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm đã trực tiếp dập tắt đám cháy nhờ các phương tiện chữa cháy tại chỗ

Thực tế, nếu một vụ cháy xảy ra trong khu dân cư, khi người dân biết sử dụng các phương tiện chữa cháy tại chỗ, cùng với đó là lực lượng chữa cháy cơ sở kịp thời triển khai các biện pháp chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, thì chắc chắn sẽ hạn chế được cháy lan với những thiệt hại khó đong đếm.

“Chúng tôi cũng lường trước nếu xảy cháy vào ban đêm, người dân đi ngủ thì sẽ khó để huy động phương tiện chữa cháy. Do vậy các điểm chữa cháy công cộng lúc này sẽ phát huy vai trò và hiệu quả của mình. Trong các buổi giao ban với các lực lượng bảo vệ dân phố, tự quản, dân phòng và sinh hoạt tập thể trong các tổ dân phố, chúng tôi cũng chú trọng việc vận động quần chúng nhân dân phát huy tinh thần, trách nhiệm với tập thể, có như vậy an ninh, an toàn mới được đảm bảo, giữ vững” - Thiếu tá Trần Anh Quang thông tin thêm.

Là địa bàn đi đầu trong việc triển khai mô hình “Điểm chữa cháy công cộng” và cũng là người dân tích cực tham gia, ông Nguyễn Hữu Hoài (phường Hàng Bài) chia sẻ: “Bản thân tôi thấy mô hình “Điểm chữa cháy công cộng” rất thiết thực. Có khi mình lơ là, mấy ai nghĩ cháy nổ xảy ra ở nhà mình hay khu mình ở đâu. Nhưng khi nhìn thấy những bình chữa cháy lắp ở các điểm chữa cháy công cộng, tự mình cũng phải nâng cao ý thức hơn”.

Không chỉ tuyên truyền trong khu dân cư, Công an quận Hoàn Kiếm còn tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức như phát tờ rơi, thực hành ngay tại phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận. Việc này nhằm lan tỏa ý thức, trách nhiệm của mỗi người dân, không chỉ là công dân sinh sống, học tập và làm việc tại quận Hoàn Kiếm mà cả những người ở địa phương khác, nhằm lan tỏa một mô hình thiết thực, phục vụ cuộc sống của người dân.

“Hướng tới Ngày hội toàn dân bảo vệ ANTQ, chúng tôi hy vọng rằng mô hình “Điểm chữa cháy công cộng” và nhiều mô hình khác nữa sẽ trở thành phong trào cho người dân hưởng ứng tham gia. Khi mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận phòng, chống “giặc lửa”, chúng tôi tin rằng cháy nổ sẽ không còn là nỗi ám ảnh của mỗi gia đình” - Chỉ huy Công an quận Hoàn Kiếm nói.