Khi đồng tiền liền… lễ hội

ANTĐ - Khi mới ngoài rằm tháng Chạp, hoa đào đã nhuộm hồng cả rẻo đất bãi Nhật Tân - Phú Thượng. Mùa xuân gõ cửa từng nhà. Không biết ai viết nên câu ca dao: “Tháng Giêng là tháng ăn chơi…”. Xưa cư dân nông nghiệp lúa nước ăn chơi thế nào, chứ giờ mà cứ ăn cứ chơi hết tháng Giêng thì kể ra cũng là nỗi phiền toái và lo lắng lớn cho xã hội.

Khi đồng tiền liền… lễ hội ảnh 1Đồng tiền đang được sử dụng như công cụ kết nối với thánh thần

Cũng chẳng biết người xưa “ăn chơi” tháng Giêng thế nào mà nho nhã, thanh bình đến lạ. Giờ ăn chơi hội hè đụng đâu cũng thấy… có vấn đề. Ban tổ chức Lễ hội chùa Hương vừa họp báo, công bố sẽ chấm dứt tình trạng treo thịt sống lủng lẳng trên đường hành hương, thay vào đó là cho vào tủ kính, vừa vệ sinh, vừa đỡ phản cảm lại vẫn đảm bảo phục vụ nhu cầu của cả triệu lượt khách mỗi năm. Năm nào trước mùa hội, BTC các lễ hội đều rất quyết tâm nào chống ùn tắc, chống chặt chém ép khách, chống xả rác bừa bãi, giữ gìn vệ sinh môi trường. Nhưng rồi vẫn cứ… y nguyên. Bức xúc cũ, tồn tại cũ… 

Đương nhiên, để thay đổi được, rất cần sự hợp tác từ hai phía, đặc biệt là ý thức của người đi hội. Mấy năm trước, mở rộng suối Yến, BTC Lễ hội chùa Hương cho nạo vét bùn, khơi thông dòng chảy, mới vỡ ra dưới dòng Yến Vĩ toàn túi nilon và vỏ lon bia. Cũng đau đầu trước sự vô ý thức của người đi hội, chùa Đồng - Yên Tử chịu chung cảnh khi cả triệu lượt người lấy tiền xoa vào mọi chỗ có thể xoa được rồi áp vào mặt hít hà. Cặp chuông, khánh được đặt cạnh chùa cũng vì bị xoa mà nhẵn bóng rồi hao mòn… Tuyên truyền cách nào cũng không át nổi cái “tín ngưỡng” xoa tiền mê muội đó. 

Kinh dị hơn là chuyện xoa tiền vào tiết rồi đem về nhà cất giữ như bảo vật ở Lễ hội chém lợn làng Ném Thượng, tỉnh Bắc Ninh lễ hội mà gần đây báo chí đang tranh luận ầm ĩ chuyện bỏ hay không. Chưa bàn đến đó, trong khuôn khổ bài viết này, chỉ xin bàn đến những ngộ nhận của người tham gia lễ hội. Không phản cảm sao được khi cả trăm người chen lấn xô đẩy nhau để miết tờ tiền vào máu những con lợn vừa bị chém với ý nghĩ tiết của những con vật tế có thể đem lại nhiều may mắn và tài lộc. Sự thật thì tục lệ lấy tiền thấm máu lấy may tại lễ hội làng Ném Thượng có từ bao giờ, khi được hỏi nhiều nhà nghiên cứu văn hóa đều lắc đầu: “Không hiểu từ đâu ra!”. Có lẽ, nó giống hệt với cách người ta xoa tiền vào đụn gạo, đụn vàng hay chùa Đồng -Yên Tử…

Mùa lễ hội 2015 đang đến rất gần. Bộ VH-TT&DL cũng đã đề ra rất nhiều giải pháp quản lý, trong đó yêu cầu rà soát không để các hoạt động đổi tiền lẻ hưởng phí chênh lệch tồn tại trong khuôn viên di tích và lễ hội. Bên cạnh đó cũng vận động, hướng dẫn du khách thực hiện nếp sống văn minh, sử dụng đồng tiền hợp lý, có văn hóa. Công văn nhằm khắc phục tình trạng sử dụng tùy tiện đồng tiền Việt Nam (đặc biệt là tiền mệnh giá nhỏ) và tiền quốc tế (nếu có) trong các hoạt động tín ngưỡng, lễ hội.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng không in và đưa vào lưu thông các loại tiền mới có mệnh giá từ 5.000 đồng trở xuống. Cơ quan này đã gửi văn bản đề nghị các bộ, ngành liên quan tăng cường quản lý việc sử dụng, lưu thông đồng tiền có mệnh giá nhỏ trong hoạt động văn hóa, tín ngưỡng, lễ hội đồng thời sẽ phối hợp chặt chẽ với lực lượng quản lý thị trường, cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý nghiêm khắc nếu bắt gặp hành vi đổi tiền lẻ với mức phạt 20-40 triệu đồng. Chủ trương đã có, rất rõ ràng. Vấn đề ở đây lại vẫn cứ nằm ở việc tuyên truyền và thực hiện. Ngẫm ra mà ngán vì đồng tiền trở thành cầu nối tâm linh giữa thế giới văn minh vật chất và cõi thần thánh linh thiêng. Nếu không chấn chỉnh lại, khéo cụm từ “Có tiền mua tiên cũng được” thành sự thật. Sẽ mua được “tiên” chỉ với vài tờ tiền mệnh giá nhỏ.

Chỉ thị của Ban Bí thư về quản lý và tổ chức lễ hội: Sử dụng tiền trong lễ hội theo đúng pháp luật

Văn phòng Trung ương Đảng vừa công bố Chỉ thị số 41- CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội. Chỉ thị số 41 yêu cầu, bên cạnh việc tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội, cán bộ đảng viên phải gương mẫu chấp hành. Không dự lễ hội với danh nghĩa tổ chức, cơ quan, đơn vị nếu không được cấp có thẩm quyền phân công. Giảm tần suất, thời gian tổ chức, nhất là những lễ hội có quy mô lớn. Ngăn chặn và khắc phục tình trạng lợi dụng di tích, nơi thờ tự, lễ hội nhằm trục lợi, tuyên truyền mê tín, dị đoan và tổ chức các hoạt động trái pháp luật. Thực hiện nghiêm việc quản lý đốt hàng mã; quản lý, sử dụng đồng tiền Việt Nam trong lễ hội theo đúng quy định của pháp luật; khắc phục tình trạng đặt hòm công đức và đặt tiền lễ tuỳ tiện; quản lý và sử dụng tiền công đức công khai, minh bạch, phục vụ công tác bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di tích và tổ chức lễ hội. Không lạm dụng truyền hình trực tiếp để huy động tài trợ cho việc tổ chức lễ hội. Quản lý chặt chẽ các hoạt động dịch vụ, niêm yết công khai giá dịch vụ; xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân lợi dụng lễ hội để tăng giá, ép giá.